Xác định vụ án tương tự trong việc áp dụng án lệ
Kinh nghiệm của Anh và Australia

 Một yêu cầu trong việc áp dụng án lệ là những nguyên tắc pháp lý của vụ án đã xét  xử trước phải được áp dụng cho những vụ án tương tự xét xử sau. Vậy xác định vụ án tương tự như thế nào?

Một quan điểm thường được áp dụng để xác định cụ án tương tự là xem xét tất cả các tình tiết là cơ sở cho việc ra quyết định về vụ án, theo đó những tình tiết “quan trọng” của vụ án này giống với những tình tiết “quan trọng” của vụ án trước là căn cứ để xác định đó là vụ án tương tự với vụ án trước. Dưới đây xin nêu hai vụ án nổi tiếng được sử dụng làm ví dụ cho các sinh viên luật của nhiều trường đại học trên thế giới cũng như trong nhiều cuộc hội thảo về án lệ.

Vụ án giữa Donoghue và Steveson (còn gọi là vụ án chai bia gừng), vụ án này được Ủy ban tư pháp của Hội đồng cơ mật Nghị viện Anh (*) biểu quyết với số phiếu 3/5 khi xử phúc thẩm bản án của một Tòa án của Scotland năm 1932.

Nội dung vụ án như sau: Một phụ nữ đi cùng bạn mình đến một quán cà phê tại Paisley và người bạn đi cùng gọi cho người phụ nữ này một ly kem và một chai bia gừng. Người chủ quán mang những đồ uống này ra, mở chai bia và rót một ít lên ly kem. Người phụ nữ uống một ít đồ uống hỗn hợp này, sau đó người bạn đi cùng tiếp tục rót phần bia còn lại trong chai vào ly. Khi đang rót dở thì họ phát hiện một con ốc sên đã bị phân hủy trong chai bia. Do đã uống một phần chai bia có xác con ốc sên này, người phụ nữ cho rằng cô ta đã bị nhiễm bệnh nguy hiểm. Chai bia được sản xuất bằng loại thủy tinh đục nên không thể kiểm tra được bên trong chai bia như thế nào, còn người chủ quán cà phê chỉ là người bán lẻ loại bia này.

Vấn đề đặt ra cho Tòa án là liệu người phụ nữ đó có quyền yêu cầu nhà sản xuất loại bia nói trên bồi thường thiệt hại vì đã làm cô ta nhiễm bệnh hay không. Khi xem xét vấn đề này trong pháp luật của Anh và pháp luật Scotland, cả hai hệ thống pháp luật đều có cùng quan điểm là xem xét liệu nhà sản xuất có trách nhiệm đối với người tiêu dùng cuối cùng hay không. Trước thời điểm năm 1932, phần lớn các luật sư sẽ trả lời là không. Căn cứ vào một số vụ việc đã xét xử trước đó, các luật sư có thể khẳng định nhà sản xuất bia đã vi phạm hợp đồng với các đại lý bán buôn và bán lẻ, nhưng việc này không đồng nghĩa với việc người tiêu dùng cuối cùng có thể kiện nhà sản xuất yêu cầu bồi thường. Vì người phụ nữ mua bia từ quán cà phê nên cô ta có thể yêu cầu chủ quán đền bù thiệt hại. Các luật sư đương thời cho rằng không có biện pháp nào của pháp luật để áp dụng cho nguyên đơn trong trường hợp này. Kết quả là nhà sản xuất đã thắng kiện khi vụ án được xét xử tại Tòa dân sự tối cao Scotland.

Vụ việc được kháng cáo lên Thượng nghị viện Anh và Ủy ban tư pháp của Hội đồng cơ mật Thượng viện đã xử ngược lại với lập luận rằng: Khi một nhà sản xuất bán một sản phẩm nhất định mà hình dạng sản phẩm đó, cụ thể trong vụ án này là chai bia, khi tới tay người tiêu dùng cuối cùng được mặc định là người tiêu dùng cuối cùng không có trách nhiệm và không thể kiểm tra trực tiếp chất lượng sản phẩm bên trong (trong vụ án này là do loại vỏ chai được sản xuất bằng thủy tinh đục nên không thể nhìn thấy bên trong), cùng với việc nhà sản xuất đã không cẩn thận trong quá trình sản xuất dẫn đến thiệt hại về sức khỏe và tài sản cho người tiêu dùng, thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng về nghĩa vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm .

Bốn năm sau khi vụ án này được xét xử, nhiều ý kiến tranh cãi được đưa ra nhằm khẳng định nguyên tắc nói trên chỉ được áp dụng giới hạn cho mặt hàng thực phẩm và đồ uống, nhưng quan điểm này đã thất bại trong vụ án Grant kiện Australian Knitting Mills (Nhà máy dệt kim Australia ).

Nội dung vụ án như sau: Vào tháng 6/1931, bác sĩ Grant mua hai chiếc quần lót len và hai chiếc áo lót từ John Martin &Co. Đáng lẽ đồ lót phải được giặt trước khi mặc nhưng bác sĩ Grant đã không làm như vậy. Ông bị ngứa da trong vòng 9 giờ sau lần đầu tiên sử dụng. Bác sĩ Grant đã bôi kem dưỡng da calamine nhưng vẫn tiếp tục mặc đồ lót trong thời gian còn lại của tuần. Sau đó, ông mặc đôi thứ hai trong tuần tiếp theo và giặt đôi thứ nhất. Đây là thời đại mà việc thay đồ lót chỉ một lần một tuần là “phong tục bình thường của người bình thường”. Chỗ ngứa da trở nên trầm trọng hơn và phát triển thành bệnh viêm da nặng .

Bác sĩ Grant đổ lỗi cho đồ lót và kiện John Martin & Co. vì vi phạm hợp đồng, đưa ra lời đảm bảo theo luật định rằng hàng hóa phù hợp với mục đích sử dụng và có chất lượng thương mại. Bác sĩ Grant cũng kiện nhà sản xuất Australian Kinitting Mills, cáo buộc rằng họ đã cẩu thả khi không cẩn trọng hợp lý trong quá trình chuẩn bị hàng may mặc. Quần áo bị cáo buộc có chứa quá nhiều hợp chất lưu huỳnh, được mô tả khác nhau là sulfur dioxide và sulphites.

Tòa án tối cao tiểu bang South Australia đã xét xử vụ án trong hơn 20 ngày vào tháng 11 và 12/1932. Tòa đã chấp nhận bằng chứng cho thấy bệnh viêm da là do tiếp xúc với các hợp chất lưu huỳnh và các chất lưu huỳnh có trên đồ lót từ quá trình cọ rửa, tẩy trắng và co rút. Chánh án Murray cho rằng nhà bán lẻ phải chịu trách nhiệm pháp lý bảo hành theo luật định vì Grant đã hỏi mua đồ lót len và dựa vào kỹ năng của nhân viên bán hàng lựa chọn nhãn hiệu “lông cừu vàng” do Australian Knitting Mills sản xuất. Luật bán hàng được xây dựng trên nền tảng có hợp đồng và không có quy định người tiêu dùng kiện nhà sản xuất. Chánh án Murray đã áp dụng án lệ trong vụ Donoghue kiện Stevenson được xét xử chưa đầy 12 tháng trước, tuyên rằng nhà sản xuất có nghĩa vụ cẩn trọng cho người tiêu dùng vì (1) họ dự định rằng đồ lót sẽ đến tay người tiêu dùng để mặc trong tình trạng giống như khi rời khỏi nhà sản xuất, (2) không có khả năng hợp lý nào để kiểm tra có các chất  lưu huỳnh hay không, và (3) Australian Knitting Mills biết rằng việc thiếu cẩn trọng hợp lý trong chuẩn bị hàng may mặc sẽ gây tổn hại cho sức khỏe của người mua. Bác sĩ Grant được bồi thường thiệt hại 2.450 bảng Anh.

Australian Knitting Mills và John Martin & Co. kháng cáo lên Tòa án cấp cao Liên bang (Tòa án cao nhất ở Australia) và được tòa này xét xử trong 6 ngày. Thẩm phán Starke đồng ý với Chánh án Murray rằng (1) quy trình sản xuất là nguồn gốc của một số hàm lượng lưu huỳnh, nhưng không thể xác định được tỷ lệ, và (2 ) bệnh viêm da là do hợp chất lưu huỳnh trong quần áo gây ra. Tuy nhiên, ông  nhận thấy rằng nhà sản xuất không hề cẩu thả vì họ đã áp dụng một quy trình thận trọng và hợp lý, không thể buộc họ phải có kỹ năng phán đoán rằng hàng hóa không chứa các chất gây kích ứng vì họ không có phương tiện phát hiện hợp chất lưu huỳnh. Đa số các thẩm phán đã chấp nhận kháng cáo với quan điểm như thẩm phán Starke.

Bác sĩ Grant kháng cáo lên Hội đồng cơ mật Nghị viện Anh (**) . Tại đây, đa số các Thẩm phán đều thống nhất rằng: Nhà sản xuất sản phẩm mà anh ta bán dưới hình thức thể hiện rằng anh ta muốn sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng dưới hình thức khiến nhà sản xuất không có khả năng kiểm tra trung gian hợp lý, và biết rằng việc thiếu cẩn trọng hợp lý trong quá trình chuẩn bị hoặc đóng gói sản phẩm sẽ dẫn đến tổn hại đến tính mạng hoặc tài sản của người tiêu dùng. Do đó, Hội đồng cơ mật đã chấp nhận kháng cáo của bác sĩ Grant, cho rằng quyết định của Tòa án tối cao tiểu bang South Australia là đúng khi cho rằng cả nhà sản xuất Australian Knitting Mills và nhà bán lẻ John Martin & Co., đều phải chịu trách nhiệm với bác sĩ Grant.

Khi xét xử vụ kiện  trên, Chánh án Murray đã thấy vụ án có những tình tiết “quan trọng “giống với vụ án chai bia gừng: (1) nhà sản xuất sản xuất hàng hóa với dự định rằng sản phẩm sẽ đến tay người tiêu dùng giống như khi rời khỏi nhà sản xuất   (2) người tiêu dùng cuối cùng không có khả năng hợp lý nào  và không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng hàng hóa  (3) nhà sản xuất biết không cẩn thận trong quá trình sản xuất sẽ dẫn đến tổn hại sức khỏe hoặc tài sản của người tiêu dùng. Từ đó đã áp dụng án lệ của vụ án chai bia gừng .

Qua ví dụ trên cho thấy việc xác định vụ án tương tự đã xét xử trước có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng án lệ. Nếu không xác định chính xác về vụ án tương tự thì không thể áp dụng được án lệ.

NGÔ CƯỜNG

Tài liệu tham khảo 

1.Rupert Cross và J.W. Harris –Tiền lệ pháp trong hệ thống pháp luật Anh, Nxb Clarendon Press-Oxford, tái bản lần thứ 4 năm 2004.

2.Vụ kiện Australian Knitting Mills năm 1936.

(*)Đây là thời điểm Hội đồng cơ mật, Nghị viện Anh là cơ quan xét xử cao nhất. Tòa án tối cao Anh chính thức thành lập vào 01/10/2009.

(**) Thời điểm này kháng cáo của Australia vẫn gửi lên Hội đồng cơ mật Nghị viện Anh, tới 1986 mới bãi bỏ cơ chế kháng cáo này,án lệ ở Anh không còn có tính bắt buộc ở Australia.       

Tòa án tối cao Úc - Ảnh:TL