Hội nghị chuyên đề công tác Tòa án từ đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Sáng ngày 16/6, TANDTC tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác Tòa án về công tác Tòa án 6 tháng đầu năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Chánh án thường trực: Nguyễn Trí Tuệ; các Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Văn Du; Nguyễn Văn Tiến; Phạm Quốc Hưng; Trung tướng Dương Văn Thăng, Chánh án TAQSTW. Ngoài ra còn có các Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc TANDTC và TAQS các cấp, các TAND cấp cao, Chánh án TAND 63 tỉnh, thành trong cả nước.

 

Các Phó Chánh án TANDTC tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều hoạt động được triển khai, hiện nay vẫn đang có nhiều việc của ngành Tòa án cần kiểm tra, rà soát lại và triển khai kịp thời chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Liên quan đến việc triển khai những nội dung mới của Luật Tổ chức TAND sẽ ảnh hưởng lớn đến tổ chức và hoạt động của toàn ngành Tòa án, việc thành lập các tòa chuyên biệt, chế độ chính sách cho cán bộ,... là những việc cần làm trong thời gian tới.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Năm 2025 Ngành Tòa án sẽ tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống TAND, đây là ngày kỷ niệm lớn, cần tổ chức chu đáo. Việc tổ chức thực hiện và kết thúc các phong trào thi đua cần có những phần thưởng cao quý cho các tổ chức cá nhân tiêu biểu, tiến tới đại hội thi đua yêu nước lần thứ 6 sắp tới.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình căn dặn về việc thi hành án hình sự, đề nghị Tòa án các địa phương cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc, sát sao. Về tình hình thực hiện công tác đầu tư, tư cải tạo nâng cấp và xây dựng trụ sở TAND, chính phủ đã đồng ý cấp kinh phí cho việc trang bị trụ sở cho TAND các cấp, các địa phương cần tích cực chủ động phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu lập kế hoạch triển khai dự án với quyết tâm cao, hoàn thiện trong thời gian sớm nhất có thể.

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết công tác Tòa án từ đầu năm 2024 đến nay và nhiệm vụ thời gian tới

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2024, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, xâm phạm trật tự an toàn giao thông, tham nhũng, kinh tế, giết người, xâm hại tình dục trẻ em... Các Tòa án vừa phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, vừa phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đặc biệt là tập trung chính lý, hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), xây dựng hồ sơ dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Trong 6 tháng đầu năm, các Tòa án đã thụ lý 504.816 vụ việc, đã giải quyết được 316.403 vụ việc, đạt tỷ lệ 62,68%. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 39.635 vụ (tăng 8,5%); đã giải quyết tăng 28.907 vụ (tăng 10%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,82%, đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức có chức danh tư pháp tiếp tục được kiện toàn, bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Tính đến nay, tổng số biên chế Tòa án nhân dân các cấp có 14.007 người. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Tòa án nhân dân được triển khai nghiêm túc, hiệu quả.

Các Toà án luôn chú trọng quan tâm công tác Hội thẩm nhân dân. Tòa án nhân dân hiện có 16.783 Hội thẩm nhân dân (trong đó, có 10.590 Hội thẩm nam; 6.193 Hội thẩm nữ; 2.136 Hội thẩm là người dân tộc thiểu số; 4.271 Hội thẩm có trình độ chuyên môn pháp lý; 12.747 Hội thẩm là cán bộ đương chức). Đội ngũ Hội thẩm nhân dân về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công tác xét xử.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành nghiêm túc.

Đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2024. Tổ chức tốt các lớp đào tạo các chức danh tư pháp thuộc TAND; thường xuyên quan tâm cử công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài. Các Tòa án đã tăng cường tự đào tạo thông qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn bằng hình thức trực tuyến.

Về Hợp tác quốc tế, TANDTC đã tổ chức tốt các đoàn đại biểu đi thăm, làm việc với đối tác nước ngoài, tham dự các hội nghị quốc tế tổ chức bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến nhằm tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tham gia tích cực vào việc xây dựng thể chế và triển khai các hoạt động hợp tác của Hội đồng Chánh án ASEAN; các dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc tế (KOICA, EU JULE, UNDP,…) tiếp tục được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng xét xử.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án, sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các phần mềm nội bộ dùng chung và các dịch vụ công đối với Tòa án các cấp. Tập trung vào việc thực hiện tốt mô hình “Hành chính tư pháp một cửa”, đổi mới quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc.

Công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị, chính sách pháp luật của Nhà nước và Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến; cải cách tư pháp; dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phát triển án lệ… Các ấn phẩm báo chí xuất bản đảm bảo tôn chỉ mục đích, với nội dung và hình thức được đầu tư công phu, nhiều bài viết đạt chất lượng cao.

Tòa án quân sự các cấp đã thụ lý 221 vụ với 563 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 168 vụ với 369 bị cáo (đạt tỷ lệ 76% số vụ và 65,5% số bị cáo). Trong đó, thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 155 vụ với 448 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 116 vụ với 291 bị cáo; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 65 vụ với 114 bị cáo, đã giải quyết, xét xử 52 vụ với 78 bị cáo. Công tác xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, 100% các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định.

Trong thời gian tới, để đảm bảo đạt các chỉ tiêu công tác, Ngành Tòa án cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc. Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

Thực hiện nghiêm việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xét xử các vụ án, đảm bảo xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho nhà nước.

 

Các đại biểu dự Hội nghị

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức cán bộ, tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Đào tạo, tập huấn, giải đáp vướng mắc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến, rút kinh nghiệm công tác xét xử, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Các đại biểu dự Hội nghị

Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, đẩy mạnh việc ứng dụng có hiệu quả các phần mềm nội bộ dùng chung; tích cực triển khai phong trào thi đua “Vì Công lý” bảo đảm thực chất, sáng tạo.

TRIỆU HỒ

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị