Họp báo công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng ngày 3/4/2025, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo.
Dự buổi họp báo có Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh và đối ngoại của Quốc hội; Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi họp báo.
Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 13/3/2025. Pháp lệnh gồm 6 Chương, 32 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/5/2025.
Trong suốt 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng Ban Quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu những điểm nổi bật của Pháp lệnh.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, có tính chất đặc thù, vừa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo vệ công trình Lăng, vừa thực hiện đón tiếp Nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử-văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết. Pháp lệnh được ban hành là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất tính đến thời điểm hiện nay, để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của việc xây dựng Pháp lệnh là hoàn thiện hành lang pháp lý để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập để bảo vệ chặt chẽ, quản lý hiệu quả Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
Phát huy hơn nữa ý nghĩa chính trị, lịch sử-văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần tuyên truyền về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu chủ trì buổi họp báo
Quan điểm xây dựng Pháp lệnh: Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp với đặc điểm, tình hình chính trị - quốc phòng - an ninh và sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Về phạm vi Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Điều 2) Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là các công trình, khu vực có giá trị chính trị, lịch sử-văn hóa, quốc phòng, an ninh đặc biệt của quốc gia bao gồm: (i) Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình; (ii) Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; (iii) Khu Di tích K9; (iv) Công trình hỗ trợ, phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phạm vi, ranh giới các công trình, khu vực nêu trên thực hiện theo quy định của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
Về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Chương II, từ Điều 9 đến Điều 12). Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm hoạt động y tế-kỹ thuật giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; hoạt động khoa học và công nghệ trong giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; riêng nội dung bảo đảm an ninh, an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.
Về quản lý các công trình, khu vực trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Mục 1, Chương III, từ Điều 13 đến Điều 16). Mục 1, Chương III của Pháp lệnh quy định về lập hồ sơ quản lý công trình, khu vực; quản lý, vận hành, bảo quản, bảo trì, bảo đảm kỹ thuật công trình; bảo đảm duy trì, giữ gìn không gian, cảnh quan, kiến trúc, hoạt động xây dựng và bảo vệ môi trường trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ sơ quản lý công trình, khu vực trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xác định độ mật phù hợp với tính chất, loại, nhóm công trình, khu vực; được lưu trữ, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và pháp luật về lưu trữ. Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện lập và quản lý hồ sơ các công trình, khu vực trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, đầu tư xây dựng công trình phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch chi tiết xây dựng, tôn trọng thiết kế, kiến trúc ban đầu và quy định pháp luật có liên quan.
Về bảo vệ an ninh, an toàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Mục 3, Chương III, từ Điều 23 đến Điều 26). Mục tiêu bảo vệ bao gồm các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các hoạt động chính trị, văn hóa trong Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phạm vi bảo vệ cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Về ngân sách bảo đảm và chế độ, chính sách trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được quy định tại Chương V, từ Điều 30 đến Điều 31.
Điều 30 quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ: (i) Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; (ii) Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị kỹ thuật các công trình, khu vực thuộc Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (iii) Bảo đảm an ninh, an toàn Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (iv) Đón tiếp, tuyên truyền, phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử-văn hóa của Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; (v) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về chế độ, chính sách, Điều 31 quy định: Người thuộc lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được hưởng chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật và các chế độ phụ cấp đặc thù, trợ cấp, hỗ trợ phù hợp với tính chất nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ.
Ưu tiên thu hút, tuyển chọn, tuyển dụng người có tài năng, nhà khoa học có chuyên môn sâu, học viên, sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và có đủ các tiêu chuẩn quy định vào lực lượng trực tiếp quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để triển khai thi hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ cần ban hành 01 Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ Quốc phòng, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình ban hành các Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Pháp lệnh, tổ chức tập huấn cho các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho Nhân dân hiểu và thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh.
Bài liên quan
-
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tòa án nhân dân tối cao tham quan, học tập tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
-
Ngày Xuân nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Công ty Cổ phần Công trình Cầu Phà TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đề xuất mô hình Tòa án 3 cấp khi bỏ đơn vị hành chính cấp huyện
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Không áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ đối với Tạ Tấn P
-
Một số vấn đề về dấu hiệu định tội của tội "Tổ chức đánh bạc" quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 189-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương trong ngành Tòa án
Bình luận