TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm cựu giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca

Sáng 26/6, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Ninh, TANDCC tại Hà Nội mở phiên toà xét xử phúc thẩm cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Đỗ Hữu Ca trong vụ án mua bán hoá đơn, đưa - nhận hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử, HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do ông Vũ Minh Tuấn làm chủ tọa phiên tòa. Bào chữa cho bị cáo Đỗ Hữu Ca có luật sư Bùi Phương Lan, luật sư Nguyễn Sơn Hải và luật sư Nguyễn Huyền Ly (Công ty Luật TNHH Lan Bùi và cộng sự). Vợ chồng bị cáo Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh không mời luật sư nên Tòa chỉ định luật sư bào chữa cho hai bị cáo này ở phiên tòa phúc thẩm.

Các bị cáo trong vụ án này có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Bị cáo Nguyễn Đình Đương (cựu Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng; bị tuyên phạt 6 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ"); Bị cáo Đặng Khắc Thành (trung gian mua bán hóa đơn; bị tuyên 18 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"); Bị cáo Hà Thị Bích Nhàn (trung gian mua bán hóa đơn; bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước").

Trương Xuân Đước (Giám đốc doanh nghiệp; bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"; 7 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 9 năm tù); Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (vợ Đước- bị tuyên phạt 18 tháng tù về tội "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước"; 3 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 4 năm 6 tháng tù).

Các bị cáo khác (chủ yếu ở nhóm tội “trốn thuế”, bị Tòa cấp sơ thẩm xử phạt tiền) đều không kháng cáo.

Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đỗ Hữu Ca cho rằng mức án mà Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo là quá nặng và quá khắc nghiệt. Bản thân bị cáo không có ý thức chiếm đoạt tiền của vợ chồng bị cáo Đước và Ngọc Anh.

Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, ông Ca mong muốn Tòa xem xét đến nguyên nhân, bối cảnh và ý thức chủ quan phạm tội của mình; bởi lẽ ông không vụ lợi, không hưởng lợi gì, không gian dối, không cố tình chiếm đoạt, lôi kéo, dụ dỗ để vợ chồng Đước mang tiền đến nhà mình. Ông Ca mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, xin được giảm nhẹ hình phạt, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội…

Trước đó, tại Bản án sơ thẩm, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh nhận định từ năm 2005 đến năm 2022, bị cáo Trương Xuân Đước cùng vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh quản lý, điều hành 25 công ty để mua bán trái phép hóa đơn kiếm lời, thu lợi bất chính hơn 41 tỷ đồng. Vợ chồng Đước đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương (Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cát Hải) và cấp dưới của Đương hơn 360 triệu đồng để được “tạo điều kiện” mua bán hóa đơn.

Để che giấu hành vi phạm tội, trốn tránh sự xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật, Đước và Ngọc Anh đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng để nhờ “chạy tội”. Bị cáo Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát khỏi việc bị xử lý về tội “mua bán trái phép hóa đơn” nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được và đã nhận, chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Đước.

TRIỆU HỒ

Bị cáo Đỗ Hữu Ca cùng 5 bị cáo có mặt tại phiên toà xét xử phúc thẩm - Ảnh: TK