Giải quyết quyền lợi của người lao động trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội
Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, đáp ứng được đòi hỏi, yêu cầu tất yếu của xã hội và phù hợp với pháp luật quốc tế, trong đó, việc ghi nhận thêm chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại được xem là một bước đột phá trong tiến trình lập pháp ở nước ta, tuy nhiên những quy định này chưa chặt chẽ.
Thực tiễn xét xử cho thấy, kể từ khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành đến nay vẫn chưa có một pháp nhân thương mại nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đánh giá nguyên nhân của thực trạng này không thể không nhắc đến sự chưa chặt chẽ, toàn diện trong các quy định của pháp luật, trong đó phải kể đến các quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Điều 33 BLHS 2015 quy định như sau:
“Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Hình phạt chính bao gồm: a) Phạt tiền; b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; c) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Hình phạt bổ sung bao gồm: a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; b) Cấm huy động vốn; c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Đối với mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung.”
Như vậy, khác với các hình phạt được áp dụng đối với thể nhân, các hình phạt áp dụng đối với các pháp nhân thương mại được quy định đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn và đảm bảo phát huy được hiệu quả trong thực tiễn áp dụng. Một pháp nhân thương mại phạm một tội nào đó được quy định trong BLHS 2015 thì chỉ bị áp dụng một hình phạt chính, nhưng có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung. Các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định chi tiết tại các điều từ Điều 77 đến Điều 81 BLHS 2015.
Một trong những đặc điểm nổi bật trong quy định hình phạt đối với pháp nhân thương mại là các nhà làm luật “đánh mạnh” vào mặt kinh tế của pháp nhân, xuất phát từ mục đích chính của pháp nhân thương mại là hoạt động vì lợi nhuận, đây là mặt trực tiếp và có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự tồn tại và phát triển của pháp nhân thương mại. Đồng thời, những loại hình phạt mà BLHS năm 2015 quy định đối với pháp nhân thương mại, đã và đang được quy định là những hình thức xử lý vi phạm đối với pháp nhân thương mại trong những văn bản pháp luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012… và nhiều văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, những hình thức xử lý này chưa đủ sức răn đe, giáo dục cho nên chưa mang lại hiểu quả đấu tranh phòng ngừa cao đối với pháp nhân có hành vi vi phạm. Chính vì thế, dưới góc độ là những loại hình phạt do BLHS quy định, mang tính nghiêm khắc, cưỡng chế nhà nước cao nhất thì sẽ góp phần quan trọng vào quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm do pháp nhân gây ra một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại khoản 2 Điều 46 BLHS 2015, gồm: “a) Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; b) Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; c) Khôi phục lại tình trạng ban đầu; d) Thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra.”
Điều 79 BLHS 2015 quy định về hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn áp dụng đối với pháp nhân thương mại như sau: 1. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. 2. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 79 BLHS 2015 thì hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn sẽ được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội khi có đủ hai điều kiện như sau: (1) hành vi phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; (2) không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.
Khoản 2 Điều 79 BLHS 2015 quy định căn cứu để áp dụng hình phạt này là pháp nhân thương mại đó được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm, ví dụ như: được thành lập chỉ để thực hiện hành vi buôn lậu; trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Có thể thấy, bản chất của hình phạt này là chấm dứt hoạt động của pháp nhân. Tuy nhiên, nội dung điều luật nói trên chỉ quy định các điều kiện khi áp dụng điều luật này, ngoài ra không có quy định gì thêm. Như vậy, trong thực tiễn đặt ra vấn đề cần giải quyết là khi Tòa án tuyên áp dụng hình phạt này thì quyền lợi đối với cá chủ nợ, đặc biệt là người lao động đang làm việc cho pháp nhân đó được giải quyết như thế nào? Đối với trường hợp này rất cần có một cơ chế hợp lý, nhân văn thì mới đảm bảo được quyền lợi cho họ, bởi vì họ hoàn toàn không có lỗi đối với hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại đó.
Liệu rằng, trong trường hợp này, khi tuyên bố áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 79 BLHS 2015 nêu trên, Thẩm phán có thể dẫn chiếu đến việc áp dụng tượng tự các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản có liên quan để giải quyết hậu quả của hình phạt này đối với các chủ nợ nói chung, đặc biệt đối với người lao động nói riêng.
Điều 54 Luật Phá sản 2014 quy định về thứ tự phân chia tài sản khi một doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố là phá sản như sau:
“1. Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau: a) Chi phí phá sản; b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết; c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: a) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên; b) Chủ doanh nghiệp tư nhân; c) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; d) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; đ) Thành viên của Công ty hợp danh.
Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều này thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ”.
Có thế thấy rằng, trong mối quan hệ cụ thể này, người lao động luôn là người yếu thế, do đó, Luật Phá sản năm 2014 xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho cac khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội… của họ xếp thứ hai, tức là chỉ sau chi phí phá sản.
Như vậy, khi một pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn quy định tại Điều 79 BLHS 2015 thì rất cần có cơ chế phù hợp để giải quyết hậu quả của nó. Có thực hiện được điều này thì mới đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là tạo ra cơ chế hữu hiệu để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, góp phần bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đấu tranh chống tham nhũng đồng thời bảo đảm mọi người được sống trong một môi trường an toàn, lành mạnh.
Để việc áp dụng Điều 79 BLHS 2015 vào thực tiễn một cách hiệu quả thì các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Tác giả cho rằng, việc hướng dẫn theo hướng khi áp dụng Điều luật này có dẫn chiếu đến việc áp dụng các quy định của Luật Phá sản 2014 và các văn bản pháp luật có liên quan đến phá sản là phù hợp và triệt để./.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận