Bàn về khách thể của Tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS năm 2015
Tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS 2015, đây là tội phạm thuộc nhóm tội về chức vụ và tương đối phổ biến hiện nay, việc xác định tội danh này với các tội danh khác phụ thuộc vào đánh gái đúng chủ thể sở hữu hoặc quản lý tài sản, tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án về tội tham ô tài sản vẫn còn quan điểm xử lý khác nhau, trong đó việc đánh giá chủ thể sở hữu hoặc quản lý tài sản.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS 2015 về tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Khách thể loại của tội tham ô tài sản là những quan hệ được luật hình sự bảo vệ, bảo đảm sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức và uy tín của các cơ quan, tổ chức đó. Ngoài ra, khách thể của loại tội này cũng có thể là quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là những hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật hoặc điều lệ quy định, những hoạt động này nhằm thực hiện chức năng và mục đích đề ra. Tuy nhiên, đối với việc xác định thế nào là cơ quan tổ chức để xử lý đúng tội danh là vấn đề quan trọng mà trong thực tiễn vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Ví dụ: Nguyễn Văn A là nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn của Cửa hàng viễn thông M (hộ kinh doanh cá thể) do anh Trần Văn H làm chủ, trách nhiệm của A là thu tiền của khách hàng sau đó nộp về cho anh H. Ngày 23/5/2024 Nguyễn Văn A đã thu của khách hàng số tiền 20 triệu đồng, sau đó A bỏ về quê không quay trở lại làm việc và A có nhắn tin nói với anh H trừ số tiền 20 triệu đồng do anh H đang nợ lương A 02 tháng nhưng anh H không đồng ý. Sau đó anh H báo cáo sự việc lên Cơ quan Công an, liên quan đến hành vi của Nguyễn Văn A hiện nay tồn tại hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Nguyễn Văn A phạm tội tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 353 BLHS 2015 bởi vì quan hệ giữa A và H là quan hệ lao động, dựa trên hợp đồng lao động với thỏa thuận A sẽ bán hàng, thu tiền bán hàng và quản lý số tiền thu được, sau đó nộp lại cho H.
- Việc H giao cho A quản lý tiền hàng căn cứ vào hợp đồng lao động mà không chỉ dựa vào sự tin tưởng với A như ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
- Hành vi của A thỏa mãn cấu thành tội tham ô tài sản, cụ thể: Tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 02 triệu đồng trở lên (Điều 353).
+ Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ (khoản 2 Điều 352), bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước (khoản 6 Điều 353).
+ Người có chức vụ, quyền hạn phải là người có trách nhiệm quản lý tài sản và sử dụng quyền hạn được giao quản lý tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt Trong vụ án này, số tiền A chiếm đoạt là từ tiền bán hàng mà A được giao quản lý vì vậy dù A cho rằng để trừ số tiền nợ lương và tiền lương 02 tháng của mình, song đây là số tiền thuộc trách nhiệm quản lý của A theo Hợp đồng lao động ký với H nên hành vi của A phạm tội “tham ô tài sản” và trường hợp này hoàn toàn phù hợp với hướng dẫn tại Mục 5 Phần I Công văn số 196/TANDTC-PC ngày 03/10/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử “Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho Công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho Công ty. Hành vi của bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay tội “Tham ô tài sản”?
Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Nguyễn Văn A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chúng tôi đồng tình với quan điểm này.
Nghiên cứu tình huống nêu trên và các quy định của pháp luật có thể nhận thấy như sau:
Trong tình huống nêu trên hành vi của A hoàn toàn thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội tham ô tài sản theo quy định tại Điều 353 BLHS 2015 và hướng dẫn tại Mục 5 Phần I Công văn số 196/TANDTC-PC, tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là chủ thể sở hữu hoặc quản lý tài sản mà A chiếm đoạt trong vụ án này có thuộc đối tượng điều chỉnh của tội tham ô tài sản hay không? (Anh Trần Văn H chủ sở hữu hoặc quản lý tài sản mà A chiếm đoạt là hộ kinh doanh cá thể).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 352 BLHS 2015 thì các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức mặc dù điều luật quy định cụ thể nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là cơ quan, tổ chức?
Theo chúng tôi cơ quan, tổ chức theo quy định tại khoản 1 Điều 352 phải được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân theo quy định tại Điều 74 BLDS 2015, có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ và hộ kinh doanh cá thể không có tư cách pháp nhân và không có cơ cấu, tổ chức. Trong BLHS 1999 thì tội tham ô tài sản chỉ áp dụng đối với tài sản do Nhà nước quản lý nhưng tội tham ô tài sản trong BLHS 2015 đã mở rộng áp dụng với cả khu vực tư nhân.
Xét về mặt bản chất hành vi tham ô tài sản là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt là sản của cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc pháp nhân tức là những cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc pháp nhân, có cơ cấu tổ chức, chặt chẽ và tài sản của các chủ thể này được sử dụng để duy trì hoạt động đúng đắn hoặc sinh lợi bảo đảm quyền, lợi ích cho nhiều người nếu tài sản đó bị mất thì hậu quả gây ra rất lớn, vì vậy pháp luật quy định có sự phân biệt giữa tính chất hành vi chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức bị xử lý nghiêm hơn so với hành vi chiếm đoạt tài sản của hộ kinh doanh cá thể, cá nhân. Đồng thời, nghiên cứu quy định tại Mục 5 Phần I Công văn số 196/TANDTC-PC có thể nhận thấy “Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho Công ty” tức là Công ty trong Công văn số 196/TANDTC-PC có tư cách pháp nhân theo Điều 74 BLDS 2015. Trong tình huống nêu trên Nguyễn Văn A là nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn chiếm đoạt tài sản của Cửa hàng viễn thông M (hộ kinh doanh cá thể) không có tư cách pháp nhân.
Từ những phân tích nêu trên tác giả kiến nghị như sau: Hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức trong tội tham ô tài sản là cơ quan, tổ chức của Nhà nước và pháp nhân theo quy định của BLDS còn hành vi chiếm đoạt tài sản của các chủ thể khác gồm hộ kinh doanh cá thể, cá nhân không phạm tội tham ô tài sản.
Như vậy, còn có nhiều quan điểm và cách xử lý khác nhau về xác định hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức cụ thể gồm những đối tượng nào theo khoản 1 Điều 352 BLHS 2015 rất cần văn bản hướng dẫn thi hành để trong thực tiễn áp dụng được thống nhất.
Tòa án Quân sự Thủ đô xét xử cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về tội “Tham ô tài sản” - Ảnh: Xuân Tùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận