Khắc phục tình trạng chất lượng dự thảo luật còn nhiều hạn chế
KIM DUNG - Chất lượng dự thảo luật không bảo đảm chất lượng, tiến độ… là vấn đề không mới nhưng tiếp tục diễn ra.
Bệnh ngày càng nặng
Trong khi UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề tại sao hạn chế tồn tại trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kéo dài hàng chục năm và ngày càng có dấu hiệu “nặng” hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng trước hết là do không nghiêm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề tại sao hạn chế tồn tại như vậy, nhưng Báo cáo của Chính phủ hay báo cáo thẩm tra từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng không chỉ ra một bộ hay cơ quan liên quan nào mà kỷ luật làm luật không tốt, dẫn đến tình trạng mấy năm nay các Ủy ban của Quốc hội vùi đầu vào làm luật, không còn thời gian đi giám sát.
Nói về những biểu hiện cụ thể của vấn đề công tác làm luật chưa tốt, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho biết, các tài liệu quan trọng như báo cáo tổng kết thi hành hầu như 70% không ký, không đóng dấu, trong khi quan điểm để xây dựng luật là trên cơ sở tổng kết thực tiễn để chọn lọc những cái tốt, khắc phục hạn chế. Hay báo cáo cực kỳ quan trọng là đánh giá tác động cũng gần như không ai ký, đóng dấu. Vậy đánh giá tác động chính sách này này của ai?
Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu ví dụ Luật Quản lý phát triển đô thị vừa trình UBTVQH cho ý kiến có 6 tài liệu nhưng chỉ là “bản nháp” vì không ký, từ báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động chính sách cho đến thuyết minh dự án luật. Tại sao các Bộ không dám ký những văn bản này mà Bộ Tư pháp, Chính phủ vẫn cho qua? Văn phòng Chính phủ xem lại tình trạng này như thế nào. Điều này dẫn đến chất lượng của chính sách đưa ra có vấn đề. Đề nghị Thường vụ Quốc hội cho kiểm tra lại tất cả hồ sơ, những dự luật nào mà tài liệu không ký, đóng dấu thì để lại khoan hãy trình – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị khắc phục tình trạng gửi tài liệu chậm. Cần làm nghiêm vì nếu cứ nể nhau thì tiếp tục tái diễn.
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có những dự án luật đã bố trí vào chương trình, đã báo cáo cử tri nhưng lại xin rút, rất khó coi. Ngay tại phiên họp 23 UBTVQH cũng vậy, đến phút chót mới xin rút dự án luật ra vì chưa chuẩn bị kịp. “Làm sao khắc phục tình trạng tờ trình thì có, số công văn thì có nhưng ruột thì không. Tại sao số liệu báo cáo của Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội cứ vênh nhau như vậy, đó là do chúng tôi báo cáo số liệu thực. Chúng tôi không thể thống kê vào khi hành chính báo lên là chưa nhận được tài liệu” – ông Phúc băn khoăn.
Điều đáng lo ngại là tình trạng trên đây không phải mới xảy ra và chưa được bàn đến. Ngày 8/9/2017, UBTVQH và Chính phủ phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề về xây dựng pháp luật và triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Theo quyết định của Quốc hội, năm 2018 sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về 3 dự án luật khác. Trong phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Nguyễn Khắc Định cho hay, việc lập dự kiến chương trình, nhiều bộ, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, lúng túng khi thực hiện hoặc đưa ra những kiến nghị chưa thực sự có đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn. Ủy ban Pháp luật đã có rất nhiều văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình, song nhiều cơ quan vẫn không thực hiện đúng yêu cầu. Hơn nữa, một số dự án luật, cơ quan soạn thảo chưa phát huy hết trách nhiệm trong chuẩn bị. Nhiều dự án, văn bản quy định chi tiết thi hành luật chưa được trình đồng thời trong hồ sơ dự án luật; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại.
Theo Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, nhiều dự án luật chất lượng thấp, nội dung sơ sài, mâu thuẫn với các luật khác, báo cáo đánh giá tác động sơ sài, tính khả thi không cao nhưng các Ủy ban, UBTVQH vẫn không mạnh dạn trả lại, dẫn tới chất lượng luật không tốt.
Ý kiến khác cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng luật có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của dự án. Thêm vào đó, các cơ quan liên quan tham gia ý kiến vào dự án luật còn mang tính hình thức, lấy lệ; một số cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của mình.
Làm gì để nâng cao trách nhiệm và chất lương dự thảo?
“Có vấn đề cơ quan tư pháp chưa phát hiện ra hoặc bỏ sót, hoặc có vấn đề đã phát hiện nhưng không đủ kiên quyết để theo đuổi cho đến cùng” – Bộ trưởng Lê Thành Long từng trả lời UBTVQH. Đối với việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Nhiều luật có nội dung phải ban hành văn bản chi tiết rất lớn. Chẳng hạn như Luật Du lịch có 34 nội dung phải ban hành văn bản quy định chi tiết, Luật Quản lý ngoại thường 14-15 nội dung hay có những nội dung giao quy định chi tiết khá phức tạp.
Trong khi đó thời gian vật chất để thực hiện rất ngắn, chỉ có 6 tháng từ sau khi một đạo luật được thông qua. Đây là một thách thức lớn đối với cơ quan tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, để khắc phục tình trạng này thì trong đánh giá chính sách cần xác định rõ nội dung nào cần quy định để giảm số lượng nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết. Đồng thời, phải kiểm soát chặt chẽ các nội dung để khi trình Quốc hội xem xét dự án Luật có thể kèm theo luôn cả các dự thảo văn bản hướng dẫn. Trong trường hợp Luật, pháp lệnh có nhiều nội dung phải quy định chi tiết thì đề nghị Quốc hội cho kéo dài thêm thời gian có hiệu lực.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, theo các đại biểu, Chính phủ, các bộ, ngành cần dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng pháp luật. Nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tác động, đề xuất trình UBTVQH, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình những dự án luật cần thiết sửa đổi hoặc ban hành mới để đáp ứng nhu cầu bức thiết, khắc phục ngay những bất cập, cản trở đối với sự phát triển của đất nước.
Theo UBTVQH, khi trình dự án luật dẫn đến phải sửa đổi, ban hành mới các đạo luật khác thì phải có đánh giá thận trọng, kỹ càng và có giải pháp thực hiện bảo đảm tính khả thi, thống nhất, tránh tình trạng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản nhưng không đủ cơ sở, không bảo đảm đầy đủ hồ sơ đề xuất theo quy định…
Ủy ban Pháp luật kiến nghị công bố công khai danh sách cơ quan trình, cơ quan soạn thảo không bảo đảm chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án trình Quốc hội, UBTVQH trước mỗi kỳ họp của Quốc hội và coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong năm 2018.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận