Xét xử ông Tất Thành Cang trong vụ án gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 670 tỷ đồng
Sáng ngày 27/12/2021, TAND TPHCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Tất Thành Cang (sinh năm 1971, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM), Tề Trí Dũng (sinh năm 1981, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và 18 bị cáo khác trong vụ tham ô, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước xảy ra tại SADECO
Trong vụ án này, ông Tất Thành Cang cùng 11 bị cáo khác trong vụ án bị đưa ra xét xử về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Ông Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Sadeco) và 5 bị cáo khác bị xét xử hai tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản”. Bị cáo Nguyễn Văn Minh bị xét xử về tội danh “Tham ô tài sản”.
Theo nội dung vụ án, SADECO là công ty con của IPC, với tỉ lệ góp vốn của IPC là 74,8%. Ngày 26-3-2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9-2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần.
Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10-2016 là 170 tỉ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho SADECO 1.103 tỉ đồng.
Ngoài ra, 7 bị can trong nhóm tội tham ô còn có hành vi tham ô 4,7 tỉ đồng qua việc chi tiền thù lao, quỹ khen thưởng.
Ngày 16-5-2017, ông Tất Thành Cang có bút phê “Đồng ý” vào Tờ trình số 1148-TTr ngày 28-4-2017 của Văn phòng Thành ủy TPHCM, với giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược mà không thông qua đấu giá công khai, không do tổ chức có chức năng về thẩm định giá thẩm định. Cáo trạng xác định, ông Tất Thành Cang không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy TPHCM, người đại diện vốn thực hiện theo đúng quy định mà đã bút phê “Đồng ý”. Hậu quả của việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần tại SADECO cho Công ty Nguyễn Kim đã gây thất thoát tài sản của nhà nước là vốn của Thành ủy TPHCM số tiền 184 tỷ đồng.
Trong việc SADECO phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, ông Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục hợp tác, đến khi hoàn thành việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần, sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai quy định để thực hiện các thủ tục phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, thấp hơn giá trị của SADECO, gây thất thoát tài sản của nhà nước tại SADECO là 669 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Tề Trí Dũng là người chủ trương thực hiện chuyến đi, trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty Du lịch Bến Thành về chương trình, lịch trình, giá tour và các nội dung của hai hợp đồng tổ chức tour du lịch nước ngoài và giao cho Hồ Thị Thanh Phúc tổ chức thực hiện. Ông Tề Trí Dũng với vai trò là Chủ tịch HĐQT SADECO, là người ký các Quyết định về việc thông qua Quỹ tiền lương năm 2017 và việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, đảm bảo không quá 1 tháng lương thực tế theo quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước là 2,1 tỷ đồng.
Trong vụ án này, HĐXX xác định bị hại là SADECO, UBND TPHCM, IPC, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (viết tắt Công ty Nguyễn Kim) và tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cáo trạng nhận định, đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn cho tài sản nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước, liên quan đến sai phạm ở nhiều lĩnh vực, nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Phiên toà dự kiến kéo dài đến 10/1/2022, do Phó chánh tòa Hình sự Nguyễn Thị Hà làm chủ tọa.
Ngồn ảnh: nld.com.vn
Bài liên quan
-
Bàn về khách thể của Tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS năm 2015
-
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển và kinh doanh nhà về tội tham ô
-
An Giang xét xử sơ thẩm nhiều cựu lãnh đạo huyện Chợ Mới trong vụ án tham ô tài sản
-
Từ vụ án tham ô tại Công ty DGC đến việc xử lý tài sản của Petimex Đồng Tháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận