Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân
Thực hiện nguyên tắc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử nhằm khắc phục tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Trong Dự thảo 2.2 về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, cơ quan soạn thảo đã đưa ra 5 chính sách mới, một trong những chính sách đó là hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân.
1. Mục tiêu và cơ sở để lựa chọn giải pháp của chính sách
Hoàn thiện tổ chức bộ máy Tòa án tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc các Tòa án được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử; mô hình, quy mô, tổ chức bộ máy phải phù hợp với khối lượng công việc và đặc thù hoạt động của từng cấp Tòa án; tăng cường tính độc lập giữa các cấp Tòa án; các vụ án đặc thù phải được xét xử tại các Tòa án chuyên biệt nhằm phát huy ưu thế chuyên môn cao trong việc xét xử; khắc phục hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của từng đơn vị Tòa án là mục tiêu của chính sách này.
Những giải pháp đưa ra để thực hiện mục tiêu trên đây là thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”, “Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị... giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả”.
2. Mô hình tổ chức mới
Bộ máy Toà án được tổ chức theo hướng độc lập theo thẩm quyền xét xử, không theo cấp hành chính.
Thành lập các Toà án nhân dân chuyên biệt nhằm chuyên môn hoá hoạt động xét xử đối với một số loại vụ việc có tính chất đặc thù như: hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản.
Bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của một số Tòa án.
Kiện toàn, tổ chức lại Toà chuyên trách, bộ máy giúp việc, đơn vị sự nghiệp tại một số Toà án.
Đổi tên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành Toà án nhân dân phúc thẩm; Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh thành Toà án nhân dân sơ thẩm. Đây là sự thể hiện về mặt hình thức nguyên tắc tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, khắc phục tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính.
Phát huy ưu thế trình độ chuyên môn sâu trong xét xử, từ đó nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ việc khó, đòi hỏi chuyên môn cao; thay đổi nhận thức, gia tăng niềm tin của công chúng về hiệu quả hoạt động của Toà án thông qua việc tổ chức Toà án có tính chuyên môn hoá cao.
Khắc phục tình trạng giám đốc thẩm, tái thẩm bị lạm dụng để trở thành cấp xét xử thứ ba.
Làm rõ hơn tính chất, nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, cấp xét xử phúc thẩm; thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Điều 6 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014.
3. Giải pháp cụ thể
3.1. Đối với Tòa án nhân dân tối cao: Cơ bản giữ nguyên tổ chức bộ máy giúp việc. Sắp xếp lại các đơn vị Học viện Tòa án, Báo Công lý và Tạp chí Tòa án nhân dân theo hướng là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
3.2. Đối với Tòa án nhân dân cấp cao: Tên gọi, cơ cấu tổ chức bộ máy cơ bản giữ nguyên như hiện tại; Bổ sung quy định về việc thành lập các Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ; Tòa chuyên trách về Phá sản (trước mắt chỉ thành lập Tòa chuyên trách về Phá sản ở Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội và Hồ Chí Minh; thành lập Tòa chuyên trách về Sở hữu trí tuệ ở Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội).
Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân cấp cao theo hướng phù hợp với thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/ Toà án nhân dân phúc thẩm theo địa hạt tố tụng; phúc thẩm, giám đốc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân chuyên biệt theo địa hạt tố tụng.
3.3. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có hai phương án.
Phương án 1: Đổi tên thành Toà án nhân dân phúc thẩm (Ví dụ: Tòa án nhân dân phúc thẩm Hải Phòng). Về cơ cấu tổ chức được giữ nguyên như quy định hiện hành của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sửa đổi quy định về chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân phúc thẩm theo hướng chuyển thẩm quyền xét xử theo thủ tục sơ thẩm đối với các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân từ cấp tỉnh trở lên; chuyển thẩm quyền giải quyết các vụ việc thuộc các lĩnh vực đặc thù về sở hữu trí tuệ, phá sản sang cho Toà án nhân dân chuyên biệt.
Phương án 2: Giữ nguyên tên gọi, cơ cấu tổ chức như hiện hành. Về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sửa đổi như Phương án 1.
3.4. Đối với Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh - Đổi tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành Toà án nhân dân sơ thẩm (Ví dụ: Tòa án nhân dân sơ thẩm Đông Anh).
Sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân sơ thẩm theo hướng: Tòa án nhân dân sơ thẩm có nhiệm vụ giải quyết, xét xử sơ thẩm các vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các vụ việc thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương/Toà án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân chuyên biệt.
3.5. Thành lập Tòa án nhân dân chuyên biệt
Toà án nhân dân chuyên biệt được tổ chức theo địa hạt pháp lý nhiều tỉnh, thành phố tùy thuộc vào khối lượng công việc của mỗi loại vụ việc, gồm: Tòa án nhân dân Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân Hành chính, Tòa án nhân dân Phá sản.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa án chuyên biệt khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trước mắt, thành lập 01 Tòa án nhân dân Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội, 02 Tòa án nhân dân Phá sản tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với việc thành lập Tòa án nhân dân Hành chính, Tòa án nhân dân tối cao sẽ căn cứ vào số lượng vụ án hành chính tại các đơn vị hành chính để xem xét, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập.
Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử ở Tòa án nhân dân chuyên biệt là những chuyên gia, người có chuyên môn cao về lĩnh vực tham gia xét xử, do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án nhân dân chuyên biệt có trụ sở bầu theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Chánh án Tòa án nhân dân chuyên biệt sau khi thống nhất ý kiến với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nơi Tòa án có trụ sở đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm.
Bổ sung quy định Tòa án nhân dân chuyên biệt có chức năng, nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các loại vụ việc đặc thù theo từng lĩnh vực (sở hữu trí tuệ, hành chính, phá sản). Chánh án Tòa án nhân dân chuyên biệt chịu trách nhiệm báo cáo công tác của Tòa án nhân dân chuyên biệt với Tòa án nhân dân tối cao.
3.6. Đối với Toà án quân sự
Bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quân đội cho các Toà án quân sự.
3.7. Bổ sung quy định về Tòa án điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và triển khai Tòa án điện tử trong hệ thống Tòa án nhân dân.
3.8. Bổ sung quy định về nhiệm vụ của từng cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng:
Cấp xét xử sơ thẩm có nhiệm vụ xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ để xác định tính có căn cứ của vụ án và áp dụng pháp luật.
Cấp xét xử phúc thẩm có nhiệm vụ sửa sai đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xác định sự thật, tính có căn cứ của vụ án hoặc áp dụng pháp luật.
Giám đốc thẩm, tái thẩm có nhiệm vụ giải quyết vướng mắc về xác định sự thật và áp dụng pháp luật đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới; bảo vệ hoạt động xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật.
3. 9. Về cơ chế giám sát hoạt động của Tòa án
Sửa đổi, bổ sung sung quy định về cơ chế giám sát của cơ quan dân cử theo hướng quy định Nhân dân thực hiện quyền giám sát hoạt động của Tòa án thông qua việc tham gia xét xử tại Tòa án và thông qua việc công khai các hoạt động của Tòa án; góp ý kiến đối với hoạt động của Tòa án; việc giám sát của các cơ quan dân cử phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án và độc lập tư pháp; Kết quả giám sát hoạt động của Tòa án phải được công khai để cử tri được biết.
Trụ sở TAND huyện Cư Kuin tỉnh Đắk Lắk - Ảnh MH
Bài liên quan
-
Triển khai Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi đảm bảo kịp thời và hiệu quả
-
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ trực tuyến về nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi
Tập huấn nghiệp vụ về nội dung mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 và an ninh mạng -
Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi theo xu hướng tiến bộ của thế giới, đổi mới triệt để hệ thống Toà án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận