Bình luận Dự thảo Án lệ hình sự 2019
TANDTC đang lấy ý kiến về Dự thảo án lệ năm 2019, tác giả bình luận, đóng góp ý kiến về 5 dự thảo án lệ trong lĩnh vực hình sự.
Dự thảo Án lệ số 01
Giải pháp của dự thảo án lệ số 01 là nếu dùng tài sản chung để thực hiện hành vi phạm pháp mà một bên vợ hoặc chồng không biết thì kê biên ½ giá trị tài sản. Giải pháp này đúng trong tình huống của vụ án đã giải quyết nhưng có thể không đúng trong mọi trường hợp. Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình thì việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc phải có ý kiến của vợ và chồng. Đặc biệt là những loại tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký hoặc tài sản tạo ra nguồn thu nhập chính của gia đình thì nếu không có sự đồng ý của một trong hai bên vợ hoặc chồng thì xem như hợp đồng vô hiệu. Như vậy, nếu dùng tài sản tạo ra nguồn thu nhập chính của gia đình để phạm tội mà kê biên thì rõ ràng không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình người phạm tội. Trong một số trường hợp không phù hợp với nguyên tắc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Như vậy, dự thảo chưa đáp ứng được tiêu chí “thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể” quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP.
Dự thảo Án lệ số 02
Giải pháp của án lệ số 02 là bị cáo có hành vi trộm cắp tài sản, sau đó lại có hành vi dùng thủ đoạn gian dối với bị hại để bị hại chuộc lại tài sản đó thì chỉ bị xử lý về tội trộm cắp tài sản mà không xử lý hành vi lừa đảo.
Trên thực tế, dạng hành vi này diễn ra rất nhiều nên việc đưa ra một án lệ để xử lý tình huống này là rất cần thiết, có tính chuẩn mực trong xét xử. Tính hợp lý của dự thảo án lệ số 02 là cùng một đối tượng bị thiệt hại chỉ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo tương ứng với phần thiệt hại đó. Hành vi trộm cắp dẫn đến thiệt hại là chiếc xe mô tô, nhưng việc hoàn trả chiếc xe mô tô để nhận lại một số tiền rõ ràng là không tạo ra một thiệt hại mới mà thậm chí còn làm giảm bớt thiệt hại của hành vi trộm cắp. Không thể lấy một hành vi không gây ra thiệt hại (hành vi gian dối) để xác định trách nhiệm hình sự, điều đó trái ngược hoàn toàn với các lý luận thông thường về cấu thành tội phạm. Do vậy, giải pháp của dự thảo án lệ số 02 là rất phù hợp.
Dự thảo Án lệ số 03
Dự thảo của án lệ số 03 có phần giống với dự thảo án lệ số 01 là đều liên quan đến xử lý vật chứng trong vụ án hình sự. Chỉ khác là dự thảo số 01 thì công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là tài sản chung của vợ chồng, còn dự thảo số 03 là tài sản đang thế chấp ở ngân hàng. Do vậy, giải pháp của án lệ là vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận thế chấp tài sản và vừa đảm bảo truy trách nhiệm của người phạm tội. Tôi thống nhất cao với giải pháp của dự thảo án lệ số 03 bởi lẽ:
– Ưu tiên giải quyết quyền lợi của bên nhận thế chấp tài sản vì họ hoàn toàn không có lỗi trong việc để cho bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, không thể buộc họ gánh chịu thiệt hại vì ý thức chủ quan của người đi thế chấp.
– Nêu rõ được phương thức xử lý tài sản. Nếu giao trả cho ngân hàng hoặc giao trả cho bị cáo để xử lý thì rất khó đảm bảo được tính khách quan trong việc xử lý tài sản. Do vậy, giải pháp giao cho người thức ba, ở đây là Cơ quan thi hành án dân sự, là phù hợp nhất. Vừa giải quyết được quyền lợi của Ngân hàng, vừa tránh được thất thoát nguồn tài sản buộc tịch thu, xung công.
Dự thảo án lệ số 03 đáp ứng được tiêu chí rõ ràng, chuẩn mực và có giá trị áp dụng thống nhất pháp luật.
Dự thảo án lệ số 04
Giải pháp mà dự thảo án lệ số 04 nêu ra đối với tình huống bị hại là Cảnh sát giao thông ra hiệu lệnh cho bị cáo dừng xe để kiểm tra, bị cáo không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của bị hại mà điều khiển xe bỏ chạy để trốn tránh việc xử lý vi phạm dẫn đến va chạm vào người bị hại, làm bị hại chết nên phải xử lý hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Về nội dung vụ án: “Anh M chạy bộ đuổi theo, khi đến ngang cabin thì anh M cầm đèn pin nhảy lên đánh vỡ kính chiếu hậu bên trái yêu cầu T dừng xe lại, lúc này T đánh lái về bên trái để cho xe đi thẳng vào làn đường số 10, thì phần hông bên trái xe va chạm vào người anh M, làm anh M ngã xuống đường bị bánh sau bên trái xe của T cán qua tử vong tại chỗ.” (trích trang 2 dự thảo án lệ số 04).
Vào thời điểm xảy ra vụ việc là hơn 19 giờ 15 phút, điều kiện ánh sáng hạn chế. Bị cáo T biết M đang ở phía bên trái xe nhưng vẫn đánh lái về phía bên trái để bỏ chạy. Với hoàn cảnh đó, bị cáo T phải biết rõ hành vi của mình là có thể gây ra hậu quả chết người nhưng bị cáo T vẫn thực hiện bất chấp hậu quả xảy ra. Hành vi đó đã vượt ra khỏi giới hạn lỗi của tội vi phạm quy định về điều kiện phương tiện giao thông đường bộ, vốn dĩ là lỗi vô ý. Ở đây, hành vi đánh lái về phía bên trái khi đang có người đứng sát cabin xe thì hậu quả xảy ra là rất hiện hữu. Hành vi đó được chuẩn bị bằng một kế hoạch là bị cáo T xuống cửa bên trái trong khi xe vẫn còn hoạt động để đi sang cửa bên phải nhằm đánh lạc hướng anh M. Bị cáo T có đủ thời gian để chuẩn bị kế hoạch nên đương nhiên phải có đủ nhận thức việc làm của mình có thể dẫn đến hậu quả ngay tức khắc nhưng T vẫn bỏ mặc cho nó xảy ra thì đó phải không phải là lỗi vô ý mà phải là lỗi cố ý. Mà nếu đã là lỗi cố ý thì không thể là vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Do vậy, giải pháp mà dự thảo án lệ số 04 đưa ra chưa đảm bảo tiêu chí chuẩn mực trong việc lựa chọn án lệ theo khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP.
Dự thảo án lệ số 05
Dự thảo án lệ số 05 nêu ra giải pháp là xử lý tội giết người đối với trường hợp sau khi gây ra tai nạn giao thông với bị hại, người lái xe tiếp tục điều khiển xe chèn (cán) qua bị hại thêm một lần nữa.
Xem xét toàn bộ bản án phúc thẩm số 280/2019/HSPT ngày 16/5/2019 có thể thấy rằng: Mấu chốt của vụ án này là việc chứng minh lỗi của bị cáo. Bị cáo cho rằng việc tiếp tục chèn xe lên người bị hại là do lỗi vô ý nhưng Hội đồng xét xử đều nhận định có căn cứ cho rằng bị cáo có lỗi cố ý. Như vậy, bản chất của vụ án là việc xem xét và đánh giá chứng cứ để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo với hậu quả xảy ra. Nếu lỗi cố ý thì đương nhiên phải là tội giết người, bằng ngược lại nếu lỗi vô ý thì phải xác định là tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Do vậy, dự thảo án lệ số 05 không tạo ra được một giá trị mới, có hay không có án lệ này thì thực tiễn vẫn xét xử tội danh giết người đối với trường hợp bị cáo cố ý dùng xe chèn qua bị hại đã bị bị cáo gây tai nạn trước đó.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
3 Bình luận
Bình_ĐT_BP
00:26 21/11.2024Trả lời
Bình_ĐT_BP
00:26 21/11.2024Trả lời
Bình_ĐT_BP
00:26 21/11.2024Trả lời