Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam

Bài viết nghiên cứu nguyên tắc áp dụng án lệ theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, soi chiếu thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự. Từ đó, phân tích những hạn chế và lý giải nguyên nhân, nhằm đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử.

1. Đặt vấn đề

Áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự đã được thực hiện tại Việt Nam gần 10 năm qua và đã đạt được những thành tựu nhất định. Sự ra đời của án lệ tại Việt Nam đã góp phần khắc phục kịp thời những khoảng trống pháp lý mà các văn bản luật còn bỏ ngỏ hoặc quy định chưa rõ ràng. BLTTDS 2015 quy định Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Khi đó, việc giải quyết vụ việc dân sự được thực hiện theo các nguyên tắc do BLDS và BLTTDS quy định[1]. Bởi tiếp cận công lý là quyền cơ bản của con người, quyền được bảo vệ về mặt pháp lý. Quyền này cho phép tất cả mọi người có thể vận dụng để tìm kiếm sự đền bù cho những bất công hay thiệt hại mà một cá nhân hay tổ chức, đặc biệt là cho những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội phải gánh chịu[2]. Trước áp lực bảo vệ công lý, ngay cả khi không có luật, đòi hỏi Thẩm phán phải có khả năng sáng tạo pháp luật trên nền tảng lẽ phải, sự công bằng và những kinh nghiệm xét xử vốn có của mình. Án lệ được coi là nguồn bổ khuyết của pháp luật thành văn, giúp các Thẩm phán có đầy đủ nền tảng pháp lý để thực hiện hoạt động xét xử.

Mặc dù thực tiễn đã chứng minh, áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử đã giúp Tòa án giải quyết rất nhiều vụ việc với những tình huống pháp lý chưa có luật điều chỉnh, hoặc những quy định của pháp luật chưa rõ ràng và vì vậy, quyền lợi của đương sự được bảo đảm, giúp công lý được thực thi và ổn định các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, thực trạng áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự vẫn còn một số bất cập, cần tiếp tục được nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ.

2. Nguyên tắc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam

Nguyên tắc áp dụng án lệ được thực hiện theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Theo đó, án lệ được lựa chọn phải đáp ứng được các tiêu chí: (i) Có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; (ii) Có tính chuẩn mực; (iii) Có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử phải tuân theo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

Như vậy, theo quy định này, khi nghiên cứu, áp dụng án lệ, Tòa án phải đánh giá tính chất tương tự của vụ án mình đang giải quyết và án lệ đã được công bố. Việc đánh giá tính tương tự của vụ việc có ý nghĩa trong việc bảo đảm những vụ việc có các tình tiết pháp lý “giống như thế”[3] thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp Tòa án không áp dụng án lệ trong vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải nêu rõ lý do. Như vậy, quy định này yêu cầu Tòa án phải có trách nhiệm áp dụng án lệ để nhằm bảo đảm tính thống nhất trong thực tiễn xét xử. Nếu không áp dụng án lệ thì Tòa án phải nêu rõ lý do không áp dụng, chẳng hạn, do sự thay đổi chính sách, việc áp dụng án lệ đã không còn phù hợp, hoặc do pháp luật đã quy định, v.v.

Thứ hai, trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Quy định này hướng dẫn rõ ràng cách trích dẫn khi Tòa án quyết định áp dụng án lệ cho vụ việc mà mình đang giải quyết. Việc trích dẫn này phải ghi rõ trong phần “Nhận định của Tòa án”, có thể ghi một phần hoặc toàn bộ nội dung của án lệ nhưng phải làm rõ quan điểm của Tòa án trong giải quyết vụ việc thông qua viện dẫn án lệ. Đây là yêu cầu nhằm buộc Tòa án phải đánh giá tính chất tương tự của vụ việc so với án lệ và đánh giá sự tương tự đó trong lập luận của mình, giúp cho việc áp dụng án lệ được thống nhất và không mang tính chất hình thức.

3. Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam

Tính đến ngày 15/6/2024, theo số liệu trên Trang tin điện tử về Án Lệ của TANDTC, đã có 72 án lệ các loại vụ việc, trong đó án lệ về dân sự gồm 34 án lệ. Các án lệ này được lựa chọn và công bố đều xuất phát từ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Tòa án nghiên cứu sử dụng án lệ để phán đoán quyết định vụ án, một mặt hỗ trợ cho quá trình tiến hành hòa giải giữa các đương sự trong vụ án, mặt khác để áp dụng án lệ khi xét xử theo điều kiện và nguyên tắc luật định.

Việc áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự đã được thực hiện trong 05 năm qua, góp phần thống nhất đường lối xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết pháp lý tương tự đều được giải quyết như nhau nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của đương sự. Mặc dù vậy, vẫn còn một số trường hợp áp dụng án lệ chưa đáp ứng những nguyên tắc đề ra theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, thể hiện qua một số trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: Bản án số 463/2023/DS-PT ngày 28/8/2023 của TAND tỉnh T về tranh chấp “Đòi di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, chia di sản thừa kế, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, tại mục [3.6] trong phần Nhận định của Tòa án, Tòa án đã nhận định: “Xét yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của các nguyên đơn: Các nguyên đơn yêu cầu chia di sản cụ B1 Là thửa đất 415, tờ bản đồ số 2 làm 13 kỷ phần, sau khi trừ đi một kỷ phần ông Q được nhận và một kỷ phần là công sức gìn giữ di sản của ông Q còn lại 11 kỷ phần các nguyên đơn yêu cầu nhận đất sẽ nhập lại quản lý chung. Như đã xác định tại mục [3.1], hàng thừa kế thứ nhất của cụ B1 gồm có 11 người. Thửa đất số 415, tờ bản đồ 02 là di sản thừa kế do cụ B1 để lại, cụ B1 chết không có lập di chúc, hàng thừa kế thứ nhất của cụ B1 gồm 11 người. Xét yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của các nguyên đơn là có căn cứ nên chấp nhận một phần. Theo Án lệ số 05/2016/AL, ngày 06/04/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao việc các đồng nguyên đơn đồng ý chia cho bị đơn một kỷ phần thừa kế và công sức gìn giữ di sản của bị đơn tương đương một kỷ phần thừa kế là có căn cứ nên chấp nhận. Căn cứ kết quả đo đạc các kỷ phần thừa kế có diện tích sử dụng nhỏ, chia theo chiều dọc quá hẹp không thể sử dụng, nếu chia theo chiều ngang thì không có lối đi ra được đường giao thông công cộng. Do đó, để đảm bảo việc sử dụng đất cần giao các phần đất từ S1 đến S8 cho các đồng nguyên đơn, giao cho người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Q các phần đất từ S9 đến S12 cùng thửa đất 415, tờ bản đồ số 2, buộc người thừa kế quyền và nghĩa vụ tố tụng của bị đơn ông Q liên đới trả giá trị 02 kỷ phần cho các nguyên đơn là 478.247.500 đồng (Bốn trăm bảy mươi tám triệu hai trăm bốn mươi bảy ngàn năm trăm đồng), thực hiện khi án có hiệu lực pháp luật”[4].

Có thể thấy, trong vụ án này, Tòa án có “viện dẫn” án lệ nhưng chưa tuân thủ theo quy định “trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án””. Mặt khác, việc viện dẫn của Tòa án cũng rất sơ sài, không đề cập đến tình huống án lệ và giải pháp pháp lý, do đó lập luận của Tòa án chưa thể hiện sự chặt chẽ và thuyết phục. Tòa án nhận định, Theo Án lệ số 05/2016/AL, ngày 06/04/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao việc các đồng nguyên đơn đồng ý chia cho bị đơn một kỷ phần thừa kế và công sức gìn giữ di sản của bị đơn tương đương một kỷ phần thừa kế là có căn cứ nên chấp nhận” nhưng không cho biết vì sao lại “có căn cứ”, không lý giải sự tương tự của tình huống đang giải quyết và tình huống của án lệ được viện dẫn.

Trường hợp thứ hai: Ông D và bà M có nhận chuyển nhượng của ông X diện tích nhà đất vào năm 1997. Tại thời điểm đó, nhà đất của ông X chưa được cấp giấy chứng nhận nên các bên đã lập giấy chuyển nhượng nhà và giấy nhận vàng để xác nhận việc chuyển nhượng và thanh toán. Ngoài ra, các bên cũng đã ký kết hợp đồng uỷ quyền có xác nhận của UBND quận S ngày 18/12/2000 để ông D - bà M được quản lý, sử dụng, ký nhận đền bù, giải tỏa và liên hệ với cơ quan chức năng của Nhà nước để giải quyết những vấn đề có liên quan đến ngôi nhà. Ông D và bà M đã hoàn tất các thủ tục, giấy tờ liên quan trên cơ sở hợp đồng ủy quyền, xây nhà sử dụng ổn định từ năm 2005. Tuy nhiên, ông X đã đi khỏi nơi cư trú và không ai biết ông X đang ở đâu nên vợ chồng ông D, bà M khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng và sở hữu nhà đất theo hợp đồng chuyển nhượng năm 1997. Tại Bản án số 09/2024/DS-ST ngày 15/3/2024 của TAND quận S, thành phố Đ về “yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản”, tại phần Quyết định có ghi: “Căn cứ …;  Án lệ số  55/2022/AL ngày 07/9/2022 về công nhận hiệu lực của hợp đồng vi phạm điều kiện về hình thức; Điều 106; Điều 168; Điều 169 Luật Đất đai năm 2003; Điều 90, 91, 92 Luật nhà ở năm 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc: “Yêu cầu Công nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản” của ông Phan Quốc D và bà Phan Thị Thanh M đối với ông Trần Văn X”[5]. Tuy nhiên, trong phần Nhận định của Tòa án lại không đề cập đến tình huống án lệ cũng như giải pháp pháp lý mà Tòa án chỉ nhận định “Tại thời điểm các bên thỏa thuận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì phía bị đơn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng việc chuyển nhượng đất giữa ông X với vợ chồng ông D-bà M không trái pháp luật. Mặt khác, sau khi ông D nhận ủy quyền của ông X, ông D nộp đủ tiền sử dụng đất và hoàn tất các nghĩa vụ đối với nhà nước thì đã đủ điều kiện để chuyển nhượng.

Từ những phân tích trên, căn cứ vào Điều 116; khoản 2 Điều 129 và điểm b khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tuy giao dịch chuyển nhượng nhà, đất của các bên không tuân thủ về hình thức được quy định tại khoản 1 Điều 502 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhưng bên nguyên đơn đã thực hiện giao cho phía bị đơn toàn bộ số tiền chuyển nhượng là đã thực hiện hơn 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch nên cần công nhận hiệu lực giao dịch chuyển nhượng nhà đất nêu trên của các bên”.

Trường hợp này có thể thấy, Tòa án viện dẫn án lệ trong phần Quyết định nhưng lại không tuân thủ nguyên tắc viện dẫn và phân tích tình huống án lệ trong phần “Nhận định của Tòa án”. Điều này chưa tạo nên sự thống nhất trong thực tiễn xét xử.

Trường hợp thứ ba: Bản án số 15/2024/DS-PT ngày 07/5/2024 của TAND tỉnh H về “tranh chấp đòi lại tài sản - QSD đất”, tại phần Nhận định của Tòa án, Hội đồng xét xử nhận định: Theo Án lệ số 50/2021/AL được lựa chọn từ Quyết định giám đốc thẩm số 481/2012/DS-GĐT ngày 25/9/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án Tranh chấp đòi lại tài sản” và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng xét xử xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. (Bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án giải quyết việc phân chia tài sản nhưng bản án, quyết định này chưa được thi hành do người được thi hành án không yêu cầu thi hành án và chưa nhận tài sản trên thực tế. Khi hết thời hiệu yêu cầu thi hành án, người được Tòa án giao tài sản mới có tranh chấp đòi lại tài sản được giao theo bản án, quyết định nêu trên)”[6].

Trong Bản án này, Tòa án đã viện dẫn số, tên án lệ, tình huống pháp lý của Án lệ, tuy nhiên Tòa án chưa viện dẫn giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết để chứng minh tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, việc Tòa án nhận định: Hội đồng xét xử xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ là hơi “khiên cưỡng”.

4. Một số kiến nghị 

Thực tiễn áp dụng án lệ trong xét xử các tranh chấp thừa kế tại Tòa án vẫn còn chưa có sự thống nhất giữa các Tòa án, cũng như chưa có sự thống nhất với các nguyên tắc được quy định trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Điều này dẫn đến hiệu quả áp dụng án lệ chưa cao, thiếu tính đồng bộ, thiếu tính thống nhất dẫn đến giá trị pháp lý của bản án có áp dụng án lệ chưa cao và chưa có tính thuyết phục.

Nguyên nhân của thực trạng này có thể xuất phát từ việc các Tòa án còn gặp khó khăn trong việc xác định các tình huống pháp lý tương tự để có thể áp dụng án lệ, do đó chưa mạnh dạn viện dẫn tình huống án lệ và giải pháp của án lệ trong phần “Nhận định của Tòa án” trong bản án mà mình xét xử. Mặc dù Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định “khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”, tuy nhiên lại không có những điều kiện cụ thể để đánh giá tính chất tương tự của tình huống pháp lý. Điều này có thể dẫn đến Thẩm phán này đánh giá tính chất tương tự của tình huống khác với Thẩm phán kia hoặc khác với Hội thẩm nhân dân.

Chẳng hạn, trong Án lệ số 04/2016/AL đề cập đến tình huống pháp lý là “Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Giải pháp pháp lý là “Trường hợp này, Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng”. Vậy, vấn đề là việc xác định tình huống pháp lý tương tự trong giải quyết các tranh chấp sau này sẽ được xác định trên cơ sở những tiêu chí nào?

Có quan điểm cho rằng, án lệ nêu trên được tạo lập có giá trị hướng dẫn cho các Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc có liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Theo đó, trường hợp di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng, các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó, số tiền chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế, bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng[7]. Tuy nhiên, nếu thực tiễn xét xử xuất hiện trường hợp tài sản được chuyển nhượng là di sản thừa kế nhưng không phải là bất động sản mà là động sản có đăng ký quyền sở hữu như xe ô tô, tàu thủy, hoặc quyền tài sản như nhãn hiệu,… thì có thể áp dụng án lệ này nếu như việc chuyển nhượng đó là nhằm lo cuộc sống của các đồng thừa kế, bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, các đồng thừa kế khác cũng biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó hay không?

Để khắc phục tình trạng này cũng như để việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử đạt hiệu quả cao hơn, bài viết đề xuất một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, TANDTC cần có văn bản hướng dẫn về cách xác định tính chất “tương tự” của vụ việc đang được giải quyết với tình huống án lệ. Cần có những điều kiện cụ thể để xác định tính chất tương tự. Những điều kiện này cần mang tính phổ quát để có thể áp dụng án lệ lặp đi lặp lại nhiều lần nhằm thống nhất đường lối xét xử. Những điều kiện này cần được đưa vào làm một bộ phận cấu thành của án lệ với tiêu đề “hoàn cảnh tương tự được áp dụng án lệ”. Trong mỗi án lệ cần nêu rõ những điều kiện cụ thể này để các Thẩm phán khi áp dụng án lệ có thể dễ dàng xác định tính chất tương tự và viện dẫn trong phần “Nhận định của Tòa án”. Chẳng hạn, trong Án lệ số 16, hoàn cảnh tương tự được áp dụng án lệ cần thỏa mãn các điều kiện:

- Di sản thừa kế đã được một trong các đồng thừa kế định đoạt;

- Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc định đoạt đó;

- Số tiền nhận được từ việc định đoạt tài sản đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế;

- Bên nhận chuyển quyền đã xác lập được quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, đề xuất TANDTC cần quán triệt các Tòa án trong quá trình giải quyết các tranh chấp nói chung và tranh chấp dân sự nói riêng tuân thủ nguyên tắc áp dụng án lệ theo đúng Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP nhằm bảo đảm tính thống nhất trong đường lối xét xử.

Thứ ba, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP chỉ đề cập đến việc “số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”” mà không yêu cầu các Tòa án đưa án lệ vào phần “Quyết định” của bản án là thiếu tính thống nhất. Vì một khi án lệ được đề cập trong phần “Nhận định của Tòa án” thì trong phần “Quyết định” cũng cần được đề cập, bởi vì phần này cho biết Tòa án căn cứ vào đâu để đưa ra phán quyết.

5. Kết luận

Mặc dù án lệ đã được ban hành và áp dụng tại Việt Nam tới nay đã gần một thập kỷ, tuy nhiên quá trình áp dụng vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục được hoàn thiện để việc áp dụng án lệ bảo đảm tính thống nhất. Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi của việc áp dụng án lệ thì nhu cầu bổ sung hoàn cảnh tương tự được áp dụng án lệ trong bộ phận cấu thành của án lệ là rất cần thiết.

Với những phân tích, viện dẫn và đề xuất trong bài viết này, hi vọng TANDTC sớm có giải pháp khắc phục để việc áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự đạt hiệu quả cao, bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của đương sự, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam vững mạnh. 

 

ThS. PHAN THỊ HỒNG (Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

[1] Khoản 2 Điều 4 BLTTDS 2015.

[2] Vũ Công Giao (2009), Tiếp cận công lý và các nguyên lý của nhà nước pháp quyền, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Luật học 25, 188-194.

[3] Hoàng Phê (2021), Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb. Hồng Đức, tr.1371.

[4] Bản án số 463/2023/DS-PT ngày 28/8/2023 của TAND tỉnh T về tranh chấp “Đòi di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, chia di sản thừa kế, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

[5] Bản án số 15/2024/DS-PT ngày 07/5/2024 của TAND tỉnh H về “tranh chấp đòi lại tài sản - QSD đất”.

[6] Bản án số 15/2024/DS-PT ngày 07/5/2024 của TAND tỉnh H về “tranh chấp đòi lại tài sản - QSD đất”.

[7] Toà án nhân dân tối cao (2021), Án lệ và bình luận quyển 1, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr.277-278.

TAND tỉnh Kiên Giang xét xử vụ án tranh chấp đất đai - Ảnh: Tây Hồ