Thủ tục chuyển hồ sơ vụ án để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm
Yêu cầu chuyển hồ sơ để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là một trong những hoạt động bình thường trong tố tụng dân sự, tuy nhiên thủ tục chuyển hồ sơ này vẫn còn nhiều vướng mắc và chưa được áp dụng thống nhất.
1. Quy định của pháp luật hiện hành
Theo quy định tại Chương XX phần thứ năm của BLTTDS về thủ tục giám đốc thẩm thì chưa có quy định thủ tục chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 329 BLTTDS quy định: Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; trường hợp không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có văn bản thông báo, kiến nghị.
Như vậy, trong quá trình xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền đểm xem xét.
2.Thực tiễn áp dụng pháp luật
Trên cơ sở áp dụng quy định của BLTTDS thì hiện nay có hai quan điểm khi chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Quan điểm thứ nhất: Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định tạm đình chỉ với lý do chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc tạm đình chỉ như vậy dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tồn 01 vụ và vụ này đang tạm đình chỉ, thời gian tạm đình chỉ có thể 1 năm đến 3 năm ảnh hưởng đến số lượng án đang giải quyết, công tác thi đua của Tòa án cấp sơ thẩm.
Đồng thời, Tòa án có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vẫn phải báo số lượng đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm vẫn còn tồn 01 đơn, như vậy cùng một vụ án nhưng báo tồn ở hai nơi. Mặt khác, trong trường hợp Quyết định giám đốc thẩm hủy bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật và giữa nguyên bản án đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy thì Tòa án cấp sơ thẩm lại tiếp tục ra một quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với vụ án đã thụ lý mới do bị Tòa án cấp trên hủy giao về giải quyết lại theo thủ tục chung
Ví dụ như vụ án dân sự thụ lý số 33/2019/TLST-DS ngày 14/10/2019 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn bà T với bị đơn bà L, TAND tỉnh G ra quyết định tạm đình chỉ số 07/2020/QĐST- DS ngày 23/3/2020 với lý do hồ sơ vụ án chuyển lên TANDTC để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tuy nhiên đến ngày 28/9/2023 mới ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với vụ án vì có quyết định giám đốc thẩm hủy bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy
Quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả: Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm và xóa số thụ lý. Như vậy, số lượng án không bị tồn đọng và trong trường hợp có thông báo không có cơ sở để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì hồ sơ vụ án được chuyển lại cho Tòa án cấp sơ thẩm thì Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý mới lại.
Như vậy có thể thấy, hiện nay có nhiều quan điểm khi thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
3. Kiến nghị đề xuất
Để áp dụng thống nhất pháp luật thì TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Kiến nghị bổ sung một Điều luật quy định về thủ tục chuyển hồ sơ cho Tòa án cho thẩm quyền để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm trong Chương XX của Phần thứ năm của BLTTDS, theo đó Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án và xóa số thụ lý trong sổ thụ lý của Tòa án.
Trụ sở TAND tỉnh Gia Lai - Ảnh: Thái Vũ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận