Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô- tái hiện hào khí lịch sử hào hùng
Sáng 6/10, chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Hà Nội đã tái hiện hào khí lịch sử “Tiến về Hà Nội”
Chương trình do Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tại khu vực Tượng đài vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại Vườn hoa đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục, Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ - Bà Triệu - Tràng Thi - Hàng Khay với khoảng 10.000 người tham gia. Trong đó, có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế; 9.000 người tham gia diễu hành và trình diễn - gồm nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội văn hóa vì hòa bình nhấn mạnh, nhân kỷ dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, hôm nay, trước Tượng đài Đức vua Lý Thái Tổ, không gian lịch sử văn hóa hồ Gươm, địa danh linh thiêng, trái tim của Thủ đô Hà Nội, nơi ghi dấu truyền thuyết Vua Lê Thái Tổ sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc đã trả gươm thần cho Rùa vàng, như một thông điệp giã từ chiến tranh và khát vọng hòa bình, thành phố Hà Nội long trọng tổ chức “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”.
Cách đây 1014 năm, vào mùa thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược, đã quyết định dời Đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của nước Đại Việt. Từ mốc son lịch sử đó đến thời đại Hồ Chí Minh, trải qua hơn một thiên niên kỷ, với bao biến cố thăng trầm, Thăng Long - Hà Nội vẫn trường tồn cùng tuế nguyệt, vững vàng, khí phách hiên ngang, xứng đáng là trái tim của nước Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ ThanhTP Hà Nội trong Ngày hội văn hóa Vì hòa bình.
Trải qua lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, cùng công cuộc kiến thiết và bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của nước nhà, Hà Nội đã được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tôn vinh, phong tặng những danh hiệu cao quý như “Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.
Nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
Đặc biệt, sự kiện này thực sự là Ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi hàng nghìn quần chúng, nhân dân Thủ đô, cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...
Bên cạnh đó, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: “Trong thời khắc lịch sử và linh thiêng này, chúng ta cùng thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các thế hệ tiền nhân đã có công khai sáng và dựng xây kinh thành Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay. Chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ nhân dân, lực lượng vũ trang Hà Nội và cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp công sức và vật chất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô”.
Phát biểu tại sự kiện, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định, Hà Nội, với hơn 1.000 năm văn hóa và lịch sử, luôn thể hiện tinh thần kiên cường và tái sinh. Sau ngày giải phóng lịch sử, lãnh đạo và người dân Thủ đô đã hồi sinh, xây dựng nên một thành phố tràn đầy sự đổi mới, hòa nhập và thịnh vượng. Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng năm 1999 và việc UNESCO công nhận thành phố là Thành phố sáng tạo vào năm 2019 nhấn mạnh nỗ lực của TP trong việc tái tạo chính mình qua từng năm.
"Liên hợp quốc luôn duy trì mối quan hệ đối tác lâu dài và hiệu quả với Thủ đô (Hà Nội), và chúng tôi đã đồng hành cùng TP trong quá trình chuyển mình ngoạn mục, đặc biệt là kể từ khi Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo đầu tiên tại Việt Nam. TP đã nỗ lực chung tay bảo tồn cả di sản vật thể và phi vật thể, qua đó nêu bật sự giao thoa giữa lịch sử của Hà Nội với những yếu tố hiện đại và đổi mới sáng tạo. Quyết tâm cao của chính quyền TP Hà Nội trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công - tư để phát triển nền công nghiệp văn hóa sáng tạo lấy giới trẻ làm nòng cốt. Có thể thấy, Hà Nội đã xác định rõ văn hóa là một động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng", bà Pauline Tamesis nói.
Sau phần lễ, các đại biểu, người dân xem trình chiếu phóng sự tư liệu lịch sử thời khắc Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn quân tiên phong vào tiếp quản thủ đô năm 1954 cùng nhiều màn trình diễn, diễu hành hoành tráng theo 3 phần:
Phần I - Ký ức Hà Nội: Tái hiện lại những thời khắc lịch sử của Hà Nội qua các tiết mục nghệ thuật, đặc biệt là sự kiện đoàn quân chiến thắng tiến vào tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954. Những ca khúc nổi tiếng như "Người Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao vang lên, gợi nhớ lại những cảm xúc mãnh liệt của nhân dân Thủ đô trong những ngày tháng Mười lịch sử.
Phần II - Dòng chảy di sản: Chương trình giới thiệu các di sản văn hóa của Thủ đô, bao gồm trình diễn di sản văn hóa phi vật thể cùng các loại hình nghệ thuật dân gian như múa sênh tiền, múa Bài Bông, Ải Lao, múa rồng Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối…
Phần III - Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo: Các màn trình diễn nghệ thuật sẽ tiếp tục giới thiệu về hành trình phát triển của Hà Nội từ một thành phố bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành một Thành phố vì hòa bình với sức sống mạnh mẽ, hiện đại.
Bài liên quan
-
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 tuyên truyền tình hình biển, đảo tới Cựu chiến binh Hải Quân khu vực Hà Nội
-
Hà Nội xem xét đề án giao thông thông minh khoảng 392 tỷ cho giai đoạn 1
-
Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
-
Thị trường Hà Nội: Quận Hoàng Mai hấp dẫn khách mua nhà ngoại tỉnh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận