Vĩnh Phúc: Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc tự ý cho mượn đất, xây dựng trạm trộn bê tông trái phép tại KCN Sơn Lôi
Mặc dù chưa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận phê duyệt, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc đã tự ý cho các tổ chức mượn một phần diện tích đất thuộc dự án Khu công nghiệp Sơn Lôi (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) để lắp đặt trạm trộn bê tông trái phép.
Tại Quyết định số 898/QĐ-UBND ngày 24/03/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc thu hồi đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (thu hồi 4.094.140 m2 đất tại các xã Tam Hợp, xã Bá Hiến, xã Sơn Lôi và Thị trấn Hương Canh), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh được giao trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Bình Xuyên bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định; Lập hồ sơ giao đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Thực hiện bàn giao lại cho tỉnh khu vực quy hoạch xây dựng đường xuyên á, cản cạn ICD...theo đúng cam kết và quy hoạch được duyệt.
Toàn cảnh khu trạm trộn bê tông trái phép tại KCN Sơn Lôi, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc (viết tắt: Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất (02 đợt) thực hiện dự án trên với tổng diện tích 598.895,5m2 gồm: Đợt 1 giao 262.939m2 theo quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 17/12/2021 và đợt 2 giao 336.256,5m2 theo quyết định số 92/QĐ-UBND ngày 17/01/2022.
Trong quá trình thực hiện dự án, Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản thỏa thuận, cho doanh nghiệp mượn một phần diện tích đất KCN Sơn Lôi để tham gia lắp đặt trạm trộn bê tông khi chưa có sự đồng ý, phê duyệt của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Cụ thể, ngày 24/06/2021 Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc đã lập biên bản thỏa thuận mượn mặt bằng “tự ý” cho Công ty TNHH thương mại Tỉnh Tuấn và Công ty TNHH Bê tông Asphalt Kim Cương Phát mượn 7.422m2 đất (vị trí: nằm giáp nút giao IC3 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) để xây dựng lắp đặt trạm sản xuất bê tông, bê tông nhựa Asphalt phục vụ thi công hạ tầng kỹ thuật tại KCN Sơn Lôi và phần diện tích còn lại KCN Bình Xuyên.
Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc tự ý cho mượn đất KCN Sơn Lôi trái phép.
Trước sự việc trên, ngày 28/07/2022 tại trụ sở làm việc của Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì và làm việc với các đơn vị có liên quan để kiểm tra thực địa hiện trạng công trình và làm rõ việc triển khai đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai tại KCN Sơn Lôi.
Tại thời điểm kiểm tra, công trình trạm trộn bê tông đã cơ bản lắp đặt xong các thiết bị dây truyền. Vị trí lắp đặt trạm trộn bê tông đã được triển khai xây dựng trên phần đất quy hoạch cây xanh có ký hiệu CX13 có diện tích 34.746m2; có mật độ xây dựng 5%, tầng cao 1 tầng được phê duyệt tại Quyết định số 1632/QĐ-UBND ngày 24/06/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi làm việc, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 1319/BQLKCN-MT&HTGSĐT ngày 02/08/2022 v/v đề nghị xử phạt vi phạm hành chính tại Khu công nghiệp Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên và văn bản số 608/ BQLKCN-MT&HTGSĐT ngày 26/03/2023 v/v kết quả xử phạt vi phạm hành chính tại KCN Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên. Cả 02 văn bản này được gửi cho UBND huyện Bình Xuyên.
Nhiều máy móc, hạng mục công trình vi phạm hiện tại vẫn chưa được tháo dỡ, xử lý dứt điểm.
Ngày 14/04/2023, phòng Tư pháp huyện Bình Xuyên chủ trì phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế và Hạ tầng, Ban QLĐTXD huyện và các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra làm rõ việc lắp đặt trạm trộn bê tông tại KCN Sơn Lôi. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu đơn vị lắp đặt trạm trộn bê tông (Công ty TNHH bê tông Asphalt Kim Cương Phát) dừng việc thi công, UBND huyện Bình Xuyên ban hành thông báo thu hồi và hủy Giấy xác nhận Đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường số 2216/GXN-UBND ngày 03/08/2021 đối với trạm trộn bê tông này.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trạng khu vực trạm trộn bê tông tại KCN Sơn Lôi vẫn đang tồn tại không có dấu hiệu bị tháo dỡ, khôi phục hiện trạng đất ban đầu. Tại đây được lắp đặt 06 silo xi măng, băng tải truyền, máy móc, nhiều xe bồn bê tông, mái che, xưởng điều hành, bãi tập kết vật liệu xây dựng có dấu hiệu không bảo đảm yêu cầu phòng cháy chữa cháy, ô nhiễm môi trường.
Để tìm hiểu rõ hơn về trường hợp vi phạm này, phóng viên tạp chí Tòa án nhân dân đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Xuyên. Bà Hiền cho biết, Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc đã tự ý cho đơn vị khác mượn đất để xây dựng trạm trộn bê tông, việc làm của Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc là trái phép.
UBND huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
“Phía UBND huyện Bình Xuyên đã yêu cầu dừng hoạt động và tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay phía Công ty vẫn chưa chấp hành. Nếu có tình trạng tiếp tục hoạt động, phía phòng sẽ báo cáo, tham mưu với lãnh đạo huyện tiếp tục kiểm tra và xử lý dứt điểm vi phạm. Về thủ tục pháp lý, đến nay phía Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc vẫn đang trong quá trình xin cấp phép lắp đặt trạm trộn”. Bà Hiền cho biết thêm.
Trước sự việc trên, kính đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Bình Xuyên nhanh chóng xử lý dứt điểm vi phạm liên quan tới trạm trộn bê tông trái phép tại KCN Sơn Lôi. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân hoặc tập thể có liên quan trong công tác quản lý đất đai khi để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng kéo dài làm gián đoạn quá trình thực hiện dự án và phát triển của địa phương (nếu có).
Bài 2: Công ty An Thịnh Vĩnh Phúc có đang “chạy nước rút” để hợp thức hóa trạm trộn bê tông trái phép?
- Điểm b, c, d Khoản 4 Điều 232 Luật Đất đai năm 2024 về theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý, sử dụng đất đai có nêu:
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá đối với việc quản lý, sử dụng đất đai đối với cấp huyện trực thuộc; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp tỉnh;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai đối với cấp xã trực thuộc; đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp huyện;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện theo dõi và đánh giá việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn cấp xã.
- Điều 241 Luật Đất đai năm 2024 về Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm sau đây:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất.
2. Người đứng đầu cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cá nhân, tổ chức và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.
3. Công chức làm công tác địa chính cấp xã; công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp khi thi hành công vụ có trách nhiệm phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
- Điều 239 Luật Đất đai năm 2024 về xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai:
Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Khoản 3 Điều 12 Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nêu rõ:
Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai:
3. Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,1 héc ta;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 03 héc ta trở lên.
4. Trường hợp sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với từng loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
...
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Bài liên quan
-
Nâng cao chất lượng hoạt động của TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Phúc
-
Tiếp tục khởi tố 5 bị can là nguyên Bí thư, Chủ tịch của tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn
-
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật nguyên lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc
-
Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến chất lượng bữa ăn tại Đại học Bách Khoa Hà Nội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận