Bàn về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, trong đó có nhiều quy định mới lần đầu tiên được ghi nhận, nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, trong đó, có quy định về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Bài viết này, tác giả luận bàn nhằm làm rõ hơn về quy định này, bảo đảm việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn.

1. Đặt vấn đề

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24 tháng 6 năm 2024 với số phiếu tán thành rất cao. Luật này ra đời thay thế cho Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13, bao gồm 09 chương, với 152 Điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Có thể thấy, đây là đạo luật được xây dựng khá công phu với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu về tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị và cải cách tư pháp, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn; đã quán triệt tinh thần và thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 ra đời với rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, được đánh giá là tiến bộ và tiệm cận hơn so với yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta. Một trong những nội dung mới được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.

2. Quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc

Điều 31 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc như sau:

“Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc là việc Tòa án làm rõ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo thẩm quyền”.

Quy định này cũng được cụ thể hóa trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án án nhân dân[1] và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử[2].

Có thể thấy, đây là quy định mới, lần đầu tiên được bổ sung vào Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Tuy nhiên, đây chỉ là việc luật hóa một cách chính thức một hoạt động mà Tòa án đã triển khai trong thực tiễn trước đó. Việc luật hóa này tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc ghi nhận về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, bảo đảm việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật trong thực tiễn. Bởi lẽ, khi đã là một quy định của Luật thì bắt buộc Tòa án phải thực hiện, phải tuân theo chứ không thể tùy nghi, bởi thực tiễn có thể có Tòa án thực hiện việc giải thích áp dụng pháp luật khi xé xử, giải quyết vụ án, vụ việc, có Tòa án thì không.

Việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc được Tòa án thực hiện trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc chứ không chỉ riêng trong bản án, quyết định của Tòa án trong những hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Tuy nhiên, có thể hiểu, việc giải thích áp dụng pháp luật của Tòa án trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc được thể hiện rõ nét, trọng tâm hơn cả là trong các bản án, quyết định của Tòa án.

3. Một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng quy định về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc

Thứ nhất, khi xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Cụ thể:

Có ý kiến không tán thành với quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử trong dự thảo Luật với một số điểm chính như sau: trong bản án, quyết định của Tòa án đã có phần nhận định và phần quyết định; nhiệm vụ của Hội đồng xét xử là phân tích, lập luận rõ trong phần nhận định của bản án lý do của việc áp dụng quy định của pháp luật vào vụ việc cụ thể để ra phán quyết (quyết định). Về bản chất đây là hoạt động áp dụng pháp luật, là nhiệm vụ của Tòa án, không thể coi là nhiệm vụ độc lập mà thuộc về nhiệm vụ xét xử. Pháp luật đã giao Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Nếu quy định Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử dễ dẫn đến sự nhầm lẫn thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có nhiều ý kiến tán thành với quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử với một số điểm chính sau đây: Tòa án là cơ quan duy nhất được giao thẩm quyền ra bản án quyết định một người có tội hay không có tội. Phán quyết của Tòa án liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Trách nhiệm của Tòa án phải giải thích rõ trong bản án lý do của việc áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc, vụ án cụ thể. Việc này đang được các luật tố tụng hiện hành quy định. Thực tế Tòa án các cấp đang thực hiện nhiệm vụ này để giải thích cho rõ bản án hơn, không vướng mắc gì cả.

 Quy định giải thích áp dụng pháp luật” khác với “giải thích pháp luật” nên không trùng lẫn với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khác với quy định “hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật” thuộc thẩm quyền của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.  Đồng thời, quy định này tăng tính công khai, minh bạch trong các phán quyết tư pháp của Tòa án, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin đối với các phán quyết tư pháp của Tòa án, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân thông qua hoạt động xét xử và các phán quyết tư pháp của Tòa án nhân dân các cấp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến băn khoăn khi cho rằng: Nếu chỉ quy định giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử thế này thì không rõ nội hàm việc đó làm như thế nào. Cần phải nói rõ giải thích lý do áp dụng pháp luật trong xét xử (tức là tại sao không áp dụng điều khoản đó mà áp dụng điều khoản khác, cần diễn giải rõ hơn việc này). Đề nghị làm rõ việc giải thích áp dụng pháp luật có được coi là án lệ không[3].

Có thể thấy, một quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì việc nhận được các quan điểm, ý kiến khác nhau là hợp quy luật. Nội dung này sau đó đã được thông qua và chính thức được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 tại một số điều luật mà tác giả viện dẫn ở trên. Do vậy, cần thống nhất trong nhận thức để việc hiểu và áp dụng quy định này trong thực tế được hiểu quả, hiệu lực.

Theo đó, việc Luật Tổ chức Tòa án nhân dân bổ sung nhiệm vụ mới của Tòa án là “giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”, thực chất là giải thích, làm rõ của Hội đồng xét xử trong bản án về lý do áp dụng điều luật cụ thể, trong hoàn cảnh, tình huống của vụ án. Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Việc luật hóa nhiệm vụ đang thực hiện trên thực tiễn này nhằm ràng buộc cao hơn trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong mỗi phán quyết tư pháp[4].

Thứ hai, về việc áp dụng quy định tại Điều 31 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Quy định về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc là quy định mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Nội hàm điều luật ghi nhận Tòa án thực hiện việc giải thích áp dụng pháp luật không chỉ trong các bản án, quyết định của Tòa án mà còn trong cả trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Như vậy, phạm vi áp dụng quy định này là khá rộng. Tác giả cho rằng, để triển khai có hiệu quả Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 nói chung và quy định về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm nghiên cứu, đánh giá thực tiễn[5] để ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện quy định này trong thực tiễn. Theo đó, hướng dẫn cần phân loại quy định tại Điều 31 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đối với trường hợp giải thích áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định. Cụ thể, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần hướng dẫn cụ thể việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc thì được thực hiện như thế nào và trong bản án, quyết định thì được thực hiện như thế nào. Từ đó, có sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Nội dung hướng dẫn cần thống nhất theo hướng việc giải thích áp dụng pháp luật là phải làm rõ trong trường hợp này tại sao áp dụng quy định pháp luật này, điều khoản này mà không phải là quy định pháp luật khác, điều khoản khác.

Thứ ba, về việc ghi nhận nhiệm vụ của Tòa án trong việc giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Nghiên cứu quy định tại Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 thì thấy, có các điều luật ghi nhận về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc gồm: Điều 3, Điều 23, Điều 24, Điều 25 và Điều 31. Trong đó, Điều 31 quy định về khái niệm, nội hàm của giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc. Còn Điều 3 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nói chung, Điều 23, Điều 24 và Điều 25 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định:

Khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

...

đ) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;”

Tại khoản 2 các điều 23,24, 25 quy định như sau: Tòa án cấp sơ thẩm/cấp phúc thẩm khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây/Tòa án xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

“Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc”.

 Ở đây, nếu nhìn nhận về câu chữ, thì có thể thấy quy định về phạm vi trong các điều luật trên là khác nhau khi quy định ở khoản 2 các điều 23, 24, 25 là trong phạm vi Tòa án thực hiện việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc hoặc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, còn tại khoản 2 Điều 3 thì phạm vi là khi Tòa án thực hiện quyền tư pháp (tác giả đã bôi đậm).

Về vấn đề này, cần thống nhất trong nhận thức rằng, nội hàm quy định tại các điều luật này là thống nhất nhau, không có sự khác biệt nào cũng như không có “sự vênh” nhau. Theo đó, quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp là đồng nhất với quy định Tòa án thực hiện quyền xét xử.

Tại khoản 1 Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; đồng thời thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”[6], Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 3 nêu trên để giải thích rõ về việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Do đó, cần thống nhất trong nhận thức và áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 2 các điều 23, 24, 25 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

4. Kết luận

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 ra đời với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng tạo ra bước đột phá, làm căn cốt cho cải cách tư pháp, kiến tạo nguồn tư duy đổi mới sáng tạo, diện mạo mới hiện đại cho nền tư pháp Việt Nam, phù hợp với chuẩn mực chung mang tính phổ quát của thế giới[7]. Để việc triển khai áp dụng các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 trong thực tế bảo đảm thống nhất, hiệu quả, hiệu lực thì cần thống nhất trong nhận thức quy định của điều luật. Với phân tích, lập luận nêu trên, tác giả tập trung luận bàn làm rõ thêm nội hàm quy định về giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án.

Tài liệu tham khảo

1. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

2. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

3. Hiến pháp năm 2013.

4. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

 

[1] Xem điểm đ khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

[2] Xem khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 24, khoản 2 Điều 25 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.

[3] Xem: Báo cáo số 3220/BC-TTKQH ngày 19/12/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội về việc Tổng hợp ý kiến của các vụ đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

[4] GS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2024, tr.3.

[5] Như trên tác giả đã phân tích, việc này thực tiễn các Tòa án đã triển khai, nay được luật hóa cụ thể trong Luật Tổ chức TAND năm 2024.

[6] GS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Tlđd, tr.3.

 

[7] GS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Tlđd, tr.10.

TRIỆU THỊ LOAN, TAND thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương