Trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự, nên để Kiểm sát viên hỏi trước
Thủ tục xét hỏi có vai trò quan trọng tại phiên tòa; quá trình chứng minh làm rõ sự thật khách quan của vụ án phụ thuộc rất lớn vào phần xét hỏi tại phiên tòa. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích các quy định về trình tự xét hỏi tại phiên tòa hình sự theo quy định tại Điều 307 BLTTHS, qua đó chỉ ra hạn chế và kiến nghị hoàn thiện.
1.Quy định của BLTTHS năm 2015
– Trình tự xét hỏi tại phiên tòa được quy định tại điều 307 BLTTHS năm 2015:
“1. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự họp lý.
2. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
3. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng có liên quan trong vụ án.”
– Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì chủ tọa phiên tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Đây là điểm mới của BLTTHS năm 2015, quy định này được đánh giá là phù hợp với từng vụ án và diễn biến cụ thể tại các phiên tòa xét xử, bảo đảm cho hoạt động tranh tụng được thực hiện ngay trong phần xét hỏi tại phiên tòa [1].
– Khi xét hỏi từng, chủ tọa phiên tòa hỏi trước sau đó quyết định để Thẩm phán (trường hợp Hội đồng 3), Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
– Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề nghị Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản. Quy định này có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo điều kiện dân chủ, bình đẳng trong việc thực hiện việc chứng minh của bị cáo trong xét hỏi; xác định sự toàn diện, đầy đủ, khách quan nội dung vụ án, tránh oan sai, đảm bảo xét xử đúng quy định của pháp luật.
2.Hạn chế và kiến nghị hoàn thiện
Điều 307 BLTTHS năm 2015 quy định chủ tọa phiên tòa điều hành xét hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý; Chủ tọa phiên tòa vẫn là người hỏi trước sau đó mới đến Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Như vậy, Chủ tọa phiên tòa vừa đảm nhiệm việc xét hỏi vừa điều khiển phiên xét hỏi và trách nhiệm chứng minh tội phạm được bắt đầu ngay từ giai đoạn xét hỏi bằng việc hỏi của Chủ tọa và các thành viên HĐXX. Theo tác giả quy định này chưa phù hợp, cụ thể như sau:
+ Theo quy định này thì Chủ tọa và Hội đồng xét xử vừa điều hành việc xét hỏi, thực hiện xét hỏi; và vừa công bố lời khai, vật chứng, tài liệu để buộc tội thì vô hình trung Tòa án đã đứng về phía cơ quan buộc tội. Như vậy sẽ làm lẫn lộn chức năng tố tụng; làm cho phiên tranh tụng thiếu khách quan, công bằng. Đồng thời, làm giảm đi vai trò của VKS (KSV) là chủ thể buộc tội tại phiên tòa. Mà trong phiên tòa, trách nhiệm xét hỏi chính thuộc về Kiểm sát viên – người giữ vai trò buộc tội.
+ Quy định này tăng vai trò của Chủ tọa phiên tòa, tuy nhiên tác giả rằng Chủ tọa chỉ cần tập trung vào điều hành việc xét hỏi; Chủ tọa và HĐXX chỉ nên hỏi sau cùng và bổ sung nếu thấy cần thiết để xác định rõ và đầy đủ các tình tiết của vụ án như vậy sẽ phù hợp hơn với vai trò của Tòa án, đảm bảo tính tranh tụng tại phiên tòa.
Từ hạn chế như trên, trình tự xét hỏi tại phiên hình sự cần sửa đổi để phù hợp hơn với chủ trương cải cách tư pháp, đó là bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Cụ thể:
+ Trách nhiệm chứng minh sự buộc tội thuộc về VKS (KSV) nên tại phiên tòa KSV phải thực hiện việc xét hỏi trước bởi vì VKS thực hiện chức năng buộc tội nên KSV phải thực hiện việc xét hỏi trước để bảo vệ sự buộc tội đó. Tiếp theo là người bào chữa và bị cáo thực hiện việc xét hỏi để thực hiện chức năng gỡ tội.
+ Chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi; HĐXX xét hỏi sau cùng, bổ sung để xác định rõ và đầy đủ thêm các tình tiết của vụ án.
Vì vậy, tác giả đề nghị sửa Điều 307 BLTTHS năm 2015 theo hướng vẫn quy định Chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi nhưng theo trình tự KSV xét hỏi trước; tiếp theo là người bào chữa, bị cáo và HĐXX xét hỏi sau cùng và chỉ xét hỏi bổ sung về các tình tiết chưa được các chủ thể trên làm chưa rõ. Cụ thể là:
“Điều 307. Trình tự xét hỏi
Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên tòa điều hành việc xét hỏi và tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác đặt câu hỏi.
Khi hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa điều hành để Kiểm sát viên hỏi trước rồi đến người bào chữa, bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ xét hỏi.
Hội đồng xét xử chỉ hỏi khi xét thấy việc xét hỏi chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa cũng có quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Người giám định, người định giá tài sản được hỏi về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
Khi xét hỏi, Kiểm sát viên, người bào chữa và Hội đồng xét xử phải xem xét vật chứng trong vụ án.”
Việc sửa đổi trình tự xét hỏi tại Điều 307 BLTTHS như trên để phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, tăng tính tranh tụng và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa./.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh tại phiên tòa. Ảnh: Hoàng Hưng.
[1] Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật TTHS năm 2015, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 320.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận