Về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện đối với vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến trường hợp các vụ việc mà đương sự là người nước ngoài nói chung thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện (không bao gồm yếu tố tài sản nước ngoài và ủy thác tư pháp ra nước ngoài).

Trong xu thế hội nhập, các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài tại Tòa án tăng lên là điều có thể lường trước được. Nhìn chung, thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự nói chung có yếu tố nước ngoài thường được nghĩ đến là  TAND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, TAND cấp huyện cũng có thẩm quyền giải quyết loại vụ việc này. Chẳng hạn khoản 4 Điều 35 BLTTDS quy định “Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”. Như vậy, các vụ việc về hôn nhân gia đình đã được liệt kê tại quy định này thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện mặc dù có đương sự là người nước ngoài.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến trường hợp các vụ việc mà đương sự là người nước ngoài nói chung thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện (không bao gồm yếu tố tài sản nước ngoài và ủy thác tư pháp ra nước ngoài).

Thực tế giải quyết, người nước ngoài tham gia vụ việc dân sự có hai trường hợp:

Thứ nhất, đương sự là người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam.

Thứ hai, đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam.

Đối với trường hợp người nước ngoài không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam mà là đương sự trong vụ việc dân sự thì dù họ có mặt hay không có mặt tại thời điểm khởi kiện, yêu cầu thì đều xem là vụ việc có đương sự ở nước ngoài và thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh[1].

Trường hợp đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự thì cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh[2].

Về trường hợp đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam và có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự[3]. Theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung, một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP) thì trường hợp đương sự là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam và có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự sẽ không thuộc bất kỳ trường hợp nào đã được hướng dẫn tại quy định này. Điều đó có nghĩa rằng, trong trường hợp đó, vụ việc sẽ không coi là có đương sự ở nước ngoài và vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.

Tuy nhiên, BLTTDS 2015 không định nghĩa đương sự ở nước ngoài mà quy định cá nhân là người nước ngoài tham gia thì vụ việc đó có yếu tố nước ngoài[4]. Theo quy định tại khoản 3 Điều 35 BLTTDS năm 2015 thì TAND cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết loại vụ việc này.

Hiện tại, giải quyết tình huống này có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2014, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. BLTTDS năm 2004 đã hết hiệu lực thi hành nên Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP cũng hết hiệu lực theo.

Cùng với khái niệm người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam[5], căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 464 BLTTDS năm 2015 thì vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài khi có một bên tham gia là cá nhân nước ngoài. Áp dụng quy định về thẩm quyền của BLTTDS hiện hành thì TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Như vậy, từ các quy định trên cho thấy TAND cấp huyện không có thẩm quyền giải quyết vụ việc đã được đặt ra.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả, trong thực tiễn áp dụng có nhiều trường hợp văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật/luật mà bộ luật/luật đó đã hết hiệu lực nhưng vấn đề đã hướng dẫn chưa có văn bản hướng dẫn mới để thay thế thì văn bản hướng dẫn đó vẫn được áp dụng nếu các hướng dẫn đó không trái với bộ luật/luật mới. Việc áp dụng này là phù hợp với quan điểm của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2016 [6]. 

Các quy định tại Điều 7 của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP là hướng dẫn và phân loại chi tiết các trường hợp chủ thể là người nước ngoài mà không định nghĩa đối với chủ thể “người nước ngoài” là gì nên không trái với việc xác định yếu tố nước ngoài trong BLTTDS năm 2015 và khái niệm “người nước ngoài” của Luật Cư trú.

Các hướng dẫn này là thiết thực, sát thực tế áp dụng. Chính vì vậy, trong trường hợp vụ việc dân sự có người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam và có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự thì Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết. Điều này phù hợp với định hướng mở rộng thẩm quyền cho tòa án nhân dân cấp huyện cũng như bảo đảm nguyên tắc xét xử nhanh chóng vụ việc dân sự.

BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thi hành trong nhiều năm nhưng các quy định của Phần chung chưa được hướng dẫn, trong đó có vấn đề về thẩm quyền của Tòa án cấp huyện mà tác giả đề cập. Các hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đối với các quy định của BLTTDS năm 2004 vẫn được áp dụng trên thực tiễn. Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau dẫn đến việc áp dụng không thống nhất. Vấn đề tác giả bài viết đề cập là một ví dụ. Do vậy, kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sớm có hướng dẫn để thống nhất việc giải quyết.

Theo luatsuvn.vn

Tòa án nhân dân huyện Mường Tè, Lai Châu  xét xử vụ án  ly hôn - Ảnh: Bùi Ngọc Chín

[1] Hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

[2] Hướng dẫn tại điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[3] Trong trường hợp vụ việc không có tài sản nước ngoài, không phải ủy thác ra nước ngoài.

[4] Điểm a khoản 2 Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[5] Khoản 1 Điều 3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú là người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.

[6] Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4/2016.

ThS NGUYỄN CHẾ LINH