Pháp luật về trợ giúp pháp lí cho người nghèo và trẻ em qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Trợ giúp pháp lý (TGPL) là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý giúp cho họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Trong những năm qua, đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến người nghèo và trẻ em do nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên tình trạng vi phạm pháp luật, bị xâm hại vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Theo quy định tại Điều 7 Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực ngày 1-1-2018 người nghèo và trẻ em thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Theo thống kê trên toàn quốc hiện có trên 26,3 triệu trẻ em, trong đó có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 5,43% tổng số trẻ em. Mỗi năm, có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý. Năm 2016, có 1.724 em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.155 trẻ em bị xâm hại tình dục, chiếm 67%. Năm 2017, có 1.642 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 1.397 em bị xâm hại tình dục, chiếm 85,1%. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 790 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 605 em bị xâm hại tình dục, chiếm 76,6%[1]. Số hộ nghèo năm 2017 trên cả nước được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam công bố là 1.642.489 hộ trên tổng số 24.511.255 hộ dân, chiếm tỷ lệ 6,7%. Ước tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%. Trong năm 2018, toàn quốc đã thực hiện việc trợ giúp pháp lý 491 vụ việc cho 497 đối tượng. Đối tượng trong các vụ việc có TGPL tham gia chủ yếu là dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, qua 20 năm hình thành và phát triển, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã tiếp nhận và xử lý được 23.074 vụ việc, trong đó tư vấn pháp luật 20.875 vụ việc, tham gia tố tụng 2.052 vụ việc, hình thức khác 147 vụ việc; trong đó Dân sự- Hôn nhân và gia đình 7.226 vụ việc, Hình sự 2.560 vụ việc, Hành chính 3.505 vụ việc và lĩnh vực khác 9.783 vụ việc, đa số các vụ việc mà Trung tâm trợ giúp pháp lý tiếp nhận và xử lý thường liên quan đến người nghèo và trẻ em. Tuy nhiên, trước sự phát triển về nền kinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo tăng lên, còn một số bộ phận đáng kể người dân còn nghèo; trình độ hạn chế, không nắm rõ các quy định pháp luật; các tệ nạn xã hội phát triển; tranh chấp gia tăng[2],… Đó những rủi ro, thách thức mà người nghèo và trẻ em ở Việt Nam đang phải đối mặt rất lớn, cần phải có sự quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó công tác trợ giúp pháp lý chưa thực sự đi sâu vào đời sống và chưa tạo được hiệu quả cao trong công tác. Các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lí trong đó có trợ giúp pháp lí cho người nghèo và trẻ em vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: một số quy định về công tác trợ giúp pháp lí chưa thống nhất, đồng bộ, chưa kịp thời bám sát thực tiễn dẫn đến chưa phù hợp và khả thi; một vài nơi chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác trợ giúp pháp lí, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về trợ giúp pháp lí. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền được trợ giúp và khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lí miễn phí cho người dân, đặc biệt là bà con sinh sống ở vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Mặt khác, tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ngày càng có nhiều người có nhu cầu được trợ giúp pháp lí trong các lĩnh vực như hành chính, đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chế độ chính sách; những hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nạn nhân bạo lực gia đình đều có nhu cầu được trợ giúp pháp lí cao để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, Luật Trợ giúp pháp lí hiện chưa có quy định về trợ giúp pháp lí miễn phí cho những đối tượng này nên họ vẫn phải chịu chi phí dịch vụ pháp lí trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn; nhận thức của người dân về pháp luật trợ giúp pháp lí còn thấp gây khó khăn không ít đến công tác thực hiện trợ giúp pháp lí cũng như chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lí cho người nghèo và trẻ em…

Thực tiễn hoạt động TGPL trong thời gian qua đã chứng minh chủ trương của Đảng về việc thành lập và phát triển hoạt động TGPL cho người nghèo và trẻ em ở nước ta là đúng đắn, góp phần góp phần thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đưa chủ trương xoá nghèo về pháp luật, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; góp phần nâng cao ý thức pháp luật, giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Từ thực tiễn đó đòi hỏi phải có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc trợ giúp pháp lí cho người nghèo và trẻ em trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Vấn đề cốt yếu là phải có các giải pháp hoàn thiện pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và trẻ em. Trong đó, đối với tư duy pháp lý trong xây dựng pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em phải bám sát định hưởng của Đảng và Nhà nước, bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại, việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em cần phải tập trung vào các vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức, thực hiện TGPL cho người nghèo và trẻ em;

Thứ hai, hoàn thiện các quy định của pháp luật về người được thụ hưởng TGPL;

Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực TGPL Tổ chức nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn việc thi hành Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành để tiếp tục mở rộng phạm vi các lĩnh vực mà người nghèo và các trẻ em khác sẽ được TGPL là một yêu cầu cần thiết hiện nay phải thực hiện. Cụ thể như, trong những năm gần đây, các chương trình giải trí với sự tham gia của đối tương là trẻ em tương đối phát triển… Song không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con mình, dẫn đến quyền lợi bị xâm phạm. Vì vậy, việc mở rộng lĩnh vực TGPL miễn phí sang lĩnh vực sở hữu trí tuệ là một yêu cầu cần thiết hiện nay mà tác giả thấy cần nghiên cứu và quy định trong Luật TGPL hiện hành;

Thứ tư, hoàn thiện các quy định của pháp luật về hình thức thực hiện TGPL;

Thứ năm, xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng vụ việc TGPL công khai minh hạch và hiệu quả;

Thứ sáu, hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động TGPL.

Bên cạnh đó, phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về trợ giúp pháp lý cho người nghèo và trẻ em như:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đội ngũ người thực hiện TGPL và chế độ đãi ngộ cho người thực hiện TGPL;

Tăng cường phối hợp của các tổ chức TGPL và các cơ quan, tố chức liên quan; Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em ở Việt Nam và nhận thức của nhân dân về quyền được TGPL;

Bảo đảm nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất cho các hoạt động TGPL;

Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý và tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của các nước và các tổ chức quốc tế;

Tăng cường tổ chức, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc thực hiện pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em.

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ và xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của công tác TGPL cho người nghèo và trẻ em đối với đời sống xã hội. Từ tình hình tổ chức và hoạt động TGPL trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này cho thấy cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em. Bài viết nghiên cứu và hệ thống các quy định của pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em trên phương diện lý luận và qua thực tiễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở đó đưa ra phương hướng và một số giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về TGPL cho người nghèo và trẻ em cũng như nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động TGPL ở Việt Nam, hi vọng rằng bài viết sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quan trọng này trong thời gian tới.

[1] Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về trẻ em tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em năm 2018

 

[2] Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế (2018), Kỷ yếu 20 năm xây dựng và phát triển (12/3/1998 – 12/3/2018).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Tư pháp (2015), Báo cáo tổng kết 8 năm thi hành luật trợ giúp pháp lý.

Bộ Tư pháp (2013), Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 ban hành Bộ Tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.

Bộ Tư pháp – Bộ Nội vụ (2008), Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07/11/2008 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Bộ Tư pháp (2017), Thông tư 08/2017/TT-BTP ngày 15/11/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL.

Bộ Tư pháp (2007), Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Quốc hội (2006), Luật trợ giúp pháp lý, Hà Nội.

Quốc hội (2017), Luật Trợ giúp pháp lý, Hà Nội.

Thủ tướng Chính phủ (1997), Quyết định số 734/QĐ-TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và trẻ em.

Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 phê duyệt đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 – 2025.

Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025.

 

Ths. NGUYỄN THỊ VÂN ANH ( Giảng viên Trường Đại học Luật – Đại học Huế)