Hoàn thiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp
Bài viết làm rõ những ưu đãi, hỗ trợ cụ thể của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân đóng vai trò cung cấp dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp, thực tế thực hiện các chính sách này; từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện để bảo đảm sự cập nhật, khả thi và tương thích với yêu cầu thực tiễn của các chính sách.
1.Chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Nghị quyết số 04-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về công tác thanh niên trong thời kì mới nêu rõ: "Đảng đặt niềm tin sâu sắc vào thanh niên, phát huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thanh niên để thanh niên thực hiện được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong cuộc đấu tranh chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng và bảo vệ đất nước giàu mạnh, xã hội văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc". Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp được thể hiện trong các văn bản Luật do Quốc hội ban hành; Nghị định, Thông tư hướng dẫn do Chính phủ và các cơ quan chuyên môn trực thuộc Chính phủ ban hành; các chương trình, đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành… Ngoài ra, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ còn được ghi nhận trong các văn bản do cơ quan có thẩm quyền ở các tỉnh, các đơn vị có liên quan ban hành.
Chính sách sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể không được hướng dẫn độc lập trong văn bản quy phạm pháp luật riêng mà đang được thể hiện trong các nhóm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, có thể kể tới như:
+ Thứ nhất, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, được coi là hành lang pháp lý quan trọng trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, trong đó đề cập tới chính sách đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Điều 12 và Điều 13 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ như cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm có ít nhất 80% số doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng cho chuỗi sản phẩm sản xuất tại Việt Nam... được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ như: miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của pháp luật; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp…
Thêm vào đó, theo quy định tại Thông tư 07/2020/TT-BKHCN ngày 11/12/2020, các cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ có trách nhiệm đề xuất biện pháp thúc đẩy phát triển cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo điều kiện thực tiễn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch hỗ trợ trong từng giai đoạn cụ thể; cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung đáp ứng các điều kiện hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định[1].
+ Thứ hai, Luật Đầu tư năm 2020, theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp nói riêng, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, bao gồm cả hình thức khởi nghiệp thông thường lẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng các hình thức ưu đãi đầu tư theo Điều 15 Luật Đầu tư năm 2020 bao gồm:
Một là, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hai là, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Ba là, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bốn là, khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Thứ ba, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2020
Đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh có thu nhập chịu thuế phát sinh trong kỳ tính thuế và thoả mãn được các điều kiện ưu đãi, nằm trong các trường hợp được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp có thể được hưởng những ưu đãi như:
Một là, ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm: áp dụng thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm; áp dụng thuế suất 10%; áp dụng thuế suất 17% trong thời hạn 15 năm[2].
Hai là, miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các ưu đãi cụ thể gồm: miễn thuế tối đa không quá 06 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm tiếp theo; miễn thuế tối đa không quá 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo[3].
Ba là, các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, chẳng hạn ưu đãi về chuyển lỗ[4], trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp[5].
- Chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp thể hiện trong các Chương trình, Đề án quốc gia về hỗ trợ khởi nghiệp
+ Thứ nhất, đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong nội dung Đề án, tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ nếu đáp ứng được điều kiện hoạt động hiệu quả và thoả mãn được các tiêu chí: (i) Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; (ii) Tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; (iii) Có quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thoả thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về đầu tư, đào tạo, huấn luyện, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Theo Đề án, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp được đưa ra như: hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa và áp dụng mức phí ưu đãi trong khai thác cơ sở hạ tầng tại các địa điểm thuận lợi cho cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ kinh phí lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ Internet miễn phí trong Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; thu hút tư nhân đầu tư sửa chữa, trả phí khai thác cơ sở hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cần thiết và tổ chức quản lý, khai thác Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp các dịch vụ đào tạo, huấn luyện, tư vấn; kết nối đầu tư, khách hàng; cung cấp nguồn nhân lực, không gian làm việc, thiết bị dùng chung cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, các cơ sở ươm tạo, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh... cũng được hỗ trợ một phần kinh phí để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp hoặc khi thực hiện các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực và dịch vụ cho khởi nghiệp.
+ Thứ hai, đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” tại Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/6/2017; Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp” tại Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2017.
Những giải pháp hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đã phần nào được thể hiện trong các đề án này. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thể hiện trong các chương trình, đề án, kế hoạch của cấp địa phương.
Ở cấp chính quyền địa phương, nhằm triển khai các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung, thanh niên khởi nghiệp nói riêng, đã có 55/63 tỉnh, thành phố ban hành các kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các kế hoạch, chương trình, đề án này được đánh giá là tương đối đa dạng và phong phú. Theo thống kê từ các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, có khoảng 19/55 địa phương đã ban hành kế hoạch, đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, có 8 địa phương ban hành riêng Đề án/Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh...). Còn lại, các địa phương ban hành chương trình, kế hoạch hoặc đề án chung về hỗ trợ khởi nghiệp (như Quảng Trị, Đăk Nông, Gia Lai...)[6]. Về cơ bản, các nội dung hỗ trợ quy định tại các văn bản do địa phương ban hành bám sát các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp.
Cùng với chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, một số tỉnh đã ban hành cả Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên/thanh niên khởi nghiệp và Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như An Giang, Gia Lai, Kiên Giang, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hoà Bình, Bắc Ninh.
2.Thực tế triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Từ những chính sách của Nhà nước, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp phần nào đã phát huy tác dụng và đạt được một số thành tích nhất định.
Cụ thể, đến nay, Đà Nẵng đã hình thành được 06 vườn ươm doanh nghiệp, 02 không gian sáng tạo, 10 không gian làm việc chung; 10 câu lạc bộ khởi nghiệp và trung tâm khởi nghiệp ở các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn. Hà Nội đã hình thành được gần 30 vườn ươm doanh nghiệp, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh trên địa bàn, trong đó có một số tổ chức lớn và bước đầu tạo lập được tác động lan toả tới cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo như BK Holdings, Vietnam Silicon Valley, Toong...[7] Ngoài ra, các tỉnh cũng triển khai các cuộc thi, tuyên truyền, dự án khởi nghiệp hoặc lồng ghép nội [8]dung hỗ trợ khởi nghiệp trong các văn bản hỗ trợ tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ hay đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thông qua việc ban hành nhiều văn bản liên quan đến khoa học & công nghệ, đặc biệt chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp...
Tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn một số những bất cập cần khắc phục. Một là, sự rải rác của các quy định pháp luật về ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, từ quy định của Luật Thanh niên cho tới các quy định về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật thuế...
Hai là, chưa có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy, đủ sức hấp dẫn cho các cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Trong các quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có quy định riêng về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên làm chủ. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ lại có những quy định riêng. Thanh niên cũng là một chủ thể quan trọng của hoạt động khởi nghiệp, thể hiện rất rõ thông qua các đề án hỗ trợ thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tuy nhiên, việc thiếu vắng các quy định có tính giá trị pháp lý cao và ổn định trong Luật và Nghị định sẽ phần nào giảm tính quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp của thanh niên.
Ba là, sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để ghi nhận chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Điều này được thể hiện rõ trong độ trễ của việc ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trung tâm được thành lập từ năm 2019 và đã đi vào hoạt động được gần 02 năm, với rất nhiều kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm vẫn chưa được ban hành.
3.Hoàn thiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Một là, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần cân nhắc, xem xét ban hành văn bản cụ thể ghi nhận chung các ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu và áp dụng. Đề xuất hợp nhất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ này có thể được ghi nhận trong các văn bản hướng dẫn Luật Thanh niên năm 2020.
Hai là, bổ sung thêm chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, bên cạnh các ưu đãi cho nhóm cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hiện nay. Những ưu đãi, hỗ trợ cần bổ sung thêm như quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các tư vấn viên cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bổ sung thêm quy định về hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên làm chủ. Những nội dung bổ sung này có thể được thể hiện ngay trong Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 80/2021/NĐ-CP. Điều này đồng nghĩa với việc, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 80/2021/NĐ-CP để có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, cập nhật điều chỉnh về chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp.
Ba là, rà soát lại các quy định của pháp luật, tạo điều kiện hình thành, hoạt động hiệu quả và hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp. Đặc biệt nhấn mạnh vào các chính sách về tài chính vì việc hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch tài chính của bản thân tổ chức, cá nhân đó.
KẾT LUẬN
Thanh niên khởi nghiệp đang là một chủ đề “nóng” hiện nay; trong đó việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào cung ứng dịch vụ hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp cũng là một vấn đề cần quan tâm vì đây là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái thanh niên khởi nghiệp. Để mắt xích này không bị đứt đoạn, hay nói cách khác, nhằm tăng sức hấp dẫn cho lĩnh vực này, Nhà nước cần hoàn thiện hơn nữa những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017
2. Luật Đầu tư năm 2020
3. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2020
4. Thông tư 07/2020/TT-BKHCN ngày 11/12/2020 hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
5. Chính phủ (2021), Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 39/2018/NĐCP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đề xuất sửa đổi, bổ sung, Hà Nội, 2021
6. Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số 25 (2021), Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tỉnh và thành phố của Việt Nam năm 2020, Trang thông tin điện tử của Đề án 844, Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia
[1] Điều 10 Thông tư 07/2020/TT-BKHCN ngày 11/12/2020 hướng dẫn việc thành lập cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
[2] Điều 13 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (2013,2014,2020)
[3] Điều 14 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (2013,2014,2020)
[4] Điều 16 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (2013,2014,2020)
[5] Điều 17 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (2013,2014,2020)
[6] Chính phủ (2021), Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đề xuất sửa đổi bổ sung, Hà Nội, 2021.
[7] Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo số 25 (2021), Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các tỉnh và thành phố của Việt Nam năm 2020, Trang thông tin điện tử của Đề án 844, Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.
Ở Lâm Đồng, mỗi dự án thanh niên khởi nghiệp được vay tối đa 2 tỷ đồng- Ảnh: Nguyễn Dũng
Bài liên quan
-
Sản phẩm Smart A hỗ trợ sức khỏe, giúp cải thiện tình trạng kháng thuốc đang ngày càng phổ biến
-
Cơ hội trúng Iphone 16 ProMax cùng nhiều ưu đãi hấp dẫn chưa từng có cho khách hàng SHB
-
T&T Group tiếp tục ủng hộ 2 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em nghèo
-
TP.HCM thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đặc thù cho các cơ quan tư pháp
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận