Xác định người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng trong vụ án dân sự
Ông A là bố của C. Ông A là nguyên đơn kiện đòi đất của C. Vấn đề đặt ra là trong quá trình giải quyết vụ án, ông A chết, có xác định C tham gia tố tụng với tư cách người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 BTTDS năm 2015: “Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Như vậy, các đương sự trong vụ án dân sự khá phong phú đa dạng. Có thể hiểu, đương sự trong vụ án dân sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Khi tham gia vào quá trình tố tụng dân sự, các đương sự có quyền định đoạt quyền lợi của mình. Vậy nếu đương sự đang tham gia tố tụng mà chết thì xử lý như thế nào? Đối với trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng mà chết thì Luật cũng đã dự liệu và quy định trường hợp “Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng”.
Điều 74 BLTTDS 2015 quy định: “1. Trường hợp đương sự là cá nhân đang tham gia tố tụng chết mà quyền, nghĩa vụ về tài sản của họ được thừa kế thì người thừa kế tham gia tố tụng.”
Có thể hiểu một cách khái quát, tất cả quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự được chủ thể kế thừa tiếp nối và thực hiện, người kế thừa tố tụng đó không nhân danh chính mình mà nhân danh đương sự đã chết (đối với đương sự là cá nhân).
Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau liên quan đến quy định này. Tác giả đưa ra trường hợp cụ thể như sau:
Ông A có vợ là bà B và hai con là C và D. Ông A có cho con là C một phần đất. Sau đó, giữa hai bên phát sinh mâu thuẫn nên ông A có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất với ông C. Theo đơn khởi kiện, Tòa án xác định ông A là nguyên đơn và ông C là bị đơn. Vấn đề đặt ra là trong quá trình giải quyết vụ án, ông A chết. Vậy sau khi ông A chết, thì ai là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A, cụ thể, có xác định ông C tham gia tố tụng với tư cách người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A hay không?
Có quan điểm thứ nhất cho rằng: Ông C tham gia tố tụng với hai tư cách là vừa là bị đơn vừa là người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A. theo quy định tại Điều 74 BLTTDS. Trong trường hợp này, ông A mất thì phải đưa tất cả người thừa kế của ông A vào tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của ông A, cụ thể, phải đưa vợ ông A là bà B và hai con là C, D vào tham gia tố tụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Ông C chỉ tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn, không được xác định tham gia tố tụng với tư cách người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A. Bởi vì, khoản 1 Điều 87 BLTTDS năm 2015 quy định những trường hợp không được làm người đại diện như sau: “1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:a. Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện”.
Do đó, ông C không được tham gia tố tụng với tư cách là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A do quyền và lợi ích hợp pháp giữa ông A và ông C đối lập với nhau. Như vậy, chỉ xác định người kế thừa quyền và lợi ích hợp pháp của ông A gồm bà B và ông D.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ nhất, bởi vì, tuy quyền và lợi ích hợp pháp giữa ông A và ông C đối lập với nhau nhưng suy cho cùng thì ông B cũng là con của ông A, nên nếu ông A chết thì ông C vẫn phải có quyền trong khối tài sản của ông A. Nếu không xác định ông C là người kế thừa quyền và lợi ích hợp pháp của ông A là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C. Nhất là khi, trong trường hợp phải hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất cho ông A thì phải tuyên công nhận cho những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông A, lúc đó, lại không có ông C trong đó là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông C. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp với Điều 87 BLTTDS năm 2015 như phân tích ở trên. Do đó, thiết nghĩ cần có văn bản hướng dẫn của TANDTC về vấn đề này để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
TAND huyện Thới Lai xét xử vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất - Ảnh: Nguyễn Công Khánh
Bài liên quan
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Bàn về nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong tố tụng dân sự - Một số vướng mắc và kiến nghị
-
Có căn cứ để chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn
-
Vụ kiện liên quan đến ông David Dương: Nguyên đơn rút yêu cầu bị đơn phải bồi thường 500 triệu đồng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận