Nguyên tắc “Suy đoán vô tội”

Nội dung nguyên tắc: "Suy đoán vô tội" rất ngắn gọn, nhưng hiểu như thế nào là đúng để thực hiện mới là vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần quan tâm. Vì đến nay, chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nguyên tắc này.

Về nguyên tắc “Suy đoán vô tội” 

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) được 2015 xây dựng và thực hiện theo 27 nguyên tắc cơ bản (từ Điều 7 đến Điều 33). Trong 27 nguyên tắc cơ bản, có nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” (quy định tại Điều 13). Nguyên tắc này, mới bổ sung và quy định lần đầu tiên trong pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta. Nội dung nguyên tắc “Suy đoán vô tội” như sau:

“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Nội dung nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” rất ngắn gọn (có 90 từ), nhưng hiểu như thế nào là đúng để thực hiện mới là vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần quan tâm. Vì đến nay, chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nguyên tắc này.

Theo nhận thức của chúng tôi, nguyên tắc “Suy đoán vô tội” có các nội dung chính sau đây:

Nội dung 1: Thời gian người bị buộc tội được coi là không có tội được tính từ khi: người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự cho đến khi được chứng minh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và có bản án của Tòa án kết tội đã có hiệu lưc pháp luật. Thời gian này, nhiều hay ít là phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thiệt hại xảy ra và sự khai nhận của người thực hiện hành vi vi phạm. Ví dụ 1: A bị khởi tố về hình sự, trong thời gian điều tra vụ án, A thành khẩn khai nhận việc thực hiện hành vi phạm tội, cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về việc thực hiện tội phạm thì thời gian điều tra, truy tố được rút ngắn. Tại phiên tòa, bị cáo nhận đã thực hiện các hành vi phạm tội và thiệt hại xảy ra là do bị cáo gây ra, thì việc xét xử của Tòa án cũng tốn ít thời gian, sau phiên tòa sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành.

Ví dụ 2: B bị khởi tố về hình sự, trong thời gian điều tra vụ án, B không khai nhận thực hiện hành vi vi phạm. Việc điều tra, thu thập chứng cứ tốn nhiều thời gian. Khi Tòa án xét xử, bị cáo không thành khẩn. Việc xét xử của Tòa án phải xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm và bản án phúc thẩm của Tòa án mới có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này, thời gian giải quyết vụ án kéo dài hơn trường hợp đối với A trong ví dụ 1.

Nội dung 2:  Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định của BLTTHS thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Quy định này là rõ ràng, dứt khoát ở chỗ khi không đủ căn cứ để buộc tội hoặc khi không thể làm sáng tỏ được căn cứ buộc tội, kết tội thì cơ quan điều tra vụ án hoặc Tòa án xét xử bị cáo phải kết luận bị can, bị cáo không phạm tội.

Nội dung 3: Trong nguyên tắc “Suy đoán vô tội” có các cụm từ: “buộc tội“, “kết tội“. Các cụm từ này được hiểu như thế nào là đúng? Nội dung này, theo nhận thức của chúng tôi thì: cụm từ “buộc tội” không đồng nghĩa với cụm từ “kết tội”. Vì theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì buộc tội được thực hiện từ khi khởi tố về hình sự đối với bị can cho đến khi Tòa án ra bản án tuyên bố bị cáo phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Viện Kiểm sát là cơ quan có chức năng thực hiện buộc tội đối với bị can bằng cách ra bản Cáo trạng truy tố trước Tòa án. Còn kết tội do Tòa án thực hiện chức năng xét xử đối với người bị buộc tội truy tố trước Tòa án. Khi Tòa án xác định Viện Kiểm sát truy tố, buộc tội bị cáo là có căn cứ và Tòa án ra bản án tuyên bố bị cáo phạm tội.

Thực tiễn  điều tra, truy tố, xét xử

Nguyên tắc “suy đoán vô tội” mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016 khi BLTTHS có hiệu lực thi hành đến nay. Tuy chưa có vụ án thể hiện vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” một cách rõ ràng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng khi giải quyết vụ án mà việc đánh giá chứng vụ án có khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền căn cứ vào nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” để giải quyết lại vụ án.

Xin bàn về một vụ án cụ thể Vũ Phan Điền ở tỉnh Ninh Bình được báo Tuổi trẻ số 276/2016 (8457) ngày 10-10-2016 phản ánh với tiêu đề bài báo “Kỳ án Vũ Phan Điền” có nội dung: Hồ sơ thể hiện sáng 6-12-2012, Vũ Phan Điền đi xe máy đến đền Nước, thị xã Tam Điệp (Ninh Bình). Trong lúc dừng xe chờ tàu đi qua thì gặp tổ công tác Công an thị xã Tam Điệp đang đi tuần tra. Nghi vấn Điền liên quan đến ma túy nên đã kiểm tra giấy tờ tùy thân và đưa Điền cùng xe máy về Công an phường Trung Sơn để làm việc. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bên trong mặt nạ xe máy của Điền có một túi nilông chứa tám gói giấy bạc nhỏ màu vàng, trong mỗi gói đều chứa chất bột màu trắng. Điền khai heroin mua của một người đàn ông không quen biết về sử dụng.

Tháng 3 năm 2013, TAND thị xã Tam Điệp tuyên phạt Vũ Phan Điền 33 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Anh Điền kháng cáo kêu oan, TAND tỉnh Ninh Bình xử phúc thẩm đã hủy bán ản sơ thẩm để điều tra lại vụ án, vì cho rằng cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng, trình tự, thủ tục thu giữ vật chứng của Điền là vi phạm tố tụng, biên bản quả tang đã bị sửa chữa một số cụm từ có tính chất xác định sự thật của vụ án…

Bản án phúc thẩm này bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, TAND thị xã Tam Điệp xét xử sơ thẩm lần thứ hai vẫn kết tội anh Vũ Phan Điền phạm tội: “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và xử phạt 33 tháng tù. Anh Điền kháng cáo kêu oan, TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm lần thứ hai đã ra bản án phúc thẩm tuyên bố anh Vũ Phan Điền không phạm tội và đình chỉ vụ án, trả tự do cho anh Điền.

Bản án phúc thẩm lần thứ hai của TAND tỉnh Ninh Bình lại bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó TAND thị xã Tam Điệp xét xử sơ thẩm lần thứ ba, đã ra bản án tuyên bố anh Vũ Phan Điền phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và xử phạt 24 tháng tù (giảm 9 tháng tù so với bản xét xử lần thứ nhất và thứ hai). TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm lần thứ ba tiếp tục tuyên bố anh Vũ Phan Điền không phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy và trả tự do cho anh Vũ Phan Điền tại phiên tòa.

Bài báo còn cho biết ý kiến của ông Chu Văn Danh – Phó Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Ninh Bình về vụ án này như sau: “Vụ án có nhiều mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là biên bản bắt người phạm tội quả tang đã bị sửa đổi và không có chữ ký của bị cáo. Thứ hai, trong hai nhân chứng thì một người nói không chứng kiến việc thu giữ ma túy. Bằng lập trường và niềm tin nội của mình, chúng tôi tuyên bố bị cáo vô tội…”

Bản án phúc thẩm lần thứ ba của TAND tỉnh Ninh Bình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Tại quyết định số 09 ngày 20/9/2016 TAND cấp cao đã hủy bản án phúc thẩm lần thứ ba của TAND tỉnh Ninh Bình để xét xử phúc thẩm lại. TAND tỉnh Ninh Bình xét xử phúc thẩm lần thứ tư đã quyết định y án sơ thẩm, tuyên bố anh Vũ Phan Điền phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và phải chịu hình phạt tù theo bản án sơ thẩm.

Một số độc giả báo Tuổi trẻ cũng như tác giả cho rằng vụ án như ý kiến của ông Chu Văn Danh đã xác định là: chứng cứ của vụ án có nhiều mâu thuẫn, không đúng với quy định của pháp luật tố tụng hình sự như: biên bản bắt người phạm tội quả tang đã bị sửa đổi, không có chữ ký của bị cáo, có nhân chứng nói không chứng kiến việc thu giữ ma túy của bị cáo… mà vẫn kết án là trái với các Điều 55, 64, 84 BLTTHS năm 2003 (Điều 55 quy định: “Người làm chứng”. Điều 64 quy định: “Chứng cứ”, Điều 84 quy định: “Biên bản về việc bắt người”)

Trong Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao cũng xác nhận trong điều tra có một số thiếu sót về thu giữ vật 47chứng, về người làm chứng nhưng lại cho rằng các thiếu sót đó không làm thay đổi bản chất nội dung vụ án nên vẫn xác định anh Vũ Phan Điều phạm tội.

Chúng tôi liên hệ đến một số vụ án oan trong thời gian BLTTHS năm 2003 chưa quy định nguyên tắc “Suy đoán vô tội” để thấy rằng BLTTHS năm 2015 quy định nguyên tắc “Suy đoán vô tội” là đúng đắn, cần thiết, để cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng làm đúng pháp luật, khách quan, vô tư.

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang là một vụ điển hình. Tại phiên tòa sơ thẩm ông Chấn kêu oan nhưng TAND tỉnh Bắc Giang đã ra bản án tuyên bố ông Chấn phạm tội “Giết người” và xử phạt ông Chấn tù chung thân. Ông Chấn kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27-7-2004 Luật sư bào chữa cho ông Chấn trình bày và đề nghị làm rõ các tình tiết sau đây:

Tình tiết 1: Ông Chấn có giết chị Nguyễn Thị Hoan không? Vì thời điểm chị Hoan bị giết ghi trong Cáo trạng thì thời điểm đó có một số nhân chứng khai là gặp ông Chấn tại nhà ông Chấn để gọi điện thoại thuê (nhà ông Chấn làm dịch vụ điện thoại).

Tình tiết 2: Làm rõ số đo dấu chân tại hiện trường vụ án có đúng là dấu chân của ông Chấn hay không? Vì số đo dấu chân của kẻ giết chị Nguyễn Thị Hoan để lại tại hiện trường vụ án có khác với số đo dấu chân của ông Chấn khi ông Chấn thực nghiệm điều tra. Tuy nhiên, đề nghị của Luật sư không được chấp nhận và Tòa án xét xử phúc thẩm đã ra bản án phúc thẩm, tuyên bố y án sơ thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Chấn kêu oan theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng không được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền chấp nhận.

Đến ngày 25/10/2013, Lý Nguyên Chung kẻ giết chị Nguyễn Thị Hoan ra đầu thú với cơ quan pháp luật và khai nhận mình là người giết chị Hoan vào tối ngày 15/8/2003 để lấy của chị Hoan 02 chỉ vàng… Kết quả là ông Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan hơn 10 năm mới được minh oan theo thủ tục tái thẩm.

Hay vụ án ông Hàn Đức Long cũng ở tỉnh Bắc Giang. Ngày 24/9/2011 TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm đối với ông Hàn Đức Long về các tội hiếp dâm trẻ em và tội giết người. Ông Hàn Đức Long kêu oan. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bắc Giang đã ra bản án tuyên bố ông Hàn Đức Long phạm các tội “Hiếp dâm trẻ em” và tội “Giết người”. Hình phạt là tử hình về tội hiếp dâm trẻ em, tù chung thân về tội giết người. Hình phạt chung của hai tội là tử hình. Ông Long kháng cáo kêu oan.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm các Luật sư bào chữa cho ông Long trình bày. Lời nhận tội của ông Long không phù hợp với một số điểm ở hiện trường vụ án như dấu vết trên thi thể cháu Yến, không phù hợp về không gian, thời gian và việc sử dụng thời gian để phạm tội nên đề nghị xử ông Long không phạm tội. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội đã ra bản án phúc thẩm số 706/2011/HSPT ngày 29-11-2011 tuyên bố không chấp nhận kháng cáo của ông Hàn Đức Long và y án sơ thẩm. Trong thời gian chờ đợi thi hành hình phạt tử hình, ông Long có nhiều đơn kêu oan gửi đến cơ quan cấp cao của Đảng, Nhà nước đề nghị minh oan.

Ngày 9/5/2014 Chánh án TANDTC ra Quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 706/2011/HSPT ngày 29/11/2011 của Tòa án phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và đối với bản án hình sự sơ thẩm số 48/2011/HSST ngày 24/9/2011 của TAND tỉnh Bắc Giang.

Hai bản án bị kháng nghị đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC chấp nhận kháng nghị và quyết định hủy hai bản án bị kháng nghị để điều tra lại vụ án. Với lý do có nhiều vi phạm trong điều tra vụ án.

Kết quả điều tra lại vụ án đã kết luận không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Hàn Đức Long về các tội danh đã bị khởi tố. Căn cứ vào kết quả điều tra lại. Ngày 20/12/201 VKSND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định đình chỉ vụ án, ông Hàn Đức Long được trả tự do theo Quyết định số 04/KSĐ-TA ngày 20/12/2016 của VKSND tỉnh Bắc Giang. Tính ra ông Hàn Đức Long đã bị tù oan hơn 11 năm (tạm giam từ ngày 19/10/2005)

Ngoài  những vụ án nêu ở trên, còn có những vụ án oan khác, trong đó có ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận bị tù oan hơn 17 năm mới được giải oan theo thủ tục tái thẩm. Với lý do là ngày 10/10/2015 Công an tỉnh Bình Thuận bắt được Nguyễn Văn Thọ kẻ giết người cướp tài sản gây ra vụ án oan.

Nhìn lại hai vụ án oan mà chúng tôi trình bày ở trên, chúng ta dễ nhận thấy là: Việc điều tra vụ án không được bảo đảm sự thật khách quan và việc xét xử của Tòa án không đánh giá khách quan về kết quả tranh tụng tại phiên tòa theo quy định: “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…”

BLTTHS năm 2015 có quy định nguyên tắc “Suy đoán vô tội” thì cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng càng phải đề cao trách nhiệm xác định sự thật của vụ án theo các nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” và nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” quy định tại các Điều 13, Điều 15 BLTTHS năm 2015. Có như vậy mới khắc phục được việc kết tội oan người vô tội.

3.Đề nghị

Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” là nguyên tắc mới quy định. Để bảo đảm sự nhận thức và thực hiện thống nhất nguyên tắc này. Chúng tôi đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn thực hiện nguyên tắc này và giải thích: những trường hợp như thế nào được xác định là trường hợp: không đủ và không thể làm tỏ được căn cứ buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục quy định trong BLTTHS năm 2015.

 

ĐỖ VĂN CHỈNH