Người kỹ sư từ bỏ công việc “ngàn đô” ở thành phố lên Tây Nguyên lập nghiệp
Đã từng có thời gian làm ở việc trong ngành dầu khí với mức lương 18.000 USD/ tháng. Tuy nhiên, cơ duyên đã đưa Hoàng Thanh Tùng (hiện là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farm) lên Tây Nguyên “chuyển ngành” phát triển và thành công trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ các dự án chăn nuôi… ngàn tỷ
Tổng giám đốc Tập đoàn Ricky Farm Hoàng Thanh Tùng sinh ra ở Hà Tĩnh, cư trú tại TP Hồ Chí Minh nhưng lại lập nghiệp ở Tây Nguyên. Anh đồng thời là Chủ tịch Hợp tác xã (HTX) Phố Yến tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai với kế hoạch xuất khẩu tổ yến sang các nước Châu âu và Trung Quốc.
Tốt nghiệp kỹ sư công nghệ khoan, khai thác dầu khí tại Hà Nội vào những năm 2000, Tùng là gương mặt nổi trội của lứa sinh viên bấy giờ.
Ra trường anh làm việc tại Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Vietsovpetro và sau đó là Tổng công ty dịch vụ khoan khai thác dầu khí (PV Drilling). Công việc này giúp anh đi qua 30 quốc gia trên thế giới, tiếp xúc các chuyên gia hàng đầu thuộc nhóm G7. Lĩnh vực dầu khí cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho anh với mức lương có thời điểm lên đến 18.000 USD/tháng.
Năm 2016, sau chuyến đi công tác ở bang Louisiana Mỹ, anh vô tình ghé thăm trang trại gà công nghiệp của một người Mỹ. Chính khoảnh khắc này mở hướng làm nông nghiệp công nghệ cao sau này của anh. Tùng tính toán sẽ mở trang trại gà cung cấp trứng và thịt vào các siêu thị lớn ở miền Nam.
Năm 2017, anh lên Bình Phước mở trang trại. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp thương hiệu có sẵn trong nước, khiến các trang trại của anh chỉ duy trì công việc cho bà con mà không có lãi.
Tuy vậy, bài học từ nuôi heo đã để lại cho anh những kinh nghiệm quý báu, anh vẫn thấy Tây nguyên là vùng đất tiềm năng cho những dự định của mình.
Tháng 12/2019, Tùng quay lại tây nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai) tìm các quỹ đất mở trang trại heo quy mô lớn. Bởi theo anh, heo là mặt hàng phổ biến, thị trường tiêu thụ lớn, luôn có mặt trong mỗi bữa ăn của hàng chục triệu người dân trong nước. Đầu ra luôn ổn định, xuất khẩu tốt.
Trang trại nuôi heo của Hoàng Tùng
Lần quay lại này anh đã thành công. Hiện anh có 1 trang trại ở Đắk Lắk, 2 trang trại ở Gia Lai với số lượng luôn duy trì 96.000 - 100.000 con heo thịt mỗi năm. Hệ thống cho ăn tự động, mô hình khép kín, việc chăn nuôi hoàn toàn bằng công nghệ, tối ưu hóa khả năng sinh trưởng của heo.
“Tới đây, chúng tôi hợp tác với các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài, dự kiến mở rộng thêm hàng chục dự án tại hai huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và Phú Thiện, tỉnh Gia Lai”, Tùng cho biết. Hiện con số đầu tư vào các trang trại chăn nuôi của Công ty cổ phần Tập đoàn Ricky Farm là trên 1.000 tỷ đồng. Trụ sở Công ty được Tùng đặt tại đường Phan Huy Chú, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và văn phòng điều hành dự án đầu tư tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
Đến “ông chủ” của các làng yến
Trong thời gian ở Tây Nguyên, Tùng phát hiện ở Gia Lai lượng chim yến tích tụ rất nhiều. Người dân ở đây lại xây nhà theo kiểu tự phát, manh mún và nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm.
Với suy nghĩ để làm được nhà yến, thu hút được yến thì phải hiểu sinh cảnh của chim yến, Tùng và cộng sự đã sang Indonesia, Malaysia tìm hiểu, gặp gỡ chuyên gia trong nghề để về xây nhà yến.
Năm 2021, HTX Phố Yến do anh thành lập đã xây dựng 5 làng yến quy mô tập trung ra đời. Với 18 căn nhà yến đạt chuẩn đã cho những thành công bước đầu. Với tổ yến thu được, HTX Phố Yến đã được cấp chứng chỉ OCOP 3 sao cho 2 sản phẩm yến thô tự nhiên, yến tinh chế. Anh định hướng sẽ làm thêm yến hũ tiệt trùng bán ra thị trường.
Khảo sát thị trường Trung Quốc, nhận thấy thị trường tỷ đô có nhiều cơ hội xuất khẩu, Tùng triển khai tiếp 2 làng yến với tổng 45 căn.
Một góc làng yến của hợp tác xã Phố yến
Để mở rộng HTX Phố Yến, anh đã đưa những hộ gia đình, cá nhân đang nuôi yến tham gia vào mô hình, chuyển giao công nghệ để họ có lợi nhuận hơn. Nhiều người dân ở Gia Lai coi Tùng là “ân nhân” bởi những căn nhà yến của họ trước đây không có chim về ở, khi anh hướng dẫn kỹ thuật, điều chỉnh thiết kế, chim yến đã bay về rất nhiều. Anh cũng đang sản xuất các sản phẩm liên quan tới yến sào để định vị thương hiệu yến sào Phú Thiện trên bản đồ yến sào cả nước.
Có thể nói Hoàng Tùng là doanh nhân thành đạt, đi lên từ nông nghiệp. Người doanh nhân thành đạt nhưng giản dị, gần gũi đó chia sẻ: "Theo tôi điều cốt lõi để có kết quả tốt là có kiến thức chuyên môn và sự quyết tâm theo đuổi mục tiêu". Anh cười hiền: Tôi luôn tâm niệm, làm kinh doanh trước khi nghĩ đến lợi nhuận của doanh nghiệp, phải tính đến thu nhập của người lao động...
Với thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời ở Tây Nguyên, Hoàng Thanh Tùng- người con của mảnh đất nghèo Hà Tĩnh ấy đang dự tính phát triển nuôi hươu Hương Sơn tại Tây Nguyên lấy nhung, chăn nuôi dúi, chồn hương… Thậm chí, anh còn ấp ủ sản xuất rượu “Vua lửa bối tửu”. Vua lửa xuất thân cách đây hơn 500 năm, nguồn gốc ở huyện Phú Thiện, Gia Lai, là vị vua người dân tôn sùng, cầm gươm để cầu mưa, mong mùa màng bội thu.
Ảnh: Hoàng Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Ricky Farm
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận