TRUY THU TIỀN ĐÁNH BẠC
Một vụ án cá độ bóng đá còn có quan điểm khác nhau về truy thu tiền đánh bạc hay chỉ truy thu tiền thắng bạc; người đánh bạc và người tổ chức đánh bạc có phải là đồng phạm hay không?
NỘI DUNG VỤ ÁN
Khoảng tháng 6 năm 2014, Phạm Văn Đô đến quán bia hơi, internet của Phạm Văn Qui, thời điểm đó đang diễn ra giải bong đá Worlcup 2014. Thấy Đô thích xem bóng đá nên Qui đã nói với Đô về việc Qui có ghi “cá độ” bóng đá, nếu Đô chơi thì nhắn tin cho Qui. Do ham lợi nên Đô đã tham gia “cá độ”, Qui và Đô đã lấy số điện thoại của nhau và thống nhất trước mỗi trận bóng đá Qui sẽ nhắn tin các “kèo” cho Đô lựa chọn, nếu “bắt độ” đội bóng nào thì nhắn tin lại cho Qui nhận “độ” và chiều ngày hôm sau sẽ thanh toán tiền được, thua.
Vào khoảng 00 giờ 20 phút ngày 05/7/2014, Công an phát hiện Phạm Văn Qui đang tổ chức cho một số đối tượng tham gia “cá độ” các trận bóng đá Đức gặp Pháp và Braxin gặp Côlômbia tại nhà của Qui. Qua kiểm tra sổ ghi “cá độ” bóng đá của Qui, phát hiện các đối tượng Phạm Văn Đô, Phạm Văn Qui, Phạm Minh Tân, Bùi Xuân Thắng, Nguyễn Văn Thế, Trần Văn Tình, Đinh Văn Tố, Phạm Văn Đức tham gia “cá độ” bóng đá; trong đó riêng Phạm Văn Đô đã tham gia “cá độ” 4 trận.
Cụ thể như sau:
Trận bóng đá Braxin gặp Chilê diễn ra lúc 23h00 ngày 28/6/2014 Đô “cá độ” hai mã: Mã 01 chọn Braxin hiệp 1 (khi tỷ số 0-0) “độ” chấp đồng banh (tỷ số hòa thì chọn đội Braxin thua nửa số tiền cược), ăn 81 (cược 2.000.000 đ được 1.620.000 đồng), cược 2.000.000 đồng. Kết quả tỷ số hiệp 1 là 1-1, Đô thua 1.000.000 đồng. Mã 2: Chọn không rung (không có bàn thắng) hiệp phụ (khi tỷ số 0-0), ăn 62 (đánh 2.000.000 đ được 1.240.000 đồng), cược 2.000.000 đồng. Kết quả hiệp phụ: 0-0, Đô thắng 1.240.000 đ. Như vậy, Đô đã bỏ ra 4.000.000 đồng để “cá độ”, số tiền thắng “độ” là 1.240.000 đồng, nên trận này Đô đánh bạc với số tổng tiền là 5.240.000 đồng và thu lợi bất chính 240.000 đồng.
Cũng với hành vi tương tự: Trận bóng Hà Lan gặp Mexico, diễn ra lúc 23h00 ngày 29/6/2014 Đô đã “cá độ” với số tiền 3.520.000 đồng, số tiền thắng “độ” là 4.000.000 đồng, nên trận này Đô đánh bạc với tổng số tiền là 7.520.000 đồng và thu lợi bất chính 4.000.000 đồng.
Trận bóng đá Costarica gặp Hy Lạp diễn ra lúc 3h00 ngày 30/62014, Đô đã cá độ “hai mã” với số tiền 2.980.000 đồng, số tiền thua “độ” 980.000 đồng, nên trận này Đô đánh bạc với số tiền là 2.980.000 đồng.
Trận bóng đá Đức gặp Pháp diễn ra lúc 23h00 ngày 04/72014 Đô đã cá độ với số tiền 980.000 đồng, số tiền thua “độ” 490.000 đồng, nên trận này Đ đánh bạc với số tiền là 980.000 đồng.
Như vậy, Phạm Văn Đô đã tham gia “cá độ” bóng đá 4 trận với tổng số tiền bỏ ra là 11.480.000 đồng, thắng 5.240.000 đồng, thua 2.470.000 đồng. Do Phạm Văn Qui bị bắt quả tang ngay sau khi trận Đức-Pháp kết thúc nên Đô chưa thanh toán cho Qui số tiền thua “độ” 490.000 đồng trận này.
Ngày 26/11/2015 VKSND truy Phạm Văn Qui về tội “tổ chức đánh bạc” và các đối tượng còn lại tội “Đánh bạc”.
Đối với hành vi của Phạm Văn Đô đã tham gia đánh bạc với hình thức “cá độ” bóng đá vào các ngày 28, 29 và 30/6/2014 bằng hình thức dùng điện thoại di động nhắn tin cho Phạm Văn Qui với tổng số tiền bỏ ra là 11.480.000 đồng và thắng độ là 5.240.000 đ, thua độ 2.470.000 đồng; Phạm Văn Đô thu lợi bất chính 4.240.000 đ.
Theo tinh thần hướng dẫn tại NQ số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của HĐTP TANDTC “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS” của BLHS năm 1999 và nay là Điều 321 và Điều 322 BLHS năm 2015 thì số tiền dùng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đánh bạc bằng hình thức “cá độ” bao gồm cả số tiền bỏ ra “cá độ” và tiền thắng “độ”. Do vậy, xác định số tiền đánh bạc của bị cáo là 12.760.000 đ (của 02 lần) mỗi lần đánh bạc trên 5.000.000 đ (phạm tội nhiều lần). Riêng lần 3 và lần 4 không cấu thành tội do dưới 5.000.000 đồng.
QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU
Qua nghiên cứu nội dung vụ án này, hiện nay có 2 vấn đề còn có những quan điểm khác nhau đó là: Có hay không có sự đồng phạm của Phạm Văn Đô với Phạm Văn Qui trong tội Đánh bạc; số tiền thu lợi bất chính là 5.240.000 đồng hay phải xác định là 4.240.000 đồng và số tiền dùng là phương công cụ phương tiện để đánh bạc của của Phạm Văn Đô số tiền là 7.520.00 đồng được xử lý như thế nào, có truy thu hay không truy thu. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Phạm Văn Đô đồng phạm với Phạm Văn Qui, vì cả hai đều thực hiện hành vi đánh bạc, việc đánh bạc của Phạm Văn Đô là do Phạm Văn Qui có hành vi rủ rê, tổ chức. Hơn nữa nếu một mình Phạm Văn Đô thực hiện hành vi mà không có người cùng chơi, người nhận độ, nhận kèo thì Phạm Văn Đô không thể thực hiện được hành vi đánh bạc. Việc đánh bạc giữa Phạm Văn Đ là Phạm Văn Qui đã có sự thống nhất về cách thức, phương thức chơi và kết quả thắng thu được thanh toán như thế nào cũng đều được thống nhất. Do vậy hành vi của Phạm Văn Đô đã đồng phạm với Phạm Văn Qui trong tội Đánh bạc.
Theo hướng dẫn tại NQ số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của HĐTP TANDTC “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS” thì số tiền dùng để truy cứu trách nhiệm hình đối với người đánh bạc bằng hình thức “cá độ” bao gồm cả số tiền bỏ ra “cá độ” và tiền thắng “độ”. Do vậy, xác định số tiền đánh bạc của bị cáo là 12.760.000 đ (của 2 lần) mỗi lần đánh bạc trên 5.000.000 đ (phạm tội nhiều lần). Riêng lần 3 và lần 4 không cấu thành tội do dưới 5.000.000 đồng. Đối với số tiền dùng là phương công cụ phương tiện để đánh bạc của của Phạm Văn Đô là 7.520.000 đồng do đây không phải là vật chứng của vụ án mà đây là số tiền mà các bị cáo có thỏa thuận nhận độ với nhau nhưng là số tiền ảo, việc giao nhận tiền của các bị cáo chưa diễn ra và các Cơ quan tố tụng cũng không thu giữ được, do vậy không thể căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 42 BLTTHS để tuyên truy thu số tiền 7.520.000 đồng để sung quỹ Nhà nước. Trường hợp này phải căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 42 BLTTHS để tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền thu lời bất chính cụ thể là 4.240.000 đ (lấy số thắng độ là 5.240.000 đ trừ đi số thua độ 1.000.000 đồng).
Quan điểm thứ hai cho rằng: Phạm Văn Đô không đồng phạm với Phạm Văn Qui, bởi lẽ việc Phạm Văn Qui trong vụ án với vai trò là người tổ chức Đánh bạc, cho nên bị cáo không thể là đồng phạm với với Qui được. Đô tham gia Đánh bạc và xét xử đối với hành vi đánh bạc của bị cáo chứ không phải là Tổ chức đánh bạc. Do vậy, giữa Phạm Văn Đô và Phạm Văn Qui không phải là đồng phạm. Việc, áp dụng điểm b khoản 1 Điều 41 BLHS, tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiển 4.240.000 do đánh bạc mà có của bị cáo Phạm Văn Đ là chưa chính xác bởi đối với 2 lần thắng thu lời là 5.240.000. Mặc dù lần 1 (mã 1) bị cáo thua 1.000.000 cũng không thể lấy thắng đối trừ thua để tuyên tịch thu sung quỹ (5.240.000 đ – 1.000.000 đ = 4.240.000 đồng) được. Vì, từng lần đánh bạc với nhau là độc lập. Cho nên số tiền thu lời bất chính ở đây phải là 5.240.000 đ
Việc cho rằng do không xác định số tiền 7.520.000 đ là vật chứng của vụ án mà là số tiền ảo, việc các bị cáo thống nhất với nhau về số tiền nhận độ, nhận kèo nhưng việc giao nhận số tiền này chưa xảy ra để không tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước đối với số tiền xác định là số tiền đánh bạc của bị cáo là 7.520.000 đ (của 02 lần) là không đúng. Bởi nếu gộp cả tiền đánh và thắng bạc của bị cáo là 12.760.000 đ (của 02 lần) không tách thu lời bất chính thì cũng phải thu số tiền dùng là công cụ, phương tiện phạm tội và thu lời bất chính, cụ thể 12.760.000 đồng. Bởi đây là số tiền định lượng để truy cứu TNHS đối với bị cáo Phạm Văn Đô. Do vậy, phải căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 42 BLTTHS để tuyên truy thu số tiền 12.760.000 đ (của 02 lần) bị cáo Phạm Văn Đô dùng để đánh bạc và thắng bạc.
Qua nội dung vụ án này, chúng tôi đồng ý với ý 1 của quan điểm thứ nhất và ý 2 của quan điểm thứ hai với những căn cứ lập lập như trên. Tuy nhiên đối với lần cá độ thứ 3 và thứ 4 mỗi lần đánh bạc không đủ định lượng cấu thành cơ bản theo quy định tại Điều 321 BLHS năm 2015. Vấn đề đặt ra là việc xử lý đối với Phạm Văn Đô như thế nào? Có được cộng trong định lượng truy tố xét xử bị cáo không? Vì theo hướng dẫn tại điểm a khoản 2 Điều 1 NQ số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của HĐTP TANDTC “Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và 249 BLHS thì “Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 2.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc”. Vậy, số lần đánh bạc này phải xử lý thế nào. Vì các lần đánh bạc dưới hình thức cá độ là liên tục về mặt thời gian. Có lần đủ định lượng cấu thành tội phạm có lần không. Vậy số lần không lại không bị xử lý có chăng là kiến nghị xử lý hành chính. Mà, việc xử lý hành chính đối với lần đánh bạc dưới hình thức cá độ thứ 3 và thứ 4 theo chúng tôi là không hợp lý.
Xin được trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc. Rất mong nhận được sự tranh luận của đồng nghiệp và quý bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
1 Bình luận
Nguyễn Thị Trang
23:29 25/12.2024Trả lời