Công ty Than Dương Huy – TKV Nhiều giải pháp thu hút lao động nghề mỏ hầm lò

Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh, đào tạo công nhân kỹ thuật nghề mỏ hầm lò tiếp tục đứng trước những khó khăn và thách thức do phải cạnh tranh gay gắt với nhiều ngành nghề khác. Cùng với những giải pháp đồng bộ và bền vững trong phát triển sản xuất kinh doanh đi đôi với chăm lo đời sống người lao động, Công ty Than Dương Huy – TKV cũng thực hiện nhiều giải pháp về công tác tuyên truyền phục vụ tuyển sinh nghề mỏ hầm lò.

Hiện nay, Công ty Than Dương Duy – TKV đang có hơn 562 công nhân là người dân tộc thiểu số đang làm việc, hầu hết đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó từ tỉnh Điện Biên khoảng 80 người. Từ năm 2021 đến nay, Công ty cũng đã phối hợp với Trường Cao đẳng Than – Khoáng sản Việt Nam trong đào tạo và bồi dưỡng công nhân mỏ hầm lò. Song song với đó, ban lãnh đạo công ty cũng tiếp đón và làm việc với nhiều Đoàn công tác đến từ các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang… đến tham quan, phục vụ công tác tuyên truyền về chế độ làm việc, chính sách đãi ngộ phục vụ công tác tuyển sinh công nhân của Công ty.

 

A group of men in helmets looking at a paper

Description automatically generated

    Trao đổi kinh nghiệm ở Tổ sản xuất đặc thù – Công ty than Dương Huy - TKV

Năm 2023, Công ty Than Dương Huy cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đã triển khai thành công mô hình Tổ sản xuất đặc thù 100% công nhân là người dân tộc thiểu số. Với xu hướng ngày càng tăng của công nhân người dân tộc thiểu số và từ hiệu quả của Tổ sản xuất đặc thù, Công ty sẽ tiếp tục triển khai các Phân xưởng đặc thù trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho lao động là người dân tộc thiểu số.

          Từ những giải pháp đó, năm 2023, chỉ tính đến hết tháng 9, Công ty Than Dương Huy đã tuyển được 435 công nhân nghề lò, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Với mục tiêu xây dựng môi trường sản xuất an toàn hiệu quả, tạo điều kiện khuyến khích người lao động phát huy tối đa tính tự chủ, tích cực rèn luyện nâng cao năng lực làm việc, ngày càng yêu nghề và gắn bó lâu dài với công ty, Về phía Công ty đã tạo điều kiện thuận lợi vật chất, thiết bị, diện sản xuất… qua đó nâng cao tay nghề, năng suất, thu nhập cho anh em. Tuy nhiên, trình độ bậc thợ còn thấp, chủ yếu bậc 2 và bậc 3. Do đó, để tiến tới đảm nhận được các gương thi công có điều kiện khó hơn, vận hành đa dạng thiết bị bốc xúc, vận tải, Công ty cần mở các lớp huấn luyện nâng cao tay nghề, bậc thợ; lớp vận hành máy xúc, máy đào lò.

Anh Vừ A Vàng, Lò trưởng Ca sản xuất đặc thù của Phân xưởng Đào lò 2, Công ty Than Dương Huy – TKV cho biết: Mô hình “đặc thù” vì chúng tôi là ca sản xuất đầu tiên trong ngành than gồm toàn công nhân người dân tộc thiểu số, ca làm việc của chúng tôi có 30 người, nhưng là 10 dân tộc khác nhau. Sau 3 tháng thực hiện mô hình này đến nay chúng tôi đã dần quen với nề nếp công việc từ giao ca cắt việc tới bố trí mỗi thành viên ở một vị trí sao cho công việc được thuận lợi, năng suất, anh em đều có thu nhập cao.

Môi trường làm việc tại các đường lò trong lòng đất rất vất vả, cần sự tập trung cao độ, không chỉ đòi hỏi sức khoẻ tốt mà còn phải không ngừng luyện rèn tay nghề, nhạy bén trong công việc, tìm ra phương pháp thi công hợp lý để đẩy nhanh tốc độ đào lò, giảm chi phí đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho đơn vị. Mỗi công nhân lao động ngoài công việc chính của mình, các anh cũng thường xuyên được Công ty cho đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ về an toàn, nâng cao trình độ chuyên môn để vận hành các loại máy móc thiết bị hiện đại nhất hiện đang áp dụng trong đào lò và khai thác than. Từ mô hình Tổ sản xuất đặc thù, anh em công nhân người DTTS cũng nhận thức được trách nhiệm của mình lớn hơn, nhờ đó mà nâng cao tính tự chủ, tác phong công nghiệp, tích cực rèn luyện nâng cao năng lực, đặc biệt là thêm gắn bó với nghề, với đơn vị.

 

Theo đánh giá của Công ty Than Dương Huy, sau hơn 4 tháng đưa các tổ sản xuất đặc thù vào hoạt động, công tác an toàn và kỹ thuật cơ bản được đảm bảo; khí thế thi đua lao động sản xuất của các tổ được đẩy cao hơn. Các tổ không để xảy ra tai nạn lao động và sự cố về người và thiết bị. Công nhân trong tổ có ngày công bình quân đạt cao. Thu nhập bình quân đạt 1.100.000 đồng/người/công. Năng suất lao động đạt 120-140% so với năng suất giao khoán. Từ hiệu quả giai đoạn 1, mô hình này sẽ tiếp tục được Công ty Than Dương Huy nhân rộng thành ca sản xuất đặc thù và Phân xưởng sản xuất đặc thù 100% công nhân là người dân tộc thiểu số.

Ông Đào Trung Huy, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Công ty Than Dương Huy, cho biết: Ngay sau khi thành lập các tổ sản xuất đặc thù tại Phân xưởng Đào lò 2 và Đào lò 5, Công ty đã giao nhiệm vụ cho các phòng, phân xưởng hỗ trợ tạo điều kiện, động viên khuyến khích công nhân lao động là đồng bào dân tộc thiểu số phát huy năng lực trong lao động sản xuất nhằm tăng năng suất và thu nhập. Không những vậy, thông qua mô hình này, đơn vị còn đào tạo được nhiều cán bộ quản lý, điều hành chỉ huy sản xuất là người dân tộc thiểu số tại Công ty.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả giai đoạn 2 theo đúng lộ trình, Công ty sẽ mở thêm các lớp huấn luyện vận hành thiết bị để người lao động trong tổ đặc thù được tiếp cận công nghệ mới và quản lý sử dụng thành thạo thiết bị hiện đại; tăng cường công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực và đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động cho tổ đặc thù.

Mô hình tổ sản xuất đặc thù ở Than Dương Huy bước đầu triển khai thí điểm được Tập đoàn đánh giá cao, dự kiến sau khi triển khai thành công sẽ nhân rộng ra các đơn vị trong Tập đoàn.

 

A group of people sitting together

Description automatically generated

Thu nhập ổn định, nhiều công nhân người DTTS đã lựa chọn gắn bó với Công ty than Dương Huy – TKV.

QC