Xác định tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không có vướng mắc

Sau khi nghiên cứu bài viết “Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” của tác giả Đặng Duy Thanh đăng ngày 6/10/2020, tôi cho rằng quan điểm thứ hai là có cơ sở.

Tôi không đồng tình với quan điểm của tác giả khi cho rằng: Trong vụ án cụ thể mà tác giả nêu, A sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu và đương nhiên là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Trong trường hợp cụ thể mà tác giả đưa ra tôi cho rằng quan điểm thứ hai là có cơ sở, đúng pháp luật đó là: A không thuộc trường hợp “phạm tội lần đầu” nên không được hưởng tình tiết “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Với ngoài những lập luận phân tích mà tác giả đã đưa ra, đồng thời tôi xin được phản biện lại quan điểm thứ nhất cũng như quan điểm của tác giả là chưa phù hợp. Bởi lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định thì tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” đây là tình tiết được quy định tại tại điểm h khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2002) và nay là điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này phải thỏa mãn hai điều kiện cần và đủ đó là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, cụ thể tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ: Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:  Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.”.

Theo đó, “Phạm tội lần đầu” được hiểu thế nào? Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn: Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a) Trước đó chưa phạm tội lần nào; b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích[1].”.

Trở lại vụ án cho ta thấy: Ngày 1/3/2020, Phạm Văn A bị TAND tuyên phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS và xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng kể từ ngày 1/3/2020. Đến ngày 1/7/2020, Phạm Văn A dùng dao chém anh Lâm Hoàng H gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 5%.  Mặc dù, dữ kiện tác giả nêu không đề cập đến việc Phạm Văn A phạm tội cố ý gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 5%. Vậy, trường hợp này bị hại là anh Lâm Hoàng H có yêu cầu khởi tố không?

Theo quy định của pháp luật thì trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội theo khoản 1 Điều 134 BLHS thì thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Vì vậy, theo tôi nếu vụ án này đã được khởi tố theo yêu cầu của bị hại tức là, Phạm Văn A phạm tội trong thời gian chấp hành thời gian thử thách của bản án tuyên ngày 1/3/2020. Điều này, cho thấy Phạm Văn A đã phạm tôi mới trong khi đang chấp hành một bản án đang có hiệu lực pháp luật và trường hợp của Phạm Văn A không thuộc trường hợp khoản 2 Điều 69 BLHS tức là phạm tội trong trường hợp không coi là có án tích. Do đó, trong trường hợp này Phạm Văn A không thỏa mãn điều kiện được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS.

Thứ hai, việc nhận định của quan điểm thứ nhất cho rằng:  A được hưởng tình tiết giảm nhẹ “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS là không phù hợp quy định của pháp luật. Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 đã chỉ ra rất rõ, cụ thể, trong khi Phạm Văn A phạm tội trong khi đang chấp hành một bản án đang có hiệu lực pháp luật. Và, như trên tôi đã phân tích trường hợp của Phạm Văn A không thuộc trường hợp khoản 2 Điều 69 BLHS tức là phạm tội trong trường hợp không coi là có án tích. Chính vì vậy, ở lần phạm tội sau Phạm Văn A không thỏa mãn điều kiện để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo điểm i, khoản 1 Điều 51 BLHS.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài “Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

TAND tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ án đưa người sang Anh lao động về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài”. Ảnh: Hùng Nhung

 

[1] K2 Điều 69 BLHS năm 2015 (được SĐ,BS năm 2017): Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.

Ths ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)