Mẹo sát hạch GPLX: Liều “thuốc độc” trong an toàn giao thông
Kỳ 2: Chìa khóa hay... thuốc độc?

“Mẹo” 600 câu lý thuyết có thể đang là chiếc chìa khóa giúp cho những người đi sát hạch giấy phép lái xe. Nhưng chiếc chìa khóa ấy lại đang là liều thuốc độc vô cùng nguy hiểm đối với thực trạng an toàn giao thông đường bộ hiện nay...

"Cô giáo" hăng say “gieo rắc” loại “thuốc độc” trong an toàn giao thông cho học viên sát hạch giấy phép lái xe.

“Chìa khóa”  cho học viên?

Theo tài liệu mà một số “thầy” biên soạn thì hầu hết 600 câu hỏi lý thuyết sát hạch giấy phép lái xe đều có “mẹo” chọn đáp án đúng mà không cần đọc câu hỏi. Chúng tôi xin dẫn chứng mẹo chọn đáp án một số câu hỏi:

Khi thấy câu hỏi có hình cảnh sát giao thông, thấy cảnh sát giao thông giơ mấy tay thì lấy số tay đang giơ cộng với 2 chân, kết quả bằng bao nhiêu thì chọn đáp án đó. Ví dụ cảnh sát giao thông giơ 1 tay thì lấy 1 tay cộng với 2 chân bằng 3, đáp án 3 sẽ là đáp án đúng; Tượng tự, nếu cảnh sát giao thông giơ 2 tay thì lấy 2 tay cộng với 2 chân cho kết quả bằng 4, đáp án đúng sẽ là đáp án 4.

Khi thấy câu hỏi về biển phụ có hình các loại xe thì mẹo chọn đáp án là: Đáp án có số thì chọn đáp án 2; Đáp án chỉ có chữ thì chọn đáp án số 1.

Khi thấy câu hỏi mà đáp an có các từ khóa “Nghiêm cấm”, “Bị nghiêm cấm” thì chọn đáp án có cụm từ “Bị nghiêm cấm”.

Thay vì đào tạo cho học viên thuộc và hiểu luật giao thông đường bộ, một số “thầy” đua nhau “bán mẹo” cho học viên.

Khi thấy câu hỏi mà đáp án có từ khóa “Quan sát” thì chọn đáp án dài nhất...

Để tránh tình trạng vô hình trung tuyên truyền “mẹo” chọn đáp án cho bạn đọc, tapchitoaan.vn chỉ dẫn chứng một số rất ít mẹo đang được một số người “thầy” tuyên truyền để bán chiếc “chìa khóa thành công” cho người sát hạch giấy phép lái xe, rồi trục lợi. Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên tapchitoaan.vn thì hầu hết 600 câu hỏi sát hạch giấy phép lái xe đều nằm trong những “mẹo” chọn đáp án đúng mà không cần đọc câu hỏi.

Khi mà không cần đọc câu hỏi thì người sát hạch dù có trả lời đúng tất cả các câu hỏi trong phần sát hạch lý thuyết thì một điều chắc chắn xảy ra người được cấp giấy phép lái xe đó là người không thuộc, nói cách khác là không hoặc chưa hiểu luật giao thông đường bộ. Vậy ai đã nghĩ ra cái gọi là “mẹo chọn đáp án đúng” trong sát hạch lý thuyết này? Căn cứ vào đâu để một số người có thể “nghĩ ra” cái gọi là “mẹo...” ấy?

“Mẹo” 600 câu lý thuyết được ghi là tài liệu cá nhân nhưng lại bán rầm rộ trên “chợ”?

Liều “thuốc độc” trong an toàn giao thông đường bộ

Vì sao hầu hết các câu hỏi trong bộ 600 câu sát hạch lý thuyết đều có “mẹo” chọn đáp án mà học viên không cần đọc câu hỏi? Một cán bộ làm công tác giảng dạy tại trung tâm đào đạo lái xe nêu quan điểm cá nhân: Mẹo chọn đáp án trong sát hạch giấy phép lái xe không phải mới xuất hiện ở bộ 600 câu hỏi trong vài năm gần đây, mà ngay từ khi còn bộ 450 hỏi thì nhiều thầy cũng đã dạy mẹo cho học viên rồi. Tuy nhiên, do những năm trước, cơ chế làm luật bao đậu lý thuyết ở một số trung tâm sát hạch còn dễ dãi và rẻ mạt nên đa số học viên lựa chọn cách làm luật bao đậu với mức phí vài triệu đồng. Hiện nay, do cơ chế giám sát chặt chẽ, nhiều trung tâm có hành vi làm luật chống trượt đã bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng sờ gáy nên các thầy mới nở rộ các tài liệu tuyên truyền mẹo cho học viên.

Chúng tôi đặt nghi vấn, liệu có sự vô tình đến kỳ lạ mà các nhiều thầy thông minh đến trùng hợp ý tưởng là cùng nghĩ ra các mẹo giống nhau trong việc chọn đáp án của 600 câu hỏi? Vị cán bộ này cười: Thật ra khó mà chứng minh được việc sự cố tình sắp đặt đáp án trong mỗi câu trả lời để nhiều thầy tìm ra những mẹo hay như vậy. Nhưng cá nhân tôi dám chắc rằng, khó có thể có sự vô tình nào thú vì đến vậy!

“Chìa khóa” mở cửa thành công cho học viên sát hạch giấy phép lái xe đang là liều thuốc độc vô cùng nguy hiểm trong an toàn giao thông.

“Đơn giản như các hãng sản xuất chiếc xe ô tô, không phải ngẫu nhiên mà vị trí các điểm nổi của cần gạt mưa lại được sử dụng làm những điểm chuẩn để người lái xe căn đường phía trước khi tiến; Hay vị trí mép dưới của gương chiếu hậu với vị trí tay nắm sửa sau có thể được người lái sử dụng để căn khoảng cách phía sau xe khi lùi. Thì mẹo chọn đáp án trong 600 câu lý thuyết cũng vậy, tôi cho rằng đó không phải sự ngẫu nhiên” - Vị cán bộ đào tạo này phân tích.

Luật sư Lại Thị Trang, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội thì nêu quan điểm: Các tài liệu tuyên truyền mẹo 600 câu hỏi trước hết là những tài liệu không được phép lưu hành khi chưa được một Nhà xuất bản nào cấp phép xuất bản. Vậy nên cần thu hồi, tiêu hủy và xử lý những người buôn bán, phát tán... cả trên không gian mạng là các chợ thương mại điện tử, và phát tán trực tiếp...

Điều vô cùng nguy hiểm đó là mẹo 600 câu hỏi đang giúp cho học viên có thể vượt qua kỳ sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, nhưng họ lại không hiểu về luật giao thông đường bộ, khiến họ có được phép lái xe nhưng lại không thể lái xe an toàn. Thực trạng này không khác gì việc các thầy dạy lý thuyết ban cho họ lá bùa “giết người” trên đường. Bởi vậy, Bộ Công an cần vào cuộc, xác minh, làm rõ việc có dấu hiệu sắp đặt đáp án trong công tác soạn thảo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết đang được áp dụng trong sát hạch giấy phép lái xe hiện nay, khiến bộ 600 câu hỏi đang bị giải mã bằng những “mẹo” chọn đáp án”. - luật sư Lại Thị Trang nêu quan điểm.

Như vậy, rõ ràng là việc trao chiếc chìa khóa mở cửa thành công trong sát hạch giấy phép lái xe cho các học viên, đồng thời cũng là cách mà một số người “thầy” làm công tác đào tạo sát hạch giấy phép lái xe đang gieo rắc thứ thuộc độc vô cùng nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đây là loại thuốc độc có thể giết người hàng loạt, gây tổn thất rất nặng nề về kinh tế cho cá nhân và tổ chức, dễ để lại hệ lụy, gánh nặng cho xã hội, bởi không ít trước hợp đã phải sống thực vật sau khi bị tai nạn giao thông...

"Mẹo" sát hạch giấy phép lái xe đang là một mối nguy hiểm trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cần lắm sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Nhóm phóng viên tapchitoaan.vn đã liên hệ với Tổng Cục đường bộ - Bộ GTVT, và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Vậy Lãnh đạo Tổng Cục đường bộ và lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có quan điểm như thế nào về dấu hiệu có sự sắp xếp đáp án trong các câu trả lời, tạo ra "chìa khóa" mở cửa thành công cho học viên nhưng lại đang gieo rắc một loại thuốc độc vô cùng nguy hiểm trong an toàn giao thông?

Tapchitoaan.vn tiếp tục thông tin đến bạn đọc...

 

Nam Anh - Nguyễn Khuê