Y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan

HĐXX nhận định, các tài sản mà bị cáo Trương Mỹ Lan dùng để khắc phục hậu quả vụ án chưa có pháp lý đầy đủ, chưa xác định được giá trị cụ thể nên chưa có cơ sở giảm án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình (Áo xanh ngồi giữa hàng đầu)

Sáng 3/12, TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác trong vụ án, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan y án sơ thẩm (tử hình) về tội “Tham ô tài sản”; 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hợp mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan là tử hình.

Theo HĐXX, bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo có kháng cáo về các tội vi phạm quy định về cho vay, đưa - nhận hối lộ, tham ô tài sản là có căn cứ, đúng người, đúng tội. 

Căn cứ vào chứng cứ, lời khai của các bị cáo tại tòa đã xác định, bị cáo Trương Mỹ Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng và trở thành người có quyền quyết định cao nhất tại ngân hàng SCB. 

Lợi dụng điều này, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… dùng thủ đoạn rút tiền ra khỏi SCB để chiếm đoạt, phục vụ mục đích của mình, gây thiệt hại hơn 677.000 tỷ đồng cho SCB.

Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt lớn. Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù tội Đưa hối lộ và tử hình tội Tham ô tài sản. Tòa buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung là tử hình, là đúng người, đúng tội, không oan sai.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan có thêm tình tiết giảm nhẹ mới như: có chuyển biến sâu sắc về nhận thức, thể hiện sự ăn năn hối cải, quyết tâm khắc phục hậu quả vụ án khi đưa dự án 6A Bình Chánh và 658 mã tài sản không đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào tại SCB vào khắc phục hậu quả, có các phương án xử lý tài sản…

Căn cứ theo quy định tại Điều 40 BLHS 2015 và Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tới thời điểm xét xử phúc thẩm, bị cáo phải khắc phục được ít nhất 3/4 số tiền tham ô 304.000 tỉ đồng, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng… Từ đó, HĐXX mới có căn cứ để giảm án cho bị cáo.

Tuy nhiên, tới thời điểm xét xử phúc thẩm, các tài sản mà bị cáo Lan dùng để khắc phục hậu quả vụ án chưa có pháp lý đầy đủ, chưa xác định được giá trị chi tiết nên chưa có cơ sở tính vào tỉ lệ khắc phục hậu quả vụ án.

Theo HĐXX phiên tòa phúc thẩm, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo Lan tiếp tục khắc phục được hậu quả vụ án, đáp ứng tỉ lệ theo quy định pháp luật thì cấp có thẩm quyền có cơ sở giảm án cho bị cáo theo điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS 2015.

ĐĂNG KHOA