Tùy từng vụ án cụ thể mà xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của người mua dâm, người bán dâm

Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định tư cách tố tụng của người mua dâm, người bán dâm trong giải quyết vụ án hình sự” bài của tác giả Võ Văn Tuấn Khanh đăng ngày 13/8/ 2020 tôi cho rằng phải tùy từng vụ án cụ thể để xác định tư cách tham gia tố tụng...

Trước hết tôi đồng tình với quan điểm của tác giả khi nhận định cho rằng “việc xác định người mua dâm, bán dâm là người có liên quan là không phù hợp với quy định của pháp luật” với những căn cứ mà tác giả đã lập luận để phản biện lại quan điểm ba. Đối với hai quan điểm còn lại là quan điểm một và quan điểm hai; tôi cho rằng cả hai quan điểm đó đứng ở góc độ nào đó là đúng nhưng chưa đầy đủ, Vì, phải tùy từng vụ án cụ thể mà xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của người mua dâm và người bán dâm. Để xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của họ. Tôi có quan điểm như sau:

Thứ nhất,  theo quy định tại Điều 55 BLTTHS năm 2015 thì người tham gia tố tụng gồm:  “Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.”.

Đối với Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và Người làm chứng thì: Theo khoản 1 Điều 65 của BLTTHS năm 2015 thì “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự”.

Và theo khoản 1 Điều 66 BLTTHS năm 2015 thì “Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng”.

Theo đó, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến những quyết định của Tòa án, là người không tham gia thực hiện tội phạm hoặc có tham gia, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và Tòa án phải xử lý quyền lợi, tài sản của họ vì liên quan đến tội phạm. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thường là: người là chủ tài sản, nhưng tài sản đó lại có trong tay người phạm tội; người được người phạm tội cho tài sản, mà tài sản đó có được do hoạt động phạm tội. Còn Người làm chứng là người nào biết được những tình tiết của vụ án thì đều có thể xác định là Người làm chứng, họ tham gia tư cách tố tụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Như vậy, cả người làm chứng và người có nghĩa vụ liên quan đều nắm được thông tin liên quan đến vụ án.

Từ các quy định đó, ta thấy trong các vụ án hình sự việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người mua dâm và người bán dâm trong các vụ án: “Môi giới mại dâm” hay “Tổ chức mại dâm” thì tùy từng vụ án cụ thể mà chúng ta xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của họ. Việc xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của họ là một một yêu cầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự vì liên quan đến vấn đề xác định quyền và nghĩa vụ khi tham gia tố tụng của họ. Việc xác định sai tư cách tham gia tố sẽ làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Chính vì vậy, theo tôi việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người mua dâm và người bán dâm sẽ chia ra làm hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Nếu việc giải quyết vụ án mà Toà án phải giải quyết việc người mua dâm, người bán dâm có quyền lợi, hay nghĩa vụ về hành vi của họ ví như việc xử lý vật chứng hay tiền, tài sản không phải là vật chứng có liên quan đến họ thì Tòa án sẽ phải xác định người mua dâm và người bán dâm là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; việc triệu tập họ ra phiên tòa để làm sự thật khách quan của vụ án và giải quyết các quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật .

Trường hợp thứ hai: Nếu việc giải quyết vụ án mà Toà án không phải giải quyết việc người mua dâm, người bán dâm có quyền lợi, hay nghĩa vụ về hành vi của họ ví như không có việc phải xử lý vật chứng hay tiền, tài sản không phải là vật chứng có liên quan hay việc xử lý đó nhưng không liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ thì Tòa án sẽ phải xác định người mua dâm và người bán dâm là Người làm chứng và việc triệu tập họ ra phiên tòa để làm sự thật khách quan của vụ án.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

Tòa án nhân dân TP. Nha Trang (Khánh Hoà) xét xử vụ án chứa mại dâm – Ảnh: Khanhhoa.online

 

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)