Lập luận của Trung Quốc trái ngược với UNCLOS và đã bị Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 bác bỏ
Ngày 19/7, người phát ngôn Việt Nam nêu rõ: Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
Khu vực bãi Tư Chính là một bãi ngầm san hô cách các nhóm đảo Phú Quý và Côn Đảo của Việt Nam khoảng 200 hải lý và bờ biển Việt Nam khoảng 220 hải lý. Các bãi ngầm Tư Chính, Vũng Mây và các đá Ba Kè, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam, ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nó không thuộc quần đảo Trường Sa.
“Hành động của Trung Quốc đặc biệt nguy hiểm”
PGS-TS Vũ Thanh Ca (Đại học Tài nguyên – Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ – Tổng cục Biển và Hải đảo VN), phát biểu trên báo Thanh niên cho rằng: Diễn biến gần đây tại khu vực bãi Tư Chính cho thấy hành động của Trung Quốc đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh ASEAN và nước này đang đàm phán để đi đến ký kết Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC).
Trong bối cảnh đàm phán, các nước cần kiềm chế để đảm bảo tình hình Biển Đông ổn định, không làm gia tăng xung đột nhằm xây dựng lòng tin và sự thành tâm trong đàm phán. Như vậy, có thể nói rằng với các hoạt động vô pháp của mình, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính nếu đàm phán COC bị kéo dài hoặc thậm chí không thành công. Ông khẳng định chống lại luật pháp quốc tế là chống lại cả cộng đồng quốc tế, hay nói cách khác là chống lại toàn thể loài người. Trung Quốc rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và phải tập tôn trọng, hành động theo luật pháp quốc tế nếu muốn trở thành một nước lớn với tầm ảnh hưởng phù hợp. Nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử như hiện nay, họ sẽ tổn hại rất lớn về uy tín và thiệt hại cả về kinh tế, chính trị ngoại giao rất khó có thể tính được bằng tiền. Chắc chắn, những thiệt hại do Trung Quốc gây ra cho chính mình nhiều hơn rất nhiều những lợi ích mà họ đạt được khi đi bắt nạt và quấy rối các nước láng giềng.
Đặc biệt, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC. Hành động này của Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn, nếu không phải là cản trở quá trình đàm phán và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại. “Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động vô pháp như thế này.” – PGS. TS. Vũ Thanh Ca khẳng định.
Theo TS Trần Công Trục, từ sau năm 1988, Trung Quốc, một mặt san lấp, xây dựng phi pháp để biến 7 thực thể địa lý ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa của VN mà họ đánh chiếm thành các đảo nhân tạo rất lớn, đủ để bố trí thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại. Mặt khác, họ tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012… Đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, bãi Cỏ Rong ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý. Gần đây nhất, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, được xác định theo đúng các quy định trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà VN và Trung Quốc đều là thành viên. Tại sao VN khẳng định đó là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của mình trong khi Trung Quốc lại ngụy biện rằng khu vực mà nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 đang hoạt động lại nằm trong phạm vi cái gọi là “vùng nước quần đảo Nam Sa (tên gọi phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa của VN – TN)”?
“Qua nghiên cứu, đối chiếu với những quy định của UNCLOS, Luật Biển VN năm 2012, cũng như các tiền lệ pháp lý, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016, chúng tôi đánh giá lời khẳng định của VN có căn cứ pháp lý rõ ràng” – TS Trần Công Trục viết.
Tàu Hải dương địa chất 8 của Trung Quốc
Khu vực phía nam Biển Đông được đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa VN công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, là phần nối dài của thềm lục địa VN. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo UNCLOS, nó không thuộc quần đảo Trường Sa và càng không phải vùng tranh chấp. VN có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong EEZ và thềm lục địa của mình. VN cũng đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép phi lý này.
Trong khi đó, lập luận “gom” bãi Tư Chính vào cái gọi là “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS, và đặc biệt đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 bác bỏ.
“Trung Quốc không được tự ý khảo sát”
Chuyên gia quốc tế cũng rất quan tâm đến diễn biến mới trên biển Đông. Trao đổi với Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Đại học New South Wales – Úc), khẳng định, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, Trung Quốc không được tự ý khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Ông cho rằng: Theo UNCLOS, Trung Quốc không được khảo sát thủy văn, địa chấn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam nếu không được Việt Nam cho phép trước khi khảo sát. Việt Nam có thể kêu gọi các nước trong khu vực và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam bảo vệ quyền của mình theo UNCLOS.
Ngoài các hành vi vi phạm đã và đang diễn ra trên thực địa, cần lưu ý rằng, Trung Quốc luôn tìm cách để Việt Nam tham gia các liên doanh với Trung Quốc vì họ coi đây là cách đi đường vòng, tránh các tuyên bố pháp lý của Việt Nam về quyền tài phán đối với tài nguyên biển và đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Bãi Tư Chính là một cụm rạn san hô chìm nằm cách cảng Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) 200 hải lý về phía đông nam và là điểm mút phía nam của biển Đông. Vùng biển xung quanh bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Người ta ước tính khu vực này có trữ lượng dầu khí lớn, khoảng 45 triệu thùng dầu và 172 tỷ foot khối (gần 4,9 tỷ mét khối) khí gas, đủ để khai thác thương mại trong 10 năm.
“Hiện nay, Việt Nam quản lý khu vực bãi Tư Chính nhưng đầu tháng này Trung Quốc điều hai tàu hải cảnh lớn (lớn hơn tàu cảnh sát biển Việt Nam) để hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến hành khảo sát địa chấn ở vùng biển ở phía đông bắc bãi Tư Chính và phía tây đảo Trường Sa Lớn. Họ muốn khảo sát hydrocarbon ở vùng biển gần bãi Tư Chính” – GS Carlyle Thayer nhận định.
Thông tin tàu Trung Quốc khảo sát bãi Tư Chính xuất phát từ những cập nhật của giáo sư Ryan Martinson của Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ trên trang Twitter cá nhân từ ngày 10/7. Vị chuyên gia của Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc khẳng định Hải Dương Địa Chất đã thực hiện một hoạt động thăm dò địa chất ở “vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”, thuộc vùng nước ngay phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cũng theo giáo sư Martinson, các tàu dân quân của Trung Quốc cũng tham gia hộ tống hoạt động thăm dò của con tàu trên.
Hải Dương Địa Chất 8 là con tàu thuộc sở hữu của Cơ quan Khảo sát địa chất Trung Quốc (China Geological Survey – CGS), theo thông tin từ chính website cơ quan này. Theo thông số của CGS, tàu Hải Dương Địa Chất 8 được chế tạo năm 2017, rộng 20,4m, dài 88m. Con tàu nặng 2.368 tấn và có tổng trọng tải 6.918 tấn.
Ở đây phải lưu ý thêm rằng, Trung Quốc đã và đang tăng cường hiện diện của các lực lượng hải cảnh, dân quân biển, tàu cá trên biển Đông. Trung Quốc cũng tiếp tục củng cố sự hiện diện quân sự của họ trên bảy đảo nhân tạo trên biển Đông để mở rộng việc triển khai các khẩu đội tên lửa phòng không và chống hạm trên đó. Trung Quốc cũng đang dần dần nâng cao năng lực quân sự của họ để thực sự thách thức vị thế của Mỹ ở biển Đông.
Giáo sư Ryan Martinson và thông tin từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho biết Trung Quốc đang tiến hành hai động thái quan trọng.
Thứ nhất, Trung Quốc đưa tàu Địa chất Hải Dương 8 đến vùng biển khu vực gần bãi Tư Chính – Vũng Mây (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, thuộc vùng nước ngay phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam) để thực hiện hoạt động thăm dò địa chất. Con tàu này được một số tàu dân quân của Trung Quốc tham gia hộ tống.
Thứ hai, thông tin từ AMTI cho thấy tàu cảnh sát biển Haijing 35111 của Trung Quốc cũng xuất hiện ở Biển Đông với mục tiêu khiêu khích hoạt động kinh tế của Việt Nam. Cũng theo AMTI, hồi cuối tháng 5 vừa qua, Haijing 35111 đã tiến hành tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bờ biển bang Sarawak, Malaysia. Tại đây, tàu Trung Quốc đã ngăn cản hoạt động của giàn khoan Sapura Esperanza. Số liệu công khai của Hệ thống nhận diện tự động (AIS) cho thấy tàu Haijing 35111 vận hành trong khu vực và có hành động khiêu khích mạnh đối với tàu khác.
Đó là chưa kể các hoạt động leo thang quân sự hóa như thử tên lửa, cho lực lượng dân quân biển thực hiện các vụ va đâm với tàu cá các nước, v.v. Điều này đúng như nhận định của chuyên gia châu Á Jonathan Manthorpe trên tờ Asia Times: “Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong kế hoạch biến biển Đông thành “ao nhà” của mình.”
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận