Dưới 50% đại biểu Quốc hội tán thành quy định cho phạm nhân lao động ngoài trại giam

Ngày 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử đối với nội dung về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân và tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam trong dự thảo Luật Thi hánh án hình sự (sửa đổi).

Như đã phản ánh, ngày 22/5 vừa qua, Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về các nội dung dự án Luật này.

Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân

Theo đó, về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân được quy định tại Điều 27 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị quy định: phạm nhân chỉ được hưởng các quyền trong Luật Thi hành án hình sự. Quy định này có ưu điểm là bảo đảm tính cụ thể, minh bạch của pháp luật, thể hiện rõ phạm vi áp dụng (chỉ những quyền được quy định trong Luật Thi hành án hình sự thì phạm nhân mới được hưởng) và bảo đảm thực hiện thống nhất.

Tuy nhiên, hạn chế của quy định này là không bao quát hết các quyền mà phạm nhân được hưởng quy định trong các luật chuyên ngành khác. Ngoài các quyền liên quan trực tiếp đến chế độ chấp hành án như ăn, mặc, ở, thăm gặp, lao động, học tập, thì phạm nhân còn có rất nhiều quyền khác quy định trong các luật chuyên ngành mà không thể liệt kê hết được, như quyền được xét đặc xá theo Luật Đặc xá; quyền được xem xét, giải quyết chế độ trong trường hợp tai nạn lao động… Nên thực tiễn khi phát sinh các trường hợp phải cho phạm nhân được hưởng các quyền này thì không có căn cứ pháp lý để giải quyết.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định: Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ. Ưu điểm của quy định này là bao quát đầy đủ các quyền phạm nhân được hưởng theo quy định của Luật này và các luật liên quan, bảo đảm tính khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện. Trường hợp điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện giam giữ được cải thiện thì các quyền của phạm nhân sẽ được mở rộng từng bước mà không bị giới hạn bởi Luật, không dẫn tới việc phải sửa Luật mới thực hiện được. Tuy nhiên, nhược điểm của quy định này là thiếu cụ thể, có thể khó khăn cho thực tiễn thi hành.

Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm riêng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án như sau:

Phương án 1: Quy định “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật này”.

Phương án 2: Quy định “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi các luật có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại cơ sở giam giữ”.

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử, đã có 269/410 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với phương án 1 (chiếm 55,58% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 119/410 đại biểu tham gia biểu quyết không tán thành với phương án 1 (chiếm 24,59% tổng số đại biểu Quốc hội). Kết quả lấy ý kiến đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân theo phương án 1 trong dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Phạm nhân lao động ngoài trại giam

Điều 33 dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) có quy định: “3. Trại giam có thể phối hợp với doanh nghiệp, cá nhân hoặc tổ chức để tổ chức cho phạm nhân lao động nhưng phải bảo đảm chế độ giam giữ, các chế độ, chính sách đối với phạm nhân theo quy định của Luật này và thực hiện theo các quy định tại Điều 32 của Luật này. Trại giam chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh, trật tự và giám sát việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam.

Không sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước trong việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam; không tổ chức khu sản xuất, điểm lao động trong khu vực dân cư và tại những địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự hoặc có thể ảnh hưởng xấu tới công tác quản lý phạm nhân.”

Qua thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc dự thảo Luật bổ sung quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động và có thể tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đồng thời cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. Ủng hộ quy định như dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp phân tích, việc tổ chức lao động không chỉ cải tạo mà còn rất cần thiết cho mục tiêu phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau này. Bởi người đi tù nhiều năm, khi mãn hạn tù ra xã hội khó tìm việc, mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm cao.

Một số ý kiến khác lại cho rằng, việc tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ phạm nhân trốn. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ – Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh nói: “Bộ luật Hình sự quy định buộc phạm nhân phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một thời hạn nhất định. Doanh nghiệp không phải là cơ sở giam giữ nên thiết kế lao động ngoài trại là vượt quá quy định của Bộ luật Hình sự. Quy định ở đây là cơ chế thi hành những quy định của Bộ luật Hình sự nên cần thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật”.

Biểu quyết bằng hệ thống điện tử đối với quy định cho phép trại giam phối hợp với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để tổ chức cho phạm nhân lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam, đã có 234/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 48,35% tổng số đại biểu Quốc hội) và có 180/424 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết không tán thành với quy định này (chiếm 37,19% tổng số đại biểu Quốc hội). Kết quả biểu quyết cho thấy quy định này chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

THÁI VŨ