Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Coi biện pháp xử thật nặng để có tính răn đe với các cháu là sai lầm

Thảo luận tại tổ sáng 8/6 về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với tính cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên với các nguyên tắc, quan điểm TANDTC nêu trong Tờ trình.

Đề cao tính nhân văn

Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhiều ý kiến cũng nhất trí với đề xuất của Ủy ban Tư pháp tại Báo cáo thẩm tra về việc cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật; đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhấn mạnh, Luật Tư pháp người chưa thành niên là một đạo luật chuyên biệt, cho nên chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cần thể hiện rõ, cụ thể bằng việc thể chế hóa trong dự án luật này". Theo Báo cáo của TANDTC, qua nghiên cứu hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới, thì có đến 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, chỉ có 7 quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa xây dựng đạo luật riêng về vấn đề này.

Ở cấp độ khu vực, hiện nay 9/10 quốc gia ASEAN đã có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Đặc biệt, kết luận của Ủy ban quyền trẻ em Liên Hợp Quốc về báo cáo thực hiện Công ước quyền trẻ em lần thứ 5 và 6 của Việt Nam mới được thông qua ngày 19/9/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ đã khuyến nghị Việt Nam “cân nhắc xây dựng và ban hành một đạo luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên nhằm tạo khung khổ pháp lý cho hệ thống tư pháp người chưa thành niên”.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao, như quan điểm, mục đích xử lý cần chuyển từ thiên về trừng phạt sang thiên về giáo dục, cảm hóa; chuyển từ việc áp dụng và thi hành các chế tài thiên về cách ly khỏi xã hội (giam giữ tại các trại cải tạo) sang áp dụng nhiều hơn các chế tài giáo dục tại cộng đồng, trong xã hội; tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục, cải tạo nhằm tăng tính tự giác, tự nguyện thay cho các biện pháp giáo dục, cải tạo có tính cưỡng bức.

"Mục đích của việc làm đó là để người chưa thành niên phạm tội tự giác, tự nguyện nhận thức được sai trái của hành vi để tiến bộ hơn. Dự thảo Luật cần làm tốt yêu cầu đó để bảo đảm khả thi, hiệu quả nhằm hướng tới giảm tỷ lệ tái phạm của người chưa thành niên, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, xã hội và gia đình; đề cao vai trò hòa giải của cộng đồng; phục hồi nhân cách của con người một cách hòa bình, hạn chế những biện pháp trừng phạt; đề cao tính nhân văn", đại biểu nhấn mạnh.

 

Đại biểu Trần Văn Tuấn

Đại biểu Trần Văn Tuấn  (Bắc Giang) đánh giá, đây là quy định cần thiết và tiến bộ, có thể khắc phục những bất cập của quy định hiện hành. Quy định hiện nay chưa phù hợp với độ tuổi, đặc điểm của người chưa thành niên phạm tội. Một số hình phạt chưa có sự phân hóa giữa người chưa thành niên  và người trưởng thành; mức hình phạt tù áp dụng với người chưa thành niên còn quá nghiêm khắc… Đặc biệt, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý và nhân văn.

Đại biểu cũng đánh giá cao nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới được bổ sung như: hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình... sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên.

Biện pháp xử lý chuyển hướng

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) dẫn Điều 37 dự thảo Luật quy định: "Người chưa thành niên thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS thì có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng: 

1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của BLHS, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 38 của Luật này; 

2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý, phạm tội nghiêm trọng hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của BLHS, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 38 của Luật này; 

3. Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án."

Đối chiếu các quy định trên với Điều 29 và khoản 2, Điều 91 BLHS năm 2015, , đại biểu cho rằng, "về tổng quan, dự thảo Luật đã nới rộng phạm vi áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội. Quy định như dự thảo Luật đã "phi tội phạm hóa rất nhiều đối với người chưa thành niên phạm tội. Nói cách khác, chúng ta chuyển hướng một số lớn các hành vi của người chưa thành niên quy định trong BLHS là tội phạm trở thành không còn là tội phạm". 

Phân tích về hình thức xử phạt, điều kiện áp dụng, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhận định, quy định về hình phạt còn chưa thống nhất, điều kiện áp dụng mang tính tùy nghi.

"Việc chồng chéo về quy định khi cả hai văn bản cùng điều chỉnh một hành vi của một chủ thể sẽ dẫn đến lúng túng, bất cập trong việc truy tố, xét xử. Nếu áp dụng BLHS thì đề cao tính răn đe, nghiêm khắc còn nếu áp dụng Luật Tư pháp người chưa thành niên thì lại nới lỏng, chưa thích đáng đối với hành vi phạm tội". 

Do đó, đại biểu đề nghị, cần xây dựng thêm trong dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên các quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng; đồng thời, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng; xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp người chưa thành niên được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm. 

Về việc mở rộng quy định các trường hợp người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng BLHS hiện hành có quy định 3 biện pháp xử lý chuyển hướng gồm: Khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã phường thị trấn.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

“Khi chúng ta bấm nút thông qua BLHS năm 2015, Quốc hội và cử tri vui mừng vì lần đầu tiên trong lĩnh vực tư pháp hình sự, các em được xử lý bằng 3 biện pháp chuyển hướng này. Tuy nhiên, tổng kết 6 năm thi hành BLHS, chỉ có 35 cháu là người chưa thành niên được áp dụng biện pháp này. Nó không như kỳ vọng của chúng ta ban đầu. Như vậy, mỗi năm chưa được 6 trường hợp, trong khi đó, đối với người chưa thành niên, chúng ta luôn muốn nhân văn, thân thiện hơn để có tính hướng thiện giúp các cháu sửa chữa sai lầm”- Đại biểu phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng tán thành với cơ quan soạn thảo, về việc ban hành luật với trọng tâm là quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng với người chưa thành niên . Trong đó, có 11 biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng để giám sát và 1 biện pháp xử lý  tại trường giáo dưỡng.

Phó Chủ nhiệm UBTP Quốc hội Nguyễn Thị Thủy chốt lại: “Tôi tán thành vì đây là biện pháp rất tiến bộ, để khắc phục thực trạng 6 năm thi hành BLHS chỉ có 35 trường hợp được áp dụng biện pháp chuyển hướng. Điều này không xứng đáng với kỳ vọng của đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua. Lần này, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên tập trung sửa quy định về biện pháp chuyển hướng là chính đáng. Tôi tán thành 12 biện pháp, tán thành việc mở rộng các trường hợp được hưởng biện pháp xử lý chuyển hướng”.

Tỉ lệ tái phạm giảm khoảng 85%

Phát biểu tại tổ, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Tại Công ước này có khuyến cáo các quốc gia thành viên phải có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên độc lập.

Với ASEAN có 10 nước thì hiện nay chỉ còn 2 nước chưa có Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại tổ

Ở nhiều quốc gia, nhưng họ nhận thấy việc lấy hình phạt cho người lớn, quy trình tố tụng cho người lớn điều chỉnh một chút áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả. Chánh án dẫn chứng có thể ở lớp các cháu đánh nhau dẫn đến gãy chân, gãy tay hay như đua xe, gây rối trật tự, vào siêu thị lấy cái nọ, cái kia ăn mà không ý thức được việc mình đang phạm tội. "Kiến thức pháp luật không có nên khi phạm tội đối mặt với hệ thống tư pháp của chúng ta nặng nề như vậy, các cháu dễ bị tổn thương. Nên đặt ra câu chuyện phải có luật độc lập", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Một số cơ quan băn khoăn là chúng ta nhân văn quá với các cháu, có phải thả tội phạm ra đường không? Nghiên cứu của nhiều người cho thấy nếu cho các cháu phạm tội ăn cắp, đánh nhau vào trại luôn sẽ gây tâm lý rất nặng nề, phần đời còn lại rất khó khăn. Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở lên chai sạn với hình phạt phạm tội. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa.

Trong khi đó, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng với tinh thần cứu các cháu ra khỏi nhà tù thì tỉ lệ tái phạm giảm khoảng 85%. Ngoài ra, Chánh án cũng lưu ý, các cháu không được giam giữ như người lớn, phải có trại giam riêng. Bởi thực tế, trại giam toàn là tội phạm, đôi khi có tội phạm chuyên nghiệp. Vậy nên có khi vào trại giam lại khiến đứa trẻ đó thành trở nên chuyên nghiệp hơn...

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: "Nhà tù không bao giờ được coi là môi trường giáo dục tốt cả. Con cháu chúng ta đưa vào trường chuyên, lớp chọn. Nhưng nếu các cháu hơi có lỗi gì đấy sử dụng biện pháp nhà tù thì không đúng. Coi biện pháp xử thật nặng để có tính răn đe với các cháu là sai lầm", ông Bình nhìn nhận.

Chánh án cho biết, dự luật được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc. Trong đó, rất nhiều yêu cầu tiến bộ trong luật này, vừa nghiêm khắc để bảo đảm an toàn trật tự xã hội. Nỗ lực của dự luật là bằng mọi cách cứu các cháu ra khỏi trại giam. Đồng thời, thực hiện xử lý chuyển hướng, cảnh cáo, xin lỗi, đi học tập gì đó… hạn chế mức tối đa các cháu phải vào trại.

"Thế giới đã chứng minh và chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đừng hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều, tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai", Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá.

 

Trước đó, chiều 6/6, Chủ nhiệm UBTP Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên đã nhấn mạnh: "UBTP đánh giá cao kết quả của TANDTC rà soát các cam kết, quy tắc quốc tế và nghiên cứu tổng quan pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về tư pháp NCTN. Trên cơ sở đó, các quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên".

CAO THANH LOAN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thanh Mẫn dự họp tại tổ 13 - Ảnh: TL