TANDTC tổ chức tập huấn thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán
Ngày 9/10, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức khóa tập huấn về “Thực hiện Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc thi hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự ”. Đến dự và chủ trì tập huấn có ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC;
Tham dự tập huấn còn có ông Đặng Quang Phương, nguyên Phó Chánh án Thường trực TANDTC; bà Audrey Rochelemagne, Đại diện của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam; ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC cùng các Thẩm phán, cán bộ TAND các cấp.
Nằm trong chương trình phối hợp giữa TANDTC với Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thông qua Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE), mục tiêu của khóa tập huấn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng một số quy định mới của BLTTHS, BLHS và mối liên hệ với Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán trong việc giải quyết các vụ án hình sự; thảo luận về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũng như kỹ năng cần chú ý khi soạn thảo bản án hình sự.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại chương trình tập huấn
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, Thẩm phán là người được Chủ tịch nước bổ nhiệm để nhân danh Nhà nước thực hiện quyền tư pháp. Trọng trách của Thẩm phán rất nặng nề, sứ mệnh của Thẩm phán rất cao quý. Để xây dựng những chuẩn mực đạo đức cho đội ngũ Thẩm phán phấn đấu, rèn luyện và thực hiện, ngày 4/7/2018 Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
Ông Nguyễn Văn Du nhấn mạnh: Xét xử là công việc rất khó khăn, vất vả, rủi ro, nguy hiểm và nhiều cám dỗ, bởi đó là quá trình đi tìm sự thật đã được che giấu một cách tinh vi và trong nhiều trường hợp rất chuyên nghiệp. Nếu không rèn cho mình bản lĩnh vững vàng, sự liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực, Thẩm phán sẽ không thể hoàn thành được trọng trách của mình. Hoạt động xét xử là hoạt động “với con người” và “vì con người”, do đó đòi hỏi Thẩm phán phải hành xử một cách đúng mực, đúng pháp luật, tôn trọng con người.
Phán quyết của TAND thể hiện quyền lực nhà nước, vừa tạo ra chuẩn mực pháp lý, vừa tạo ra chuẩn mực đạo đức cho xã hội. Thẩm phán phải xem xét, đánh giá sự việc một cách cẩn trọng, đặt ra trong từng hoàn cảnh cụ thể trên nền tảng đạo đức xã hội để ra bản án thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử này đã hệ thống những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, tăng cường liêm chính tư pháp. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán là kim chỉ nam chi phối các hành vi ứng xử của Thẩm phán trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày.
Ngoài ra, chất lượng xét xử của đội ngũ Thẩm phán đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm sự công bằng, liêm chính, minh bạch của hệ thống Tòa án. Bởi vậy, sự ra đời của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử Thẩm phán là một chuẩn mực mà tất cả các Thẩm phán trong hệ thống Tòa án Việt Nam phải tuân thủ. Bộ Quy tắc này đã quy định rõ ràng và cụ thể các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, hành vi Thẩm phán không được làm hoặc phải tránh để đảm bảo sự liêm chính của Thẩm phán; là cơ sở để xem xét và xử lý kỷ luật đối với Thẩm phán nếu có hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử.
Tại buổi tập huấn, ông Trần Văn Thư, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TANDTC đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán như: Một số nguyên tắc, mạng lưới về đạo đức tư pháp; Giới thiệu Bộ quy tắc đạo đức tư pháp của một số nước; Ứng xử của Thẩm phán Việt Nam với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài…
Trong đó, một số nguyên tắc, mạng lưới về đạo đức tư pháp nổi bật như: Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp; Công ước về phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc; Mạng lưới liêm chính toàn cầu; Bộ quy tắc đạo đức tư pháp của Hoa Kỳ, Singapore, Israel…
Ông Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ quan điểm
Chủ đề thảo luận tại khóa tập huấn bao gồm: Những yếu tố căn bản về liêm chính mà một Thẩm phán cần ghi nhớ; Ý nghĩa thực tiễn một trong số các quy tắc Bangalore đối với Thẩm phán cả trong và ngoài phòng xử án; khi ứng xử với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, các Thẩm phán cần lưu ý gì…
Cũng tại buổi tập huấn, nhiều Thẩm phán đã tham gia vào thảo luận nhóm, đồng thời trình bày tỏ quan điểm, góc nhìn một cách trách nhiệm đối với từng chủ đề. Cùng với đó, các đại biểu tham gia trao đổi, tập trung nêu ra những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn tại địa phương mình đối với vấn đề có liên quan.
Khóa tập huấn này được đánh giá hữu ích đối với Thẩm phán, cán bộ Tòa án. Ngoài ra, đây không chỉ là diễn đàn để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm mà còn là dịp để các Thẩm phán trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết về cách giải quyết những tình huống khó xử liên quan đến đạo đức, tập trung vào các yêu cầu mà Thẩm phán cần chú ý khi xét xử các vụ án hình sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận