Yêu cầu ly hôn với người mất tích có được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không?
Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là thật sự cần thiết nhằm cụ thể hóa, luật hóa những hướng dẫn dưới luật trước đây nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc Hôn nhân gia đình của Tòa án các cấp. Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết và thực tiễn giải quyết vụ việc án hôn nhân gia đình , tôi có vài ý kiến đóng góp, đề nghị TANDTC hướng dẫn.
1. Về yêu cầu tuyên bố người vợ (hoặc chồng) mất tích
Tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết quy định: “Người vợ hoặc người chồng đồng thời yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc người vợ của mình mất tích và yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn, nếu Toà án thấy chưa đủ điều kiện tuyên bố người đó mất tích thì bác các yêu cầu của người vợ hoặc người chồng”.
Thực tiễn Tòa án cấp sơ thẩm khi thụ lý yêu cầu trên của đương sự, thường hướng dẫn đương sự làm đơn yêu cầu tuyên bố người vợ (hoặc chồng) mất tích theo quy định tại khoản 3 Điều 27 và Điều 387 BLTTDS. Khi Quyết định việc dân sự của Tòa án về tuyên bố người vợ (chồng) mất tích có hiệu lực thì mới hướng dẫn đương sự làm đơn khởi kiện ly hôn đối với người mất tích theo quy định tại khoản 1 Điều 28 BLTTDS. Như vậy, yêu cầu ly hôn đối với người mất tích thông thường phải thực hiện qua 2 lần thủ tục, ban hành hai quyết định, bản án độc lập. Vậy theo quy định tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết trên thì chữ “đồng thời” trong trường hợp này được hiểu theo nghĩa nào? Có được hiểu theo nghĩa: “đối với yêu cầu ly hôn với người mất tích thì được thụ lý giải quyết trong một vụ việc không”? Trường hợp được giải quyết trong một vụ việc thì thủ tục tố tụng được thực hiện theo vụ án hay việc? Nếu là việc thì là việc dân sự hay việc hôn nhân?
2. Đối với việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân
Đối với việc ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án hôn nhân về việc “Thay đổi người trực tiếp nuôi con” còn nhiều quan điểm khác nhau. Có trường hợp đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, có lập hợp đồng ủy quyền, được phòng công chứng công chứng. Có hai quan điểm cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: Không chấp nhận sự ủy quyền đó, vì quyền nuôi con là quyền nhân thân không thể ủy quyền, hơn nữa quy định tại Điều 138 BLDS quy định “Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đã nêu rõ mục đích ủy quyền là để xác lập và thực hiện giao dịch dân sự. Trong khi đó, quyền trực tiếp nuôi con phải bảo đảo quyền lợi hợp pháp của con nên không thể coi là giao dịch dân sự để ủy quyền.
Quan điểm thứ hai: Tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS chỉ quy định “Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng” mà không quy định đương sự trong vụ án “thay đổi người nuôi con” không được ủy quyền. Nên việc ủy quyền này giống ủy quyền trong việc tranh chấp tài sản chung vợ chồng, pháp luật không cấm nên được phép thực hiện.
Hai quan điểm khác nhau dẫn đến việc Tòa án quyết định cho người ủy quyền tham gia tố tụng không thống nhất. Vì vậy vấn đề này cần được đưa vào Nghị quyết hướng dẫn áp dụng đồng bộ.
Trên đây là hai vấn đề chúng tôi đề nghị TANDTC xem xét, hướng dẫn, cũng như có ý kiến thảo luận của quý độc giả.
TAND TP Cần Thơ xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn – Ảnh: Như Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận