Trao đổi về bài viết “V, H và S phạm tội gì?”
Sau khi nghiên cứu bài viết “V, H và S phạm tội gì?” của tác giả Đỗ Ngọc Bình và Nguyễn Bá Nhất đăng ngày 06/12/2021, tôi có một số ý kiến trao đổi cùng các tác giả và bạn đọc.
Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng ở nhiều địa phương trên cả nước gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật khi tiến hành xử lý, giải quyết các vụ án có dấu hiệu của tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, cụ thể:
Theo quy định tại điểm a tiểu mục 6.2 mục 6 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Thông tư liên tịch số 17/2007) ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS 1999 có nêu: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”.
Dựa vào quy định trên thì nhóm người nghiện ma túy tổ chức cho nhau sử dụng trái phép chất ma túy thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, trong quá trình thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng liên quan. Nếu kết quả xác minh nhóm đối tượng liên quan đều là người nghiện thì người cung cấp ma túy không phải chịu trách nhiệm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.
Ngày 30/11/2020, VKSNDTC ban hành Công văn số 5442/VKSTC-V14 (Công văn số 5442) về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự lại hướng dẫn áp dụng pháp luật về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” tại tiểu mục 16.2 mục 16 phần I như sau: “… người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.
Cùng về nội dung này ngày 02/8/2021, TANDTC ban hành Công văn số 02/TANDTC-PC (Công văn số 02) về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử cũng hướng dẫn nội dung trên tại mục 7 phần I như sau:
“A là người đi mua ma tuý về (B không biết A mua ma tuý). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma tuý ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 3 người cùng sử dụng ma tuý, sau đó D đến nhà C và thấy ma tuý trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C, D đều là người nghiện ma tuý. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hay không?
… Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma tuý cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma tuý…. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật hình sự”.
Theo hai Công văn hướng dẫn trên, không cần xác định yếu tố nhân thân của những đối tượng trong vụ án có phải là người nghiện ma túy hay không mà chỉ cần xác định có hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015.
Như vậy, cùng một nội dung liên quan đến việc xử lý tội phạm “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” đang có hướng dẫn và cách xác định hoàn toàn khác nhau về đối tượng được cung cấp ma tuý trong hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Ở đây, tác giả cho rằng, Công văn số 02 của TANDTC và Công văn số 5442 của VKSNDTC chỉ là các văn bản đơn ngành được ban hành nhằm giải đáp các vướng mắc mang tính chất nội bộ Ngành, không mang những thuộc tính chung của pháp luật là tính quy phạm phổ biến và tính bảo đảm thực hiện bằng Nhà nước. Mặc dù Thông tư liên tịch số 17/2007 đã hết hiệu lực thi hành vì đây là văn bản được ban hành để hướng dẫn cho BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật này đã bị thay thế bằng BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng đây là văn bản có giá trị pháp lý cao hơn Công văn số 02 của TANDTC, Công văn số 5442 của VKSNDTC và hiện chưa có Thông tư liên tịch khác hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XX “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 2015 thay thế. Do vậy, các vấn đề liên quan đến việc xác định các yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” vẫn cần áp dụng tinh thần và quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007. Và trên thực tế, các cơ quan quan tiến hành tố tụng vẫn cần sử dụng các quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2007 để xử lý loại tội phạm này.
Trên cơ sở những phân tích nêu trên và dựa theo diễn biến vụ án mà tác giả Đỗ Ngọc Bình, Nguyễn Bá Nhất đề cập đến, để xác định được đúng tội danh đối với V, H và S, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định rõ V, H và S có phải là người nghiện ma túy hay không. Thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 09/7/2015 của Bộ y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ công an quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy. Nếu V, H và S được xác định là người nghiện ma túy thì xử lý theo Quan điểm thứ nhất: V và S phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015. Đối với hành vi sử dụng ma túy vào các ngày 11 và 12/02/2020 tại phòng số 205 và phòng số 101 nhà nghỉ T của V, H và S thì bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Ngược lại, thì xử lý theo Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả Đỗ Ngọc Bình và Nguyễn Bá Nhất): V và S phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015. Ngoài ra, V phạm thêm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015. Còn H phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015.
Trên cơ sở những vướng mắc, bất cập được nêu ở trên thông qua việc định tội danh trong một vụ án cụ thể, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, các cơ quan tiến hành tố tụng cần kiến nghị với Hội đồng thẩm phán TANDTC sớm ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 255 BLHS năm 2015 về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” để làm căn cứ cho việc xác định tội danh đối với các hành vi quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015. Trong đó, cần phải quy định thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy của người cung cấp ma túy và sử dụng ma túy để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật trong những trường hợp tương tự như vụ án mà tác giả Đỗ Ngọc Bình và Nguyễn Bá Nhất đề cập đến.
Trên đây là một số quan điểm của tác giả về bài viết, mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.
Tòa án nhân dân huyện Tam Đường, Lai Châu xét xử “Tàng trữ trái phép chất ma túy” - Ảnh: Cầm Thanh
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận