Trần Văn A phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Sau khi đọc bài viết “Trần Văn A phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Minh Cương và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng Trần Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Sự khác biệt của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội tham ô tài sản thể hiện rõ nhất thông qua mặt khách quan của từng tội phạm, mà cụ thể là hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm của từng tội phạm này.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt. Đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong tội này phải là những tài sản đã được giao ngay thẳng cho người phạm tội trên cơ sở hợp đồng. Hành vi chiếm đoạt ở đây là những hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết, có thể là hành vi không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối, hoặc hành vi không trả lại tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng vào mục đích bất hợp pháp

Hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm hai hành vi: hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xảy ra, còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vì gian dối. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật (qua lời nói, qua việc xuất trình những giấy tờ sai sự thật hoặc qua những việc làm cụ thể). Hành vi chiếm đoạt của tội lừa đảo có hai hình thức thể hiện: nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thi hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối, nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng nhẽ phải giao cho người bị lừa dối.

Tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý. Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.

Xét tình huống tác giả đưa ra, tôi cho rằng Trần Văn A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bởi vì:

Giữa A và Tổng Công ty X được xác lập thông qua một hợp đồng dân sự. nhiệm vụ, quyền hạn của A đó là quản lý số tiền bán hàng thu được từ các điểm bán trong khu vực do A phụ trách và phải chuyển tiền về cho Tổng Công ty. Thông qua hợp đồng A được Tổng Công ty X tín nhiệm giao cho A quản lý số tiền bán hàng thu được. Tuy nhiên, vì mục đích cá nhân A đã chiếm đoạt số tiền đó bằng thủ đoạn gian dối, đó là sử dụng một loạt các thao tác chuyển tiền liên tiếp nhau về mặt thời gian để thực hiện việc chuyển tiền giữa các tài khoản của điểm bán với tài khoản của cá nhân nhằm chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của Tổng Công ty thành tài sản của mình. Hành vi của A được xác định là không chuyển lại tài sản bằng thủ đoạn như đã phân tích ở trên. Vì vậy có đủ căn cứ để xác định A phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

A không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hành vi lừa dối là thủ đoạn để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên trong tình huống này A đã thực hiện đúng các công việc theo chức năng, quyền hạn của mình và nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao suốt một khoảng thời gian dài, đồng thời hành vi chiếm đoạt tài sản của A cũng cho thấy khi có tiền mới dùng thủ đoạn gian dối để không chuyển lại cho chủ sở hữu theo như hợp đồng là Tổng Công ty X. Nên không có đủ căn cứ xác định A phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả về quan điểm A phạm tội “Tham ô tài sản”. Bởi vì tội Tham ô tài sản có dấu hiệu Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm  đoạt, đánh tráo tài sản do mình quản lý thành tài cá nhân, làm mất đi một khối lượng tài sản nhất định của tổ chức mà người đó quản lý. Đối tượng tác động của tội phạm phải thỏa mãn điều kiện đó là tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người phạm tội có trách nhiệm quản lý khi người phạm tội có quyền chiếm hữu hợp pháp với tài sản. Ở đây nhiệm vụ, quyền hạn của A đó là quản lý tài sản thu được do mình phụ trách đồng thời phải chuyển về cho chủ sở hữu và không được sử dụng và không có quyền quyết định đối với tài sản. Nên hành vi chiếm đoạt số tiền 215.000.000 đồng của A không phạm tội Tham ô tài sản.

Trên đây là một số ý kiến của cá nhân tôi sau khi nghiên cứu vụ án, kính mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của các độc giả./.

 

Tòa án nhân dân huyện EaKar, Đăk Lăk xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hồ Quốc Nam

DUY LINH (Tòa án quân sự Quân khu 3) –