Hội nghị chuyên đề về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm
Ngày16/12/2019, TANDTC đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác Giám đốc thẩm, tái thẩm. PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là hội nghị rất quan trọng, nhằm đánh giá chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án thời gian qua; phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng như các giải pháp thực hiện của các Tòa án.
Chánh án đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác để hạn chế nguyên nhân phát sinh các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đặc biệt, việc xây dựng Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã nâng cao tỷ lệ các vụ án được hòa giải thành, đối thoại thành và đây là một giải pháp căn cơ, góp phần hạn chế ngay từ đầu việc phát sinh các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Bên cạnh đó trong thời gian qua liên quan đến việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, Luật đã trao thẩm quyền cho Tòa án áp dụng biện pháp này, nhưng có rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Trước thông tin của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu Quốc hội xung quanh việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, TANDTC đã giao cho cơ quan Thanh tra TANDTC tiến hành thanh tra một số nơi có áp dụng biện pháp này nhưng chưa thật hiệu quả. Kết quả cho thấy cũng có những vướng mắc cần hướng dẫn.
Báo cáo về thực tiễn thi hành pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ông Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán cao cấp, Chánh Văn phòng TANDTC cho biết: Trong 3 năm từ 2016-2019, số lượng các loại vụ việc được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình 50.000 vụ/năm. Đặc biệt, năm 2019, số lượng vụ việc tăng gần gấp 2 lần so với 2016. Từ 2015-2016, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và Tòa cấp cao giải quyết 65.910 đơn/vụ; đã giải quyết được 26.865 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 40,74%.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã từng bước đi vào nền nếp, chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được nâng lên, kịp thời phát hiện, khắc phục được nhiều sai sót, vi phạm của các Tòa án. Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thường xuyên duy trì công tác kiểm tra việc xét xử đối với các Tòa án nhân dân cấp huyện qua đó chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, Thẩm phán trong công tác xét xử, kịp thời đề xuất Chánh án TANDCC, Chánh án TANDTC kháng nghị đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng.
Ngoài ra về trình tự, thủ tục nhận đơn, xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về cơ bản được thực hiện đúng pháp luật. Việc chuyển hồ sơ vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát về cơ bản các Tòa án đã thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn quy định. Cũng như việc bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được các Tòa án phối hợp, chủ động, tích cực. Việc ủy thác thu thập chứng cứ cơ bản được thực hiện nhanh chóng, đúng thời gian theo yêu cầu và theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Việc xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TTANDTC, Ủy ban Thẩm phán TANDCC về cơ bản đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Việc lập luận, kết luận trong quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cơ bản đã phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; đã chỉ ra các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng của Tòa án cấp dưới; kịp thời khắc phục sai lầm trong việc áp dụng pháp luật trong bản án, quyết định bị hủy, sửa. Qua công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đã thống nhất việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật có nhiều ý kiến khác nhau; làm rõ quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa được hướng dẫn áp dụng thống nhất.
Bên cạnh đó đang còn những tồn tại hạn chế và những khó khăn vướng mắc hàng năm TAND các cấp chỉ giải quyết được trung bình khoảng trên 7.100 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong khi số lượng đơn đề nghị tiếp tục có xu hướng tăng nên không đạt chỉ tiêu 60% theo yêu cầu của Quốc hội. Tỷ lệ giải quyết giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trung bình bốn năm gần đây chỉ đạt 38,2%. Tỷ lệ xét xử giám đốc thẩm chưa cao, chưa bảo đảm thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng. Những quy định về thẩm quyền, trình tự giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn một số nội dung chưa phù hợp, một số quy định chưa được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nên tiến độ xử lý đơn còn chậm.
Việc thực hiện yêu cầu chuyển hồ sơ giám đốc thẩm cho TAND, VKSND có thẩm quyền còn chậm, vẫn còn tình trạng một số Tòa án không gửi hồ sơ hoặc không thông báo, thông báo không đúng thời hạn cho Viện kiểm sát có yêu cầu biết về việc đã chuyển hồ sơ cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền, cá biệt có vụ chậm chuyển hồ sơ dẫn đến hết thời hạn kháng nghị. Việc xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết một số vụ án vẫn còn chậm, thậm chí không nhận được kết quả ủy thác. Các Thẩm tra viên vẫn chưa phát huy được tính chủ động trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.
Một số vụ án bị giám đốc thẩm hủy để xét xử lại do thu thập chứng cứ không đầy đủ nhưng Tòa án cấp dưới, không thể thu thập được các tài liệu chứng cứ mới của vụ án theo yêu cầu của cấp giám đốc thẩm hoặc việc thu thập chứng cứ mới vẫn không làm thay đổi bản chất nội dung của vụ việc nên kháng nghị va hủy án là không khả thi. Các vụ án thụ lý lại (sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm) còn gặp nhiều khó khăn do đương sự thường không hợp tác, vướng mắc trong việc xử lý hậu quả của việc thi hành án (do bản án đã thi hành xong) nên thời gian giải quyết án còn chậm. Một số vụ việc Tòa án nhân dân tỉnh đơn phương không chấp hành đường lối của Quyết định Giám đốc thẩm, Tái thẩm, có vụ phải xử lại nhiều lần, kéo dài hàng chục năm.
Các Tòa án đang gặp môt số khó khăn, vướng mắc như: về trình tự, thủ tục nhận đơn, xử lý đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; về chuyển hồ sơ theo yêu cầu của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; về bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; về hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: về căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm; về thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm; về thẩm quyền, phạm vi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; về trình tự, thủ tục xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; về kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát trong trình tự, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…
Tại Hội nghị cũng đã nghe đại diện các đơn vị trực thuộc TANDTC Vụ giám đốc kiểm tra I, Vụ giám đốc kiểm tra II, Vụ giám đốc kiểm tra III, còn có 3 TANDCC tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, lãnh đạo Tòa án các tỉnh tp Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, TPHCM, Bình Định… trình bày tham luận về các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận