Nghiên cứu đề xuất ngày truyền thống Học viện Toà án

Học viện Toà án được thành lập trên cơ sở Trường Cán bộ Toà án đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài gắn với lịch sử ra đời của ngành Toà án nhân dân nói riêng, ngành Tư pháp nói chung. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu, đầy đủ về lịch sử hình thành, phát triển cũng như những đóng góp của cơ sở đào tạo vốn là tiền thân của Trường Cán bộ Toà án, Học viện Toà án. Do đó, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý; chỉ ra ngày cụ thể ghi nhận sự kiện đáng ghi nhớ gắn với quá trình hình thành, phát triển được ghi nhận của Học viện Toà án để làm cơ sở đề xuất công nhận ngày truyền thống của Học viện Toà án là yêu cầu cấp bách hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích tổng quan quy định của pháp luật về ngày truyền thống, ngày thành lập; dựa trên quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp của những cơ sở giáo dục là tiền thân của HVTA ngày nay để đề xuất ngày truyền thống của HVTA, ngày thành lập của HVTA.

 

1. Tổng quan quy định về ngày truyền thống, ngày thành lập và ngày tái lập

Tiêu chí, quy trình, thủ tục xác định ngày thành lập, ngày truyền thống của các bộ, ngành, địa phương được quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ. Nghị định dành riêng chương II (từ Điều 5 đến Điều 8) quy định cụ thể hơn về công nhận ngày truyền thống, cụ thể:

* Khái niệm:

- Ngày thành lập là ngày có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền.

- Ngày truyền thống là ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục.

- Ngày tái lập là ngày đánh dấu sự thành lập lại bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền sau quá trình chia tách, sát nhập, giải thể.

(Khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 3 Nghị định số 111/2018/NĐ-CP)

 * Tiêu chí công nhận ngày truyền thống:

Để được công nhận ngày truyền thống phải thoả mãn ba điều kiện (tiêu chí) được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 111/2018/NĐ-CP, dưới đây:

Một là, có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ;

Hai là, ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ phải cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất là 10 năm;

Ba là, có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể thành phần hồ sơ đề nghị công nhận ngày truyền thống (Điều 6); Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ công nhận ngày truyền thống (khoản 1 Điều 7); Trình tự công nhận ngày truyền thống (Điều 8); Nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống (Điều 4); ...

2. Ngày truyền thống, ngày tái lập và ngày thành lập của Học viện Toà án

Theo quy định của Nghị định số 111/2018/NĐ-CP nêu trên thì để xác định đúng ngày truyền thống của HVTA cần xác định được ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục. Ngày đó phải thoả mãn đồng thời ba điều kiện (tiêu chí) của ngày truyền thống nêu trên.

Qua các kết quả nghiên cứu, tư liệu lịch sử cho thấy lịch sử hình hình thành và phát triển của HVTA ngày nay gắn với năm mốc thời gian quan trọng đó là ngày 13/9/1945; ngày 11/02/1960; ngày 06/10/1982; ngày 23/8/1994 và ngày 30/7/2015. Vậy ngày nào sẽ nên được lựa chọn là ngày truyền thống, ngày tái lập và ngày thành lập của HVTA? So với ngày tái lập hoặc ngày thành lập thường dễ dàng xác định thì ngày truyền thống thường khó xác định hơn do ràng buộc bởi nhiều tiêu chí phức tạp, cần có tư liệu lịch sử chứng minh. Do đó, ngày truyền thống sẽ được phân tích sâu sắc, cụ thể hơn dựa trên cơ sở các tiêu chí quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP, cụ thể:

Quá trình hình thành và phát triển của HVTA có thể được minh hoạ qua biểu đồ dòng thời gian dưới đây:

2.1. Ngày 13/9/1945:

Đây là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ký ban hành Sắc lệnh số 33C/SL thành lập Tòa án quân sự trong cả nước. Điều I Sắc lệnh này quy định: “Sẽ lập một toà án quân sự ở Bắc bộ: tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình; ở Trung bộ: tại Vinh, Huế, Quảng Ngãi; ở Nam bộ: tại Sài Gòn, Mỹ Tho”.

Tòa án quân sự - tiền thân của Tòa án nhân dân - là thiết chế xét xử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án Việt Nam. Do đó, ngày 13/9/1945, trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân Việt Nam.[4] Một số tài liệu nghiên cứu cho rằng, cùng với sự ra đời và hoạt động của Toà án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Toà án cũng dần được hình thành và từng bước phát triển.[5] d, về việc mở các lớp đào tạo, huấn luyện đội ngũ thẩm phán, tài liệu ghi lại rằng: “Bộ Tư pháp đã thực hiện nhiệm vụ của mình trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp: […]. Tiếp tục đào tạo, huấn luyện đội ngũ thẩm phán toà án địa phương để triển khai công việc tổ chức, củng cố, kiện toàn các toà án đệ nhị cấp, sơ cấp trên toàn quốc; Tổ chức các trường, lớp đào tạo cán bộ…”.[6]

Tuy nhiên, đối chiếu với các tiêu chí để được công nhận là ngày truyền thống của HVTA trong giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 1960 cho thấy:

Ngày 13/9/1945 đã được ghi nhận trong tài liệu lịch sử (Sắc lệnh số 33C/SL), đánh dấu bằng sự kiện đáng ghi nhớ với quá trình hình thành, phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa đó là sự ra đời của hệ thống Toà án Việt Nam nên hằng năm đã được công nhận là Ngày truyền thống của Toà án nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, ngày 13/9/1945 không đánh dấu sự kiện thành lập cơ sở đào tạo, không quy định hoạt động đào tạo nên không thoả mãn tiêu chí đầu tiên để được công nhận là ngày truyền thống của HVTA hiện nay.

Ngoài ra, giai đoạn 1945-1960 cũng có kết quả nghiên cứu, tài liệu nói về công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ thẩm phán, tổ chức các trường, lớp đào tạo cán bộ pháp lý, tuy nhiên, các tài liệu này không đủ các thông tin cần thiết của các tiêu chí công nhận ngày truyền thống của HVTA.

2.2. Ngày 11 tháng 02 năm 1960:

* Về cơ sở pháp lý:

 (1) Ngày 11/02/1960 là ngày Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 1-CP quy định nhiệm vụ và tổ chức của Bộ Tư pháp.[7] Nghị định này rất ngắn gọn, chỉ có 05 Điều, trong đó Điều 1 quy định về 7 nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, một trong các nhiệm vụ đó là “Đào tạo và giáo dục cán bộ Toà án và cán bộ Tư pháp” (khoản 5). Trong kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ “50 năm ngành Tư pháp Việt Nam” cũng khẳng định: “Trường cán bộ tư pháp có nhiệm vụ có nhiệm vụ huấn luyện về chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ toà án và cán bộ tư pháp từ thẩm phán huyện và tương đương thẩm phán huyện trở lên”.[8] Điều 2 Nghị định số 1-CP quy định về tổ chức của Bộ Tư pháp gồm năm đơn vị mà một trong năm đơn vị đó là “Trường cán bộ tư pháp” (khoản 4).

(2) Nhiệm vụ và tổ chức của Trường cán bộ tư pháp sau đó cũng được quy định chi tiết tại Điều 5 Quyết định số 06-QĐ/TP ngày 15/3/1960 về tổ chức Bộ Tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, cụ thể:

- Nhiệm vụ của Trường cán bộ tư pháp là huấn luyện về chính trị và nghiệp vụ cho các cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp từ Thẩm phán huyện hoặc tương đương Thẩm phán huyện trở lên.

- Tổ chức của trường Cán bộ tư pháp gồm có: Phòng Giáo vụ và Phòng Tổ chức - hành chính. Phòng Giáo vụ có nhiệm vụ nghiên cứu việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy ở trường, bố trí giảng viên, theo dõi và hướng dẫn việc học tập của các học viên, tổng kết kinh nghiệm các lớp học. Phòng Tổ chức - hành chính có nhiệm vụ kiểm tra tiêu chuẩn học viên, sắp xếp tổ chức học viên, theo dõi lãnh đạo tư tưởng và thái độ học tập của học viên, quản lý lý lịch của học viên trong khi học tập và phụ trách những công tác văn thư, hành chính, quản trị của nhà trường.

Ngoài ra, liên quan chặt chẽ đến công tác đào tạo, bồi dưỡng không thể không nhắc đến nhiệm vụ và tổ chức của Vụ Tuyên giáo được quy định tại Điều 4 Quyết định số 06-QĐ/TP nêu trên, cụ thể:

- Nhiệm vụ của Vụ Tuyên giáo là: Nghiên cứu chương trình và kế hoạch đào tạo, giáo dục cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp, giúp Bộ chỉ đạo công tác đào tạo, giáo dục cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp địa phương; Chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở các địa phương.

- Tổ chức của Vụ Tuyên giáo gồm có: Phòng Giáo dục và Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật.

+ Phòng Giáo dục có nhiệm vụ: Nghiên cứu chương trình kế hoạch giáo dục, huấn luyện các thẩm phán, thư ký tòa án và cán bộ tư pháp địa phương; Nghiên cứu, tổ chức, theo dõi và tổng kết kinh nghiệm về học tập nghiệp vụ tại chức của cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp địa phương; Theo dõi việc học tập ở Trường Cán bộ tư pháp để giúp Bộ lãnh đạo công tác của Trường cán bộ tư pháp; Biên soạn tài liệu học tập nghiệp vụ cho cán bộ toà án và cán bộ tư pháp địa phương; Phiên dịch các tài liệu pháp lý nước ngoài để làm tài liệu nghiên cứu cho các bộ phận của Bộ, các tòa án và cơ quan tư pháp địa phương; …

+ Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật có nhiệm vụ: Nghiên cứu, theo dõi và tổng kết kinh nghiệm về kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật để giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo và tôn trọng pháp luật của Nhà nước; Biên soạn tài liệu để tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nước; Biên soạn tài liệu để giới thiệu các tòa án và cơ quan tư pháp của nước ta với các nước ngoài; Xuất bản các tài liệu giúp cho việc học tập của cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp và các tài liệu về tuyên truyền phổ biến pháp luật.

(3) Ngoài ra, Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của TANDTC và tổ chức của các TAND địa phương ngày 30/3/1961 cũng quy định một trong các nhiệm vụ của Chánh án TANDTC, đó là: “Chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức tư pháp, công tác đào tạo và giáo dục cán bộ toà án và công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân” (điểm k Điều 6).

Như vậy, Nghị định số 1-CP năm 1960, Quyết định số 06-QĐ/TP năm 1960, Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của TANDTC và tổ chức của các TAND địa phương năm 1961 cùng với các tư liệu lịch sử, kết quả nghiên cứu khác đã thể hiện ngày 11 tháng 02 năm 1960 là ngày cụ thể, đánh dấu sự kiện đáng ghi nhớ là quy định Trường cán bộ tư pháp trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp (đây là lần đầu tiên Trường cán bộ tư pháp được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao của Nhà nước). Do đó, xét về cơ sở lý luận pháp lý, mốc thời gian ngày 11 tháng 02 năm 1960 hoàn toàn đáp ứng tiêu chí thứ nhất để được công nhận là ngày truyền thống của HVTA. Mặc dù ở thời điểm được thành lập, Trường cán bộ tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp, tuy nhiên, trong nội hàm khái niệm “Ngày truyền thống” được quy định tại Nghị định số 111/2018/NĐ-CP không quy định mối liên hệ giữa đơn vị chủ quản với cơ sở được đề nghị công nhận ngày truyền thống.

* Về những đóng góp thực tiễn qua quá trình từ hình thành, phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục:

Từ ngày 11 tháng 02 năm 1960 đánh dấu việc ra đời của Trường cán bộ tư pháp đến nay Trường đã có quá trình hình thành hoặc phát triển được tư liệu lịch sử ghi nhận và bảo đảm có tính kế thừa, liên tục, được thể hiện sau đây:

Là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp nhưng kể từ khi Bộ Tư pháp bị giải thể thì tổ chức, hoạt động của Trường cán bộ tư pháp vẫn được duy trì[9]. Trong thực tiễn chỉ đạo, công việc nguyên là của Bộ Tư pháp đã giao phần lớn cho Toà án nhân dân tối cao và một phần cho Vụ Pháp chế của Phủ Thủ tướng.[10]

Là đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp vì trong giai đoạn này Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ pháp lý cho cả hai lĩnh vực là cán bộ các cơ quan tư pháp và cán bộ cơ quan toà án. Cụ thể, Nghị định số 1-CP quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ: “Đào tạo và giáo dục cán bộ Tòa án và cán bộ Tư pháp” (khoản 5 Điều 1). Hơn nữa, Điều 4 Nghị định số 1-CP xác định: “Công tác tòa án và công tác tư pháp liên quan mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, cho nên các cơ quan Tòa án và cơ quan Tư pháp từ trung ương đến địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhau để làm tròn nhiệm vụ do Nhà nước giao cho”.[11]

Mặc dù Trường cán bộ tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp nhưng khoảng thời gian Trường thuộc Bộ Tư pháp là rất ngắn, (chỉ trong khoảng 5 tháng, từ ngày Nghị định số 1-CP được ban hành ngày 11/02/1960 đến ngày giải thể Bộ Tư pháp ngày 14/7/1960). Bộ Tư pháp được giải thể từ ngày 14/7/1960 đến ngày 22/11/1981 mới được tái lập lại theo Nghị định số 143/HĐBT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành.[12] Trong suốt thời gian Bộ Tư pháp bị giải thể đó (14/7/1960-22/11/1981), Trường cán bộ tư pháp vẫn duy trì tổ chức, hoạt động trên cơ sở quy định của Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của TANDTC và tổ chức của các TAND địa phương ngày 30/3/1961. Theo Pháp lệnh này, Chánh án TANDTC có nhiệm vụ: “Chỉ đạo công tác xây dựng tổ chức tư pháp, công tác đào tạo và giáo dục cán bộ toà án và công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân” (điểm k Điều 6). Ngoài ra, Luật Tổ chức TANDTC cũng quy định TANDTC có thẩm quyền: “Phụ trách việc huấn luyện, đào tạo cán bộ Toà án nhân dân và phụ trách việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân” (Điều 21).

Như vậy, mặc dù đơn vị chủ quản của Trường cán bộ tư pháp ngay thời điểm thành lập là Bộ Tư pháp, nhưng Bộ Tư pháp đã bị giải thể vài tháng sau đó và nhiệm vụ quản lý, duy trì tổ chức, hoạt động của Trường cán bộ tư pháp do Toà án nhân dân tối cao đảm trách theo tư liệu lịch sử và các quy định nêu trên của pháp luật. Ngoài ra, do nhu cầu thực tế khách quan của công tác đào tạo đội ngũ thẩm phán là cung cấp nguồn nhân lực liên tục cho hoạt động của hệ thống Toà án nên hoạt động của Trường cán bộ tư pháp vẫn tiếp tục duy trì, kế thừa liên tục cho đến tận ngày nay. Điều này được chứng minh qua các giai đoạn lịch sử sau đây:

(1) Từ ngày 11/02/1960 đến năm 1964:

- Về tính cấp thiết duy trì hoạt động liên tục của Trường cán bộ tư pháp, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Trước tình hình yêu cầu khách quan của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương phải tiến hành quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không thể chỉ quản lý xã hội bằng các chủ trương chính sách của Đảng. Để thực hiện được chủ trương đó của Đảng, trước hết chúng ta cần phải có một đội ngũ cán bộ đủ về số lượng và phải có trình độ tương ứng để thực thi nhiệm vụ của cách mạng. Muốn có được đội ngũ cán bộ như vậy, chúng ta không chỉ dựa vào việc gửi đi đào tạo ở nước ngoài hoặc chỉ mở hội nghị tập huấn, mở các lớp bồi dưỡng theo định kỳ mà chúng ta cần phải có trường lớp chính quy để đào tạo tại chỗ”[13].

- “Thực hiện chủ trương đó của Đảng và Chính phủ, năm 1960 ngành Tư pháp được Nhà nước cho phép thành lập Trường Cán bộ Tư pháp. Do điều kiện khách quan của lịch sử, cuối năm 1960 đầu năm 1961, Bộ Tư pháp không còn, Trường Cán bộ tư pháp được chuyển giao cho Toà án nhân dân tối cao quản lý và Trường đổi tên là Trường Cán bộ Toà án”.[14]

Như vậy, từ sau khi Bộ Tư pháp bị giải thể thì Trường cán bộ tư pháp vẫn tiếp tục duy trì hoạt động: “Trường cán bộ tư pháp thuộc Toà án nhân dân tối cao đã mở 2 khoá liên tiếp vào những năm 1960, 1961, 1962 với chương trình đại học do Giáo sư Liên Xô giảng trực tiếp, mỗi khoá khoảng gần ba năm. Sau hai khoá đó, Trường cán bộ Toà án của Toà án nhân dân tối cao vấn tiếp tục giảng dạy ở trình độ trung cấp cho đến khi nhập vào Trường Đại học pháp lý (năm 1981)[15].

- Trong những năm Trường mới thành lập (1960-1964), một mặt Trường vẫn mở các lớp đào tạo bồi dưỡng ngắn ngày, mặt khác, Trường mở hai lớp đào tạo nguồn, đào tạo đội ngũ giảng viên để chuẩn bị cho việc mở các lớp chính quy sau này. Đối với các lớp đào tạo nguồn, đào tạo giảng viên, Trường mời các giáo sư luật của Liên Xô (cũ) giảng dạy, nội dung học chủ yếu học các môn lý luận Mác-Lê nin về Nhà nước và pháp luật, luật hình sự, tố tụng hình sự, luật dân sự, tố tụng dân sự, luật hôn nhân và gia đình, … Chương trình học này được học theo chương trình đại học của Liên Xô[16].

(2) Từ năm 1965 đến năm 1994:

Theo kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp Bộ: “50 năm ngành Tư pháp Việt Nam”[17] thì hoạt động của Trường cán bộ tư pháp giai đoạn này đạt được những thành tựu nổi bật sau đây:

- Về công tác đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên đến năm 1965: Sau khi hai lớp học do các giáo sư Liên Xô giảng dạy từ năm 1962 đến năm 1964 kết thúc, Trường đã chọn một số cán bộ đã qua công tác, có trình độ chuyên môn, có phương pháp giảng dạy ở lại làm giảng viên cho Trường. Ngoài số này ra, Trường còn tuyển chọn một số luật gia được đào tạo từ thời Pháp thuộc nhưng đã đi theo cách mạng cùng với một số học viên được Nhà nước cử đi đào tạo ở Liên Xô nay đã tốt nghiệp về nước làm giáo viên cho Trường. Vì vậy, đến năm 1965, Trường đã có một đội ngũ giảng viên độc lập. Đây là nền móng đào tạo đội ngũ cán bộ Toà án. Đội ngũ giảng viên này đã tự tổ chức nghiên cứu chương trình, tài liệu của nước ngoài, kết hợp với việc nghiên cứu tình hình thực tiễn của Việt Nam. Trường đã tự xây dựng chương trình, giáo trình và tài liệu giảng dạy cho các lớp học. Bước đầu, Trường vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, sửa đổi. Trước hết là xây dựng chương trình, tập bài giảng, tài liệu tham khảo, học tập cho các lớp ngắn hạn; sau đó mở rộng xây dựng chương trình, giáo trình cho các lớp đào tạo trung học và cao đẳng của Trường.

- Từ năm 1965 đến năm 1970: Trường đã mở 15 khoá học theo chương trình sơ cấp, thời gian từ 5 đến 6 tháng.

- Từ năm 1971 đến năm 1975:

Ngoài việc vẫn tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nhưng đồng thời đã tiến lên một bước là đào tạo các lớp trung cấp Toà án. Thời gian đầu, để đáp ứng đào tạo cấp tốc đội ngũ cán bộ, Trường đào tạo các lớp trung cấp ngắn hạn 01 năm. Sau khi đào tạo được 3 khoá trung cấp với thời gian 01 năm, Trường rút kinh nghiệm, sửa đổi chương trình, giáo trình và bổ sung đưa thời gian đào tạo trung cấp lên 02 năm. Trong các khoá đào tạo trung cấp toà án, Trường đã chú trọng đào tạo cán bộ miền núi, đặc biệt là đã tiến hành đào tạo nguồn để bổ sung đội ngũ cán bộ cho các tỉnh phía Nam sau này. Cụ thể, Trường đã mở một lớp riêng cho cán bộ miền núi và một lớp cho cán bộ miền Nam do Uỷ ban thống nhất điều động ra. Ngoài việc mở các lớp tập trung tại trường, Trường Cán bộ Toà án đã triển khai hình thức đào tạo cán bộ tại chỗ. Hình thức đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng ngay được cán bộ tư pháp của từng ngành, từng địa phương.

- Từ năm 1975 đến năm 1982:

Từ sau ngày 30/4/1975, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, yêu cầu đào tạo cán bộ pháp lý không chỉ ở miền Bắc mà là một yêu cầu rất lớn và cấp bách cần phải mở trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý cho các tỉnh phía Nam. Xuất phát từ yêu cầu khách quan đó, cuối năm 1975, Trường cán bộ Toà án ở Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập. Lúc đầu, Trường mở các lớp ngắn hạn cấp tốc để đáp ứng ngay đội ngũ cán bộ cho các toà án cấp huyện. Đến cuối năm 1976, ngoài việc bồi dưỡng cho các lớp ngắn hạn, Trường bắt đầu đào tạo các lớp trung cấp pháp lý. Ở miền Bắc, tại Hà Nội, Trường cán bộ Toà án sau khi mở nhiều lớp bồi dưỡng và đào tạo trung cấp, đến năm 1977, Trường đã nâng lên đào tạo hệ cao đẳng toà án. Khi mới nâng lên đào tạo hệ cao đẳng, Trường đã tổ chức đào tạo các lớp cao đẳng toà án tập trung tại Trường. Thời gian đào tạo là 3 năm. Ngoài việc đào tạo hệ cao đẳng tại Trường, Trường còn mở 01 lớp cao đẳng cho Toà án Quân sự Trung ương và một số lớp trung cấp cho các tỉnh phía Bắc. Tỉnh đến năm 1980, Trường đã đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng tập trung tại trường được 3.019 người; một lớp cao đẳng cho Toà án Quân sự Trung ương là 60 người; Đào tạo trung cấp tại 9 tỉnh được 367 người (Báo cáo tổng kết 1960-1980 của Trường Cán bộ Toà án).

Việc thành lập Trường Cán bộ Toà án ở Hà Nội và Trường Trung cấp Toà án ở Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Toà án nhân dân tối cao đã phần nào đáp ứng được đội ngũ cán bộ cho ngành toà án.

Năm 1979, Trường Tư pháp Trung ương (hay Trường cán bộ tư pháp) được đổi tên thành Trường Cao đẳng Toà án.[18] Nhiều thế hệ cán bộ Tòa án các cấp và cơ quan tư pháp khác đã được đào tạo và trưởng thành từ Trường Cán bộ Tòa án.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức Bộ Tư pháp, theo đó, khoản 6 Điều 2 Nghị định này quy định Bộ Tư pháp có nhiệm vụ: “đào tạo, bồi dưỡng và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp lý”, đồng thời, khoản 9 Điều 4 của Nghị định quy định trong thành phần tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp có “Trường Đại học pháp lý”.

Kết quả nghiên cứu tại Đề tài cấp Bộ: “50 năm ngành Tư pháp Việt Nam”[19] đã chỉ ra rằng: “Căn cứ vào Nghị định số 143-HĐBT nói trên và các văn bản pháp luật khác của Nhà nước, Toà án nhân dân tối cao, trong năm 1982 đã bàn giao Trường cán bộ Toà án và Trường Trung cấp Toà án ở Thành phố Hồ Chí Minh về Bộ Tư pháp. Sau khi nhận bàn giao hai trường trên từ Toà án nhân dân tối cao về Bộ Tư pháp, ngày 06/10/1982, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 176/QĐ-TC hợp nhất Trường Đại học pháp lý Hà Nội và Trường Cán bộ Toà án tại Hà Nội thành Trường Đại học pháp lý Hà Nội.[20] […] Còn Trường Trung cấp Toà án ở phía Nam đổi tên thành Trường Trung học pháp lý Thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 1982, ở nước ta chỉ còn 01 Trường Đại học pháp lý Hà Nội, 01 Trường Trung học pháp lý Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tư pháp và 01 Trường Cao đẳng Kiểm sát thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là có đào tạo cán bộ pháp lý. Tính đến khi Trường Cán bộ Toà án thuộc Toà án nhân dân tối cao được bàn giao về Bộ Tư pháp, Trường đã đào tạo được 5 khoá cao đẳng toà án với số lượng trên dưới 700 người. Còn 6 khoá mới chiêu sinh thì Trường hợp nhất với Trường Đại học pháp lý Hà Nội”.

Như vậy, theo quy định trên thì kể từ ngày 06/10/1982, Trường Cán bộ Toà án tại Hà Nội đã sáp nhập vào Trường Đại học pháp lý Hà Nội.

- Từ năm 1982 đến ngày 23/8/1994:

Trong giai đoạn sáp nhập vào Trường Đại học pháp lý Hà Nội (1982-1994), Trường Cán bộ Toà án vẫn duy trì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm, kỹ năng xét xử. Các hoạt động này vẫn được duy trì thường xuyên qua các Hội nghị chuyên đề.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của Trường cán bộ tư pháp trước đây và sau này là Trường Cán bộ Toà án, ngày 20/5/1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 210/UBTVQH khóa IX phê chuẩn thành lập lại Trường Cán bộ Toà án trực thuộc TANDTC. Trên cơ sở Nghị quyết số 210/UBTVQH này, ngày 23/8/1994, Chánh án TANDTC ra Quyết định số 100/TCCB về việc thành lập Trường bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Hội thẩm và cán bộ của các Tòa án với tên gọi là "Trường Cán bộ Tòa án" thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

Trường Cán bộ Toà án có chức năng, nhiệm vụ, gồm: “1. Lập kế hoạch, xây dựng chương trình nội dung bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ Tòa án, trên cơ sở đó bố trí các giảng viên trong hoặc ngoài ngành Tòa án để giảng dạy theo nội dung và chương trình đã lập, để tổ chức các lớp học ngắn hạn hoặc dài hạn. Đối tượng của các lớp học đó là: Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký của các Tòa án, trước hết là Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên, Thư ký của Tòa án nhân dân tối cao. 2. Tham gia công tác nghiên cứu khoa học xét xử, hoặc các công tác khác khi được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân công. 3. Quản lý cơ sở vật chất của Trường, quản lý học viên trong thời gian mở lớp và đảm bảo phục vụ các yêu cầu về ăn, ở cho các học viên nội trú tại Trường” (Điều 2 Quyết định số 100/TCCB).

Như vậy, theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 111/2018/NĐ-CP thì ngày 23/8/1994 có thể được gọi là Ngày tái lập Trường Cán bộ Toà án, vì đây là ngày đánh dấu sự thành lập lại bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền là Quyết định của Chánh án TANDTC sau quá trình Trường Cán bộ Toà án sáp nhập vào Trường Đại học pháp lý Hà Nội. Có thể nói, ngày 23/8/1994 là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tập thể lãnh đạo, giảng viên và người lao động của Trường Cán bộ Toà án trước đây và HVTA ngày nay.

Nhìn lại suốt chặng đường dài gần 35 năm (1960-1994): từ ngày 11/02/1960 thành lập Trường cán bộ tư pháp đến ngày 23/8/1994 là tái lập lại Trường Cán bộ Toà án, Trường cán bộ tư pháp tiền thân của HVTA ngày nay đã có quá trình hình thành, phát triển được ghi nhận thông qua sự trưởng thành của nhà trường từ phát triển đội ngũ giảng viên; đa dạng và phát triển cấp đào tạo từ thấp lên cao (từ trung cấp pháp lý lên cao đẳng pháp lý, đa dạng các khoá đào tạo nghề xét xử từ ngắn hạn đến dài hạn); số lượng cán bộ được đào tạo ngày càng tăng với chất lượng ngày càng cao được xã hội đón nhận. Những kết quả này luôn được kế thừa, duy trì và phát triển trong suốt chặng đường dài mà không phụ thuộc vào những thay đổi khách quan của lịch sử như sự giải thể đơn vị chủ quản; thay đổi tên gọi; sáp nhập vào cơ sở đào tạo khác; …

(3) Từ năm 1994 đến năm 2014:

Ngày 23/8/2014, Trường Cán bộ Toà án đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập nhà trường (23/8/1994-23/8/2014), đánh dấu thời điểm hình thành và chặng đường phát triển tiếp theo của HVTA. Sau 20 năm thành lập lại, Trường Cán bộ Toà án đã trải qua các giai đoạn xây dựng, phát triển khác nhau với những chức năng, nhiệm vụ ngày càng quan trọng, với cơ cấu tổ chức, bộ máy nhà trường ngày càng được kiện toàn về cả mặt số lượng và chất lượng.

Ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị có Thông báo số 116/TB/TW về việc đào tạo cán bộ của ngành TAND và ngành Kiểm sát nhân dân, theo đó, Bộ Chính trị đã “đồng ý để Tòa án nhân dân được đào tạo nghề Thẩm phán”. Sau 20 năm thành lập lại và phát triển (1994-2014), Trường Cán bộ Tòa án đã từng bước lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất trực thuộc hệ thống TAND, góp phần quan trọng vào thành tích chung của TAND. Kỷ niệm lần thứ 20 ngày tái lập cũng là thời điểm Trường Cán bộ Tòa án bước vào giai đoạn phát triển mới với những bước tiến quan trọng. Những thành tích đã đạt được và sức trẻ của tuổi 20 đã và sẽ là hành trang đáng tự hào và niềm tin để Trường Cán bộ Tòa án cất cánh, sẵn sàng đón nhận những nhiệm vụ mới, những vinh dự mới trong tương lai.[21]

(4) Từ năm 2015 đến năm nay:

Theo lộ trình của Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án” theo Quyết định số 07/2011/QĐ-CA ngày 03/6/2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì sau năm 2020, Trường Cán bộ Tòa án mới nâng lên thành Học viện Tòa án. Tuy nhiên, trước vị thế mới của Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn khách quan nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn hệ thống Tòa án, ngày15/4/2014, Chánh án TANDTC đã ký Quyết định số 32/QĐ-TANDTC về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự án Thành lập Học viện Tòa án để nghiên cứu xây dựng Đề án Thành lập Học viện Tòa án nhằm đảm bảo xây dựng Học viện theo đúng mục tiêu, yêu cầu, đúng trình tự quy định của pháp luật. Sau đó, ngày 17/12/2014, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 2584/TTg-KGVX Đồng ý chủ trương thành lập Học viện Tòa án, trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội”.

Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị về việc đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành Kiểm sát nhân dân tại Thông báo số 116-TB/TW ngày 27/12/2012 và Công văn số 2584/TTg-KGVX ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương thành lập Học viện Tòa án, được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo TANDTC, ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg về việc Thành lập HVTA trên cơ sở Trường Cán bộ Toà án. Quyết định số 1191/QĐ-TTg ghi rõ:

Điều 1. Thành lập Học viện Tòa án trên cơ sở Trường Cán bộ Tòa án.

Học viện Tòa án có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Học viện Tòa án là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Căn cứ vào khái niệm “Ngày thành lập được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 111/2018/NĐ-CP Ngày thành lập là ngày có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời bằng văn bản thành lập của cơ quan có thẩm quyền” thì ngày 30 tháng 7 phù hợp và thoả mãn tiêu chí là Ngày thành lập Học viện Toà án.

Trên cơ sở Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 30/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HVTA, ngày 25/3/2016 Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 386/2016/QĐ-TANDTC về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HVTA. Theo đó, Quyết định số 386/2016/QĐ-TANDTC quy định HVTA có vị trí là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Toà án trực thuộc TANDTC, hoạt động theo Luật tổ chức TAND, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều lệ trường đại học. HVTA có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội và Phân viện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một trong những cái nôi sớm nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo Thẩm phán, cán bộ ngành TAND, trước yêu cầu nâng cao chất lượng xét xét và thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, HVTA không ngừng được kiện toàn tổ chức bộ máy, được bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới như trước nhu cầu tăng nguồn công chức đầu vào có chất lượng cho các cơ quan Toà án địa phương, HVTA được bổ sung thêm chức năng đào tạo hệ đại học và sau đại học chuyên ngành luật. Là một cơ sở đào tạo đại học và đào tạo nghề Thẩm phán công lập của Nhà nước, HVTA phải không ngừng cải cách, đổi mới phù hợp với chủ trương phát triển giáo dục đại học, chuyển đổi số trong giáo dục đại học, giáo dục nghề và yêu cầu cải cách hệ thống TAND để cung cấp nguồn nhân lực pháp luật, nguồn nhân lực tư pháp chất lượng cao cho đất nước.

3. Kết luận

Từ phân tích những tài liệu lịch sử và quy định của pháp luật nêu trên cho thấy việc đề xuất lấy ngày 11 tháng 02 hằng năm là ngày truyền thống Học viện Toà án là hoàn toàn có cơ sở vì phù hợp với nội hàm khái niệm ngày truyền thống và các tiêu chí ngày truyền thống theo quy định. Ngày 11 tháng 02 hằng năm sẽ là mốc thời gian quan trọng đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ - sự ra đời của “Trường cán bộ tư pháp” - tiền thân của Trường Cán bộ Toà án, Trường Cao đẳng Toà án trước đây và nay là Học viện Toà án. Đồng thời, ngày 23 tháng 8 hằng năm là ngày tái lập Trường Cán bộ Toà án; ngày 30 tháng 7 hằng năm là ngày thành lập Học viện Toà án./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Học viện Toà án, http://hvta.toaan.gov.vn/https://congly.vn/hoc-vien-toa-an-56-nam-xay-dung-va-phat-trien-103856.html: đăng trên Báo điện tử Công lý ngày 28/3/2016.

2. PGS. TS Nguyễn Đức Bình, Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển:

3. PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Những chặng đường vẻ vang của Toà án nhân dân Việt Nam: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/nhung-chang-duong-ve-vang-cua-toa-an-nhan-dan-viet-nam#:~:text=Ng%C3%A0y%2013%2D9%2D1945%2C,qu%C3%A2n%20s%E1%BB%B1%20trong%20c%E1%BA%A3%20n%C6%B0%E1%BB%9Bc; ngày đăng 24/12/2023.

4. Trần Quang Huy, Trường Cán bộ Tòa án: 20 năm xây dựng và phát triển, phấn đấu trở thành Học viện Tòa án: https://congly.vn/truong-can-bo-toa-an-20-nam-xay-dung-va-phat-trien-phan-dau-tro-thanh-hoc-vien-toa-an-9403.html ; đăng trên Báo điện tử Công lý ngày 23/8/2014.

5. Trường Đại học Luật Hà Nội, Quá trình hình thành và phát triển https://hlu.edu.vn/News/Details/12; ngày đăng 01/9/2020.

6. Học viện Toà án, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676661/27677412.


[1] Trần Quang Huy, Trường Cán bộ Tòa án: 20 năm xây dựng và phát triển, phấn đấu trở thành Học viện Tòa án: https://congly.vn/truong-can-bo-toa-an-20-nam-xay-dung-va-phat-trien-phan-dau-tro-thanh-hoc-vien-toa-an-9403.html ; đăng trên Báo điện tử Công lý ngày 23/8/2014.

[2] PGS. TS Nguyễn Đức Bình, Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển:

https://congly.vn/hoc-vien-toa-an-56-nam-xay-dung-va-phat-trien-103856.html: đăng trên Báo điện tử Công lý ngày 28/3/2016.

[3] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 38-39.

[5] Trần Quang Huy, Trường Cán bộ Tòa án: 20 năm xây dựng và phát triển, phấn đấu trở thành Học viện Tòa án, https://congly.vn/truong-can-bo-toa-an-20-nam-xay-dung-va-phat-trien-phan-dau-tro-thanh-hoc-vien-toa-an-9403.html; ngày đăng 23/8/2014; PGS. TS Nguyễn Đức Bình Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển: https://congly.vn/hoc-vien-toa-an-56-nam-xay-dung-va-phat-trien-103856.html; ngày đăng 28/3/2016.

[6] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 15.

[7] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 15.

[8] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 102103.

[9] “Theo Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ được thông qua ngày 14/7/1960 thì “Trong thành phần Chính phủ không còn có Bộ Tư pháp nữa” và không có văn bản quy định sự giải thể Bộ Tư pháp và công việc của Bộ được chuyển giao cho các cơ quan nào. Trong thực tiễn chỉ đạo, công việc của Bộ Tư pháp đã giao phần lớn cho Toà án nhân dân tối cao và một phần cho Vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng” (Trích Đề tài cấp Bộ “50 năm ngành Tư pháp Việt Nam” của Viên Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp (2002).

[10] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 32.

[11] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 102.

[12] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 46-47.

[13] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 130.

[14] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 130.

[15] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài NCKH cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 39.

[16] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 130.

[17] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 131-133.

[18] Trần Quang Huy, Trường Cán bộ Tòa án: 20 năm xây dựng và phát triển, phấn đấu trở thành Học viện Tòa án, https://congly.vn/truong-can-bo-toa-an-20-nam-xay-dung-va-phat-trien-phan-dau-tro-thanh-hoc-vien-toa-an-9403.html; ngày đăng 23/8/2014; PGS. TS Nguyễn Đức Bình Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển: https://congly.vn/hoc-vien-toa-an-56-nam-xay-dung-va-phat-trien-103856.html; ngày đăng 28/3/2016.

[19] Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp, Đề tài cấp Bộ, 50 năm ngành Tư pháp Việt Nam, mã số: 96-98-035/ĐT, 2002, tr. 135-136.

[20] Đến năm 1993, Trường Đại học pháp lý Hà Nội đổi tên thành Trường Đại học Luật Hà Nội trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp (theo Quyết định số 369-QĐ/TC ngày 06/7/1993 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), xem thêm: Xem thêm, Trường Đại học Luật Hà Nội, Quá trình hình thành và phát triển https://hlu.edu.vn/News/Details/12; ngày đăng 01/9/2020.

[21] Học viện Toà án, http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676661/27677412.

TS. Nguyễn Văn Nghĩa - Giảng viên Học viện Toà án