Báo chí cần đảm bảo tính chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Ngày 24/12, tại TP Hồ Chí Minh Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 700 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; đại diện lãnh đạo thường trực tỉnh ủy, thành ủy, ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, sở thông tin và truyền thông, hội nhà báo các tỉnh, thành phố; các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương...
Công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng
Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trong bối cảnh năm 2022, bám sát sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình thực tiễn đất nước, công tác báo chí đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, thông tin trên báo chí thể hiện rõ nét hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII; các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương lần thứ 5 và 6; các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng trong cả nước; các kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ, Quốc hội…
Thông tin, tuyên truyền đậm nét, có chiều sâu những chỉ đạo, điều hành của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, thực thi pháp luật; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, có chiều sâu.
Hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động
Bên cạnh đó, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan hội tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành và chủ động ban hành các văn bản nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, phát triển, đồng thời có những quy định về xử lý nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí. Công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh hoạt động báo chí tiếp tục được tiến hành một cách bài bản, quyết liệt, giữ kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động báo chí.
Năm 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 lượt cơ quan báo chí với tổng số tiền phạt hơn 1,873 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép trong thời hạn 03 tháng đối với 02 cơ quan báo chí, thu hồi thẻ nhà báo đối với 01 tổng biên tập báo. Những giải pháp trên đang tạo ra sự chuyển biến rất cơ bản và tích cực trong hoạt động báo chí…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp để báo chí phát huy tốt nhất vai trò, sứ mệnh của mình trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 (1925 - 2025). Trong đó, việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến, tiếp tục được coi là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các cơ quan báo chí.
6 nhiệm vụ
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả báo chí đã đạt được trong thời gian qua. Với mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo, để báo chí xứng đáng với vai trò, sứ mệnh vẻ vang của mình, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt mà báo chí cần phải quán triệt và vận dụng, đó là tính nhân văn, tính hiện đại được xác định rõ trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và trong các hội nghị của Trung ương.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí cần phải làm tốt hơn nữa công tác định hướng tư tưởng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp tuyên truyền trong thời gian tới. Sứ mệnh của báo chí là đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và phải đảm bảo tính nhân văn; báo chí phải khơi dậy lòng yêu nước, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Cùng với việc thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, báo chí cần tiếp tục thể hiện tốt vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng tiên phong trong nhiệm vụ tuyên truyền thông tin, đối ngoại.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu báo chí phải làm tốt 6 nhiệm vụ:
Thứ nhất, thực hiện thật tốt Đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam. Đề án này không phải là một đề án kỷ niệm ngày truyền thống thông thường mà phải mang tính chiến đấu, hướng tới xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn hơn, phải có tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, mặc dù chúng ta đã làm tốt, tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn cho nên cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch quản lý phát triển báo chí, xuất bản, làm sao đúng thực tiễn, có đặc thù và tổng kết 5 năm thực hiện.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Chủ trương thì có rồi, có sự động thuận cao của các cơ quan, ban ngành và địa phương và sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thứ tư, về nguồn lực phát triển báo chí. Có 3 nguồn lực: Con người, đầu tư và tài chính ngân sách. Tuy nhiên nguồn lực con người là quan trọng nhất. Do đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và xây dựng mô hình về con người báo chí cần phải đặt ra.
Thứ năm, vấn đề xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí. Nơi nào có tổ chức đảng cần làm cho tốt, một số cơ quan báo chí chưa có thì trách nhiệm là của tổng biên tập, của đảng viên và đội ngũ phóng viên ở cơ quan báo chí đó, tinh thần chung là phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thứ sáu, đồng hành với mục tiêu chung đó là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và tự lực tự cường của nhân dân. Để làm được việc này phải thông qua giáo dục, do đó trách nhiệm của báo chí là rất quan trọng, hướng người dân làm theo. Đồng thời phải đồng hành với an sinh xã hội, đây là lợi thế của báo chí. Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã làm tốt, tuy nhiên cần làm tốt hơn.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận - Ảnh: Mạnh Hùng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận