Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giữa TANDTC và Bộ Tư pháp

Chiều ngày 8/4/2019, TANDTC và Bộ Tư pháp đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2023. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì lễ ký.

Tham dự lễ ký kết, về phía TANDTC có ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC; bà  Nguyễn Thúy Hiền, Phó Chánh án TANDTC, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Thông tin – tuyên truyền TAND; Các thành viên Hội đồng Thẩm phán và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc TANDTC.

 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến

 

Về phía Bộ Tư pháp có ông Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp; ông Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng, chuyên viên cao cấp Bộ Tư pháp và lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp.

 

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu ý kiến

 

Phát biểu tại Lễ ký kết, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Việc thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật hòa giải cơ sở; Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đánh dấu một bước phát triển mới quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi mà các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trong đời sống của cộng đồng dân cư ngày càng tăng về số lượng và đa dạng, phức tạp về nội dung mâu thuẫn, tranh chấp.

 

Chụp ảnh lưu niệm sau khi lễ ký kết thành công tốt đẹp

 

Việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên toàn quốc đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 107.561 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 651.215 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên nữ là 183.004 (chiếm 28,1%); số hòa giải viên là người dân tộc thiểu số là 165.146 (chiếm 25,4%). Đa phần các tổ hòa giải đều bảo đảm đúng, đủ thành phần, cơ cấu theo quy định. Số vụ việc hòa giải thành tính từ năm 2014 đến hết năm 2017 là 472.197/579.609 vụ việc hòa giải, đạt tỷ lệ 81,45%, tỷ lệ hòa giải thành tăng bền vững giữa các năm.

Hòa giải ở cơ sở với mục tiêu góp phần giải quyết có hiệu quả tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức; khôi phục, duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; duy trì và phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo tràn lan, vượt cấp, kéo dài, đặt ra nhiều giải pháp, trong đó công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng với vai trò, vị trí, chức năng nhiệm vụ của hai cơ quan là Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, Chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa này chắc chắn sẽ thành công, góp phần tích cực vào mục tiêu chấp hành pháp luật của xã hội hiện nay”. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, phổ biến pháp luật và hòa giải cơ sở là một trong những trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp, đã đạt được những kết quả quan trọng. Thời gian qua, Bộ Tư pháp luôn nhận được sự phối hợp của TANDTC cũng như Tòa án các cấp ở địa phương, trong đó có thực hiện nhiệm vụ về phổ biến giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận xét, ngành Tòa án vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Đó là lực lượng Thẩm phán có trí tuệ cao, hơn ai hết có thể thực hiện rất tốt việc phổ biến pháp luật và hòa giải thông qua hoạt động của mình. “Bộ Tư pháp coi đây là chương trình phối hợp quan trọng, chúng tôi cam kết sẽ huy động trí tuệ, cộng đồng trách nhiệm của các đơn vị liên quan; thực hiện tốt chương trình đã ký kết và mong phía ngành Tòa án cũng vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong giai đoạn 2019-2023, phát huy vị trí vai trò là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, TANDTC sẽ thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả Luật PBGDPL, Luật Hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo BLTTDS năm 2015. Tham gia tích cực, có chất lượng, hiệu quả vào các hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và Ban Thư ký giúp việc Hội đồng. Mặt khác, Tòa án các cấp đẩy mạnh lồng ghép PBGDPL trong nhân dân thông qua hoạt động xét xử của Tòa án; tích cực tham gia biên soạn các tài liệu phục vụ công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống TAND, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền PBGDPL, công tác hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp giới thiệu cán bộ, Thẩm phán Tòa án có kinh nghiệm, năng lực, trình độ tham gia làm Báo cáo viên pháp luật; tổng hợp, cập nhật, cung cấp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật các tài liệu chuyên sâu có liên quan phục vụ triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan trực thuộc tăng cường phối hợp với đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của TAND các cấp tích cực tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; cử chuyên gia, Báo cáo viên pháp luật tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện hoạt động hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư cho đội ngũ Hòa giải viên tại cơ sở. Tổ chức phối hợp triển khai sử dụng các kênh thông tin, truyền thông có hiệu quả của hai bên; có giải pháp thực hiện việc kết nối thông tin thông suốt, đồng bộ trên cơ sở tận dụng nguồn lực sẵn có, gắn với triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 – 2021” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Lồng ghép hiệu quả nội dung Chương trình phối hợp vào các Chương trình, Kế hoạch, Đề án đang triển khai có liên quan để tăng cường nguồn lực hỗ trợ hoạt động PBGDPL và hòa giải ở cơ sở.

Chương trình phối hợp xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, nhất là đơn vị đầu mối và cơ chế phối hợp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. TANDTC giao cho Báo Công lý; Bộ Tư pháp sẽ giao Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật là các đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ thường trực, tham mưu thực hiện đảm bảo các hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; định kỳ kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện. Ngay sau khi Chương trình được ký kết, các đơn vị TAND, TAQS các cấp và các cơ quan của Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.

HÙNG LAN