MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT HƯỚNG DẪN VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ 2015
Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 113 BLTTHS 2015 thì Hội đồng xét xử có quyền bắt để tạm giam đối với bị cáo. Theo quy định tại khoản 5 Điều 119 thì Hội đồng xét xử cũng có quyền ra lệnh tạm giam. Theo quy định tại Điều 329 thì Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định tạm giam, bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án. Theo Điều 328 thì Hội đồng xét xử có quyền tuyên bố trả tự do cho bị cáo.
Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự lại không quy định Hội đồng xét xử có quyền được áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam. Thẩm quyền này thuộc Chánh án hoặc Phó chánh án được Chánh án ủy quyền.
Điều 125 quy định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn có quy định tại điểm d khoản 1 “Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ”. Đây là trường hợp đã tuyên án và khi áp dụng thì Tòa án áp dụng Điều 328 để trả tự do, cũng có nghĩa là hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam.
Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết phải áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Hội đồng xét xử không căn cứ vào quy định nào để thực hiện mà phải báo cáo Chánh án hoặc Phó chánh án ký quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam. Theo tôi, về nguyên tắc, mọi quyết định tại phiên tòa phải là quyết định của Hội đồng xét xử. Không ai có quyền can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm kể cả đó là Chánh án hoặc Phó chánh án. Do đó, đây là vướng mắc cần phải được tháo gỡ khi BLTTHS hướng dẫn, bổ sung quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam của Hội đồng xét xử.
Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm (Điều 388)
Khoản 5 Điều này bổ sung thẩm quyền “sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật”. Tôi cho rằng quy định này chưa phù hợp ở một số điểm sau:
Theo quy định tại Điều 370 thì giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng cáo vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Vụ án bị sửa thì không phải là vụ án có vi phạm pháp luật nghiêm trọng và đó không phải là đối tượng kháng nghị giám đốc thẩm.
Điều 371 bổ sung thêm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm là “kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án”. Khi kết luận của bản án, quyết định không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án tức là bản án, quyết định đó có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật và bị kháng nghị để hủy. Trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật mà Hội đồng giám đốc thẩm quyết định sửa bản án, quyết định đó, thì đã tước đi quyền kháng cáo, quyền kháng nghị của người tham gia tố tụng và của Viện kiểm sát vì quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay.
Khoản 2 Điều 393 quy định “ Việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho bị hại, đương sự”.
Quy định này được hiểu là Hội đồng giám đốc thẩm chỉ sửa bản án, quyết định theo hướng có lợi cho bị cáo như sửa tội danh nhẹ hơn, giảm hình phạt chính, giảm hình phạt bổ sung, sửa về việc áp dụng các biện pháp tư pháp…
Việc sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không gây bất lợi cho người bị hại, đương sự. Suy cho cùng thì khi sửa bản án, quyết định có lợi cho bị cáo thì có thể có trường hợp sẽ bất lợi hoặc ảnh hưởng quyền lợi người bị hại. Do đó, khi áp dụng quy định này trên thực tiễn cần có sự cân nhắc, thận trọng.
Nghị án (Điều 326)
Điều 326 quy định tương đối chi tiết về nghị án. Các điểm 1, b, c, đ, e, g khoản 3 Điều này là những vấn đề mà điều luật quy định Hội đồng xét xử phải thảo luận, giải quyết khi nghị án. Theo chúng tôi, ngoài các vấn đề nêu ở khoản 3, thì Hội đồng xét xử còn phải thảo luận, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của vụ án như:
- Có sự việc phạm tội xảy ra hay không? Có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Thời gian, địa điểm xảy ra sự việc phạm tội, hành vi phạm tội. Nếu Hội đồng xét xử không chứng minh được vấn đề này thì không có vụ án và đó là căn cứ để Hội đồng xét xử đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không phạm tội.
- Hành vi của bị cáo có cấu thành tội phạm không? Nếu cấu thành tội phạm thì theo quy định tại điểm, khoản, Điều nào của BLHS?
- Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như thế nào? Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo; nhân thân của bị cáo?
- Nếu không có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt thì Hội đồng xét xử phải thảo luận, biểu quyết về hình phạt; về biện pháp chấp hành hình phạt nếu Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt tù dưới 03 năm.
- Hội đồng xét xử còn phải thảo luận, quyết định về áp dụng hình phạt bổ sung; có bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo hay không; có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội không? Có khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án không?
Những vấn đề chúng tôi nêu trên đây là những vấn đề mà trong thực tiễn, các Hội đồng xét xử vẫn phải thực hiện khi nghị án. Do đó cần hướng dẫn đầy đủ để thống nhất thực hiên.
Chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng
Điều luật quy định “… Trường hợp vụ án có bị can bị tam giam thì trước khi hết thời gạn tam giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ án.”
Điều 276 quy định “nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án”. Nhận vụ án và thụ lý vụ án khi đã kiểm tra đầy đủ theo quy định của điểm a khoản 1 Điều 276. Điều 276 quy định sau khi nhận hồ sơ vụ án thì Tòa án phải thụ lý ngay. Tòa án chỉ có quyền ra các quyết định khi đã thụ lý vụ án chứ không phải khi nhận hồ sơ vụ án khi quy định của Điều 244. Mặt khác, khi đã thụ lý vụ án, Tòa án có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam chứ không phải chỉ “xem xét quyết định việc tam giam bị can”. Nếu quy định như Điều 244 thì Tòa án chỉ được quyết định việc tạm giam bị can là chưa đầy đủ do đó cũng cần có sự hướng dẫn cụ thể đối với quy định này.
Tạm ngừng phiên tòa
Tạm ngừng phiên tòa trong trường hợp vắng mặt thư ký Tòa án.Tạm ngừng phiên tòa phải thông báo cho những nhường tham gia tố tụng tại phiên tòa, tức là không phải thông báo bằng văn bản. Tuy nhiên việc mở lại phiên tòa vào ngày nào, giờ nào, địa điểm, có phải thông báo hay triệu tập lại phiên tòa không thì Luật không quy định rõ ràng. Thời hạn tam ngừng phiên tòa chỉ tối đa là 05 ngày sẽ không kịp triệu tập lại phiên tòa. Ví dụ đến ngày thứ 4 thì sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới hồi phục thì chỉ còn 01 ngày không thể mở lại phiên tòa. Trường hợp này thì phải hoãn phiên tòa. Do đó cần có sự thống nhất khi thực hiện.
Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án (Điều 359)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại thì: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã rút yêu cầu khởi tố trái ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Luật đã bỏ quy định “rút yêu cầu trước khi mở phiên tòa sơ thẩm và không quy định về thời điểm người có yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố. Do đó, trong trường hợp người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu ở Tòa án cấp phúc thẩm thì vụ án phải được đình chỉ. Điều 359 không bổ sung quy định này nên cần có sự thống nhất khi thực hiện.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận