Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích
Bình luận về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, ông Carl Thayer, Giáo sư danh dự - Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, những hành động vừa qua của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích. Dù vậy, Việt Nam vẫn cần phải giải quyết vấn đề này với Trung Quốc thông qua các biện pháp đàm phán ngoại giao.
Về tình hình gần đây ở Biển Đông và những hành động của Trung Quốc, Giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia đã có những trao đổi với TG&VN về quan điểm và bình luận của ông.
Tình hình Biển Đông hiện đang tiếp tục phát sinh nhiều diễn biến rất phức tạp, Giáo sư có thể thông tin thêm về quá trình dẫn đến các diễn biến phức tạp gần đây và quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực đã ra Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, qua đó đập tan luận điệu của Trung Quốc về quyền lịch sử của nước này trên Biển Đông. Phán quyết đã viện dẫn Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) và tuyên bố “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế.
Trung Quốc từ chối công nhận thẩm quyền Tòa Trọng tài và từ năm 2016, nước này kiên quyết khẳng định yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền của mình đối với các thực thể địa lý và vùng nước liền kề nằm trong khu vực “đường chín đoạn” do Trung Quốc vạch ra.
Điển hình, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong vùng biển gần Bãi Tư Chính và vào tháng 7/2017, Việt Nam ngừng hoạt động dầu khí tại lô 136/03 và vào tháng 3/2018 Việt Nam dừng hoạt động tại lô 07/03, còn gọi là mỏ “Cá Rồng vàng”, do áp lực từ phía Trung Quốc.
Bất chấp phản ứng thận trọng của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng sức ép lên Việt Nam trong vấn đề Biển Đông.
Giáo sư Carlyle A. Thayer
Vào tháng 5 năm nay, Công ty Rosneft Vietnam đã ký hợp đồng với công ty Hakuryu 5 của Nhật Bản về việc khoan giếng dầu tại lô dầu khí 06/01 tại bồn trũng Nam Côn Sơn. Hai tàu cung ứng ngoài khơi của Việt Nam là Crest Argus 5 và Sea Meadow 29 thường xuyên di chuyển từ Cảng Vũng Tàu đến lô dầu khí 06/01 để tiếp tế cho tàu Hakuryu 5. Ngày 16/5, Tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 35111 đồn trú tại vùng biển phía Đông Bắc của Bãi Tư Chính và bắt đầu tiến hành tuần tra tại lô 06/01. Ngày 2/7, tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 35111 bắt đầu xung đột với Hakuryu 5 và các tàu cung ứng.
Ngày 3/7, Tàu Hải Dương Địa chất Bát Hào (Tàu khảo sát Hải Dương 8) đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và bắt đầu tiến hành hoạt động thâm dò địa chất trong các vùng nước thuộc phía Đông Nam Bãi Tư Chính. Tàu Hải Dương 8 được hộ tống bởi bốn tàu cảnh sát biển Trung Quốc, bao gồm các tàu mang số hiệu 3901 và 3711 và một tàu dân quân biển. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc số hiệu 3901 là một “con quái thú khổng lồ” nặng 12.000 tấn. Cũng tại đây, các tàu Trung Quốc đã đối đầu với 4 tàu cảnh sát biển của Việt Nam.
Cả hai hành động trên của Trung Quốc đều là hành động vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích của nước này. Việt Nam có các quyền chủ quyền đối với vùng biển và dưới đáy biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, điều này đã rất rõ ràng, trên cơ sở các bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế.
Những ngày đầu, tin tức về các cuộc đụng độ trên biển xuất hiện trên mạng xã hội Việt Nam. Ngày 12/7, Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng đưa tin người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông nhưng “chúng tôi cũng cam kết giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán với các nước có liên quan”.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại cuộc họp báo ngày 25/7, thông báo rằng Việt Nam đã trao công hàm phản đối tàu Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam. (Ảnh: NH)
Ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: “Tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế cần đóng góp vào nỗ lực chung nhằm bảo vệ và duy trì các lợi ích chung.” Ba ngày sau, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tiếp tục cho biết, Việt Nam đã nhiều lần liên hệ với Trung Quốc thông qua nhiều kênh khác nhau, cũng như gửi Công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tất cả các hoạt động vi phạm và rút tàu khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời tôn trọng các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Theo tôi biết, tình hình hiện nay vẫn chưa có nhiều thay đổi. Tàu Hải Dương 8 tiếp tục tiến hành “các hoạt động thăm dò địa chất”. Việt Nam cũng đã tuyên bố về việc Hakuryu 5 vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động của mình.
Với những động thái này, Trung Quốc không hề có căn cứ luật pháp cho hành động của họ. Thậm chí, Trung Quốc còn lớn tiếng nói Việt Nam cần tôn trọng chủ quyền của mình. Nói cách khác, Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền một cách vô cớ đối với các đảo và vùng nước trên Biển Đông, phớt lờ các phán quyết của tòa án quốc tế và Công ước Liên hơp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Các hành động của Bắc Kinh cũng đi ngược lại với ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc’ được hai bên ký kết vào tháng 10/2011.
Theo quan điểm của mình, ông có thể cho biết những nguyên do nào dẫn đến việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam?
Các hành động của trung Quốc trong các năm qua cho thấy Bắc Kinh có hai mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là nhằm thiết lập bá quyền thông qua phát triển các nguồn lực trên biển (bao gồm dầu mỏ và khí đốt) tại vùng biển trong khu vực “đường chín đoạn”. Vì thế, Trung Quốc ngăn cản các hoạt động khai thác dầu của các quốc gia ven biển và tạo sức ép buộc các nước này phải tham gia các dự án khai thác chung với Trung Quốc.
Mục tiêu thứ hai của quốc gia này là loại bỏ sự tham gia của các cường quốc bên ngoài trong việc phát triển nguồn lực biển tại Biển Đông. Điều này được thể hiện rõ qua hành động của phái đoàn Trung Quốc tại các ghi chép đàm phán Bản dự thảo cuối cùng của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được thông qua bởi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Đại diện Trung Quốc đề nghị hợp tác kinh tế biển cần được tiến hành với Trung Quốc và quốc gia ven biển mà “không được tiến hành thông qua hợp tác với các công ty thuộc các quốc gia bên ngoài khu vực”.
Vậy cần làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc tái diễn các hoạt động vi phạm, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông, thưa Giáo sư?
Vấn đề này chỉ được giải quyết trực tiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam thông qua tham vấn và đàm phán ngoại giao. Luật pháp quốc tế buộc hai bên phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam cần tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, mặt khác, chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc tiến hành hoạt động pháp lý theo quy định của UNCLOS. Việt Nam sẽ phải chứng minh mình đã hết sức nỗ lực sử dụng các cuộc trao đổi ngoại giao với Trung Quốc nhưng không có kết quả.
Việt Nam cần kiên trì kêu gọi tiếng nói của cộng đồng quốc tế thông qua vận động ngoại giao đối với các nước thành viên ASEAN, các cường quốc và các quốc gia biển khác trong việc lên án các hành vi của Trung Quốc. Mỹ cũng đã cáo buộc Trung Quốc có hành vi “bắt nạt” đối với Việt Nam.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác trong hoạt động chấp pháp biển với các nước đối tác, như Mỹ và Nhật Bản, thông qua tập trận chung tại các vùng biển gần Bãi Tư Chính.
Việt Nam cũng nên vận đông các thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đưa Đạo luật Trừng phạt Biển Đông và Hoa Đông 2019 ra biểu quyết.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Nguồn: Thế giới & Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận