Luật Đất đai (sửa đổi) cần phát huy vai trò của Tòa án

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, vai trò, thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết hiệu quả tình trạng khiếu kiện hành chính vẫn còn mờ nhạt. Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần phát huy vai trò của Tòa án theo hướng tăng cường chức năng giám sát và giải quyết hiệu quả các tranh chấp trong quá trình quản lý giữa các cơ quan nhà nước và người sử dụng đất.

Thực tiễn cho thấy, việc Nhà nước siết chặt quyền quản lý, giữ quyền phân phối đất đai, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng và thanh tra, kiểm tra hành chính đất đai trong thời gian qua không đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả và bền vững.

Cụ thể, qua rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai vẫn còn rất nặng nề, phức tạp; trong khi đó, bộ máy tổ chức, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều địa phương chưa tương xứng, năng lực cán bộ, công chức quản lý đất đai chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến tình trạng quá tải, hạn chế trong việc phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai(1).

Thêm vào đó, nhiều trường hợp sự can thiệp mang ý chí chủ quan, không tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường của các cơ quan hành chính nhà nước đã làm phát sinh nhiều xung đột, mâu thuẫn gây bất ổn xã hội.  

Do đó, vai trò quản lý đất đai của Nhà nước cần được tiếp tục hoàn thiện và tăng cường thẩm quyền xử lý vi phạm của các cấp tòa án, hướng đến giảm nhẹ gánh nặng công tác quản lý đất đai của các cơ quan hành chính. Đây cũng là điểm mấu chốt để hạn chế, kiểm soát quyền lực của các cơ quan này.

Cụ thể, vai trò của Tòa án cần được phát huy theo hướng tăng cường chức năng giám sát và giải quyết hiệu quả các tranh chấp trong quá trình quản lý giữa các cơ quan nhà nước và người sử dụng đất. Đây là yêu cầu cần thiết nhằm đổi mới vai trò của Nhà nước theo hướng kiến tạo phát triển, khắc phục những tồn tại, tham nhũng, tiêu cực đối với quyền hạn quản lý quá lớn của các cơ quan hành chính nhà nước trong quản lý đất đai hiện nay.

Tuy nhiên, thực tiễn vai trò giám sát của Tòa án đối với công tác quản lý đất đai hiện nay được quy định còn mờ nhạt. Cùng với đó là thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai vẫn còn rất hạn chế. 

Đơn cử như trong trường hợp giải quyết tranh chấp về giá đất tính bồi thường, theo Giải đáp số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016 của TANDTC giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, Tòa án chỉ được xem xét tính hợp pháp của việc áp giá đất bồi thường mà không được phép xem xét lại sự hợp lý, hợp pháp của đơn giá bồi thường đã được phê duyệt. Điều này dẫn đến quyền lợi của người bị thu hồi đất thường không được giải quyết một cách triệt để. Bởi lẽ, việc khiếu kiện về giá đất tính bồi thường đa số đều xuất phát từ sự bất đồng về đơn giá bồi thường, mà chủ yếu là do người dân cho rằng đơn giá bồi thường được xác định thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Nếu Tòa án không có thẩm quyền xem xét sự phù hợp của đơn giá bồi thường với quyền lợi của người bị thu hồi đất thì khó lòng chấm dứt được tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bất ổn xã hội.

Thực tiễn ở một số quốc gia phát triển cho thấy, việc trao cho Tòa án vai trò xem xét giải quyết tranh chấp về đơn giá tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất ở là một yêu cầu rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp về đất đai(2). Điều này sẽ góp phần gia tăng thẩm quyền của Tòa án trong việc kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hành vi đơn phương áp giá bồi thường của các cơ quan quản lý, bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh việc lập và điều chỉnh quy hoạch còn khá tùy tiện, thiếu trách nhiệm dẫn đến tình trạng dự án treo, quy hoạch treo, gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân còn khá phổ biến. Vấn đề được đặt ra là liệu Tòa án có được quyền xem xét hủy bỏ hiệu lực của quy hoạch đất đai khi có căn cứ cho rằng việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch trái pháp luật, không xuất phát từ lợi ích xã hội, có nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất hay không? Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc xem xét bổ sung thẩm quyền này của Tòa án cũng là cần thiết và sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả được tình trạng quy hoạch treo, góp phần kiểm soát hiệu quả quyền lực của các cơ quan nhà nước trong công tác quy hoạch.

Một vấn đề khác nữa là tình trạng lợi dụng quy định thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhưng thực chất là thu hồi đất cho doanh nghiệp kinh doanh sinh lợi. Như vậy, trường hợp người sử dụng đất có khiếu kiện về mục đích thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì Tòa án có thẩm quyền xem xét về mục đích của dự án đó liệu có phải là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng hay không? Đây là nội dung cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm phát huy tốt nhất vai trò bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi của nhân dân của Tòa án, tránh trường hợp thu hồi đất một cách “vô tội vạ” để phục vụ cho các dự án kinh doanh sinh lợi của doanh nghiệp trong thời gian qua như dự án sân golf, khu du lịch, khu đô thị… trong thời gian qua.

Ngoài những hạn chế về thẩm quyền xét xử, việc Luật Tố tụng hành chính cũng chưa có quy định cụ thể về cơ chế thi hành án hành chính cũng làm cho công tác giải quyết các tranh chấp, xung đột trong lĩnh vực đất đai trở nên thiếu hiệu quả. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, phần lớn các bản án hành chính chậm hoặc không thi hành hiện nay chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai(3). Qua đó cho thấy, cơ chế thi hành án hành chính có vai trò rất quan trọng trong giải quyết các tranh chấp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai vốn là tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, xung đột nhất.

Trong quản trị nhà nước hiện đại, Tòa án là chủ thể rất quan trọng giúp ngăn chặn, răn đe và xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm, bảo vệ công lý và quyền con người; đặc biệt, là vai trò to lớn trong việc giới hạn, kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính.

Mặc dù Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã yêu cầu: “Nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai” nhưng trong dự thảo Luật Đất đai, những nội dung về thẩm quyền của Tòa án ở nước ta trong giải quyết tranh chấp, xung đột về đất đai giữa cơ quan hành chính nhà nước và người sử dụng đất vẫn rất hạn chế. Những khoảng trống về vai trò, thẩm quyền của Tòa án trong lĩnh vực đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai tiếp tục phát sinh, dẫn đến nguồn lực đất đai không được khai thác và điều tiết hiệu quả cho phát triển.

Như vậy, bên cạnh việc hoàn thiện các nội dung về kinh tế đất đai như giá đất, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đầu thầu dự án có sử dụng đất,… Việc kiểm soát quyền lực của các cơ quan quản lý đất đai cũng là một đề bài lớn được đặt ra đối với Luật Đất đai (sửa đổi) lần này. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến nội dung nâng cao vai trò giám sát, kiểm soát của Tòa án đối với công tác quản lý đất của các cơ quan hành chính nhà nước và vai trò giải quyết tranh chấp giữa các cơ quan hành chính nhà nước với người sử dụng đất. Làm sao để bảo vệ, bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong lĩnh vực đất đai là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

TAND tỉnh Vĩnh Long tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án hành chính đối với quyết định thu hồi đất, bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất - Ảnh: Hiển Đạt

 

(1) https://monre.gov.vn/Pages/mot-so-ton-tai,-han-che-trong-cong-tac-quan-ly-dat-dai.aspx, truy cập 29/01/2022.

(2) Phan Trung Hiền - Châu Hoàng Thân, Sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 - dân chủ và kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, Tạp chí Pháp luật và Phát triển số 9+10/2022, tr.26.

(3)thanhnien.vn/chu-tich-ubnd-khong-den-toa-khong-thi-hanh-ban-an-hanh-chinh-la-vo-cam-1851498660. htm

 

 

ĐINH TẤN PHONG (Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ)