Thừa Thiên Huế: Tăng cường các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm
Để bảo vệ đàn chim trời mùa di cư, ngành chức năng ở Thừa Thiên Huế đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến người dân, nghiêm cấm các hành vi đặt bẫy, mua bán chim trời để chế biến các món ăn.
Theo đó, hằng năm, cứ đến dịp tháng 8, tháng 9 âm lịch, các loài chim như cò, vạc, cói… lại đến mùa di cư và cũng vào thời gian này, trên cánh đồng lúa, xuất hiện nhiều những đàn chim giả, giăng trắng cả cánh đồng.
Nạn tận diệt chim trời đã tồn tại nhiều năm ở địa bàn huyện Phú Lộc nói chung và địa bàn xã Lộc Trì, thị trấn Lăng Cô và các địa phương lân cận, nhiều đến mức nhiều người xem đó là cái nghề để kiếm sống. Những năm gần đây, Chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp để xử lý, nghiêm cấm mọi hình thức đánh bắt chim trời nhằm giữ gìn môi sinh, trả lại cân bằng sinh thái trong tự nhiên.
Lực lượng chức năng phối hợp đi kiểm tra, phá dỡ bẫy bắt chim trời tại huyện Phú Lộc
Ngày 25/10, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động PCCCR số 2 và UBND các xã Lộc An, xã Lộc Sơn, xã Lộc Bổn và thị trấn Lăng Cô, BQL rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, đồn biên phòng Lăng Cô tiến hành tháo dỡ bẫy chim trời trái phép tại các địa phương.
Trong các ngày vừa qua, lực lượng Kiểm lâm huyện Phú Lộc cùng với các đơn vị liên quan trên địa bàn tiến hành ra quân dẹp bỏ các trường hợp dùng mồi, bẫy để đánh bắt các loài chim trời. Kết quả tại địa bàn xã Lộc Bổn, tiêu hủy 700 que tre dính nhựa, cò xốp: 25 con, thả về môi trường tự nhiên 11 cá thể cò trắng. Tại địa bàn xã Lộc Sơn tiêu hủy 200 con cò xốp, 150 mét lưới, bẫy kẹp 4 cái.
Tại địa bàn xã Lộc An, tiêu hủy 120 que tre dính nhựa, 55 con cò xốp, 3 bẫy kẹp. Tại địa bàn thị trấn Lăng Cô tiêu hủy 6500 que tre dính nhựa, 1950 con cò xốp, thả về môi trường tự nhiên: 15 cá thể cò trắng.
Bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư tháng 9, tháng 10 hàng năm chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, những hành vi giăng lưới, săn bắt chim di cư như hiện nay cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền xã cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác này. Theo các Điều 21, 22, 23 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, người có hành vi săn bắt, tiêu thụ chim hoang dã có thể bị xử phạt tới 15 triệu đồng.
Qua trao đổi với PV Tạp chí TAND, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dù UBND tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời (trong đó mức xử phạt liên quan đến hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái quy định pháp luật là từ 5 triệu đồng đến 400 triệu đồng tùy mức độ vi phạm) nhưng hiện vẫn còn nhiều đối tượng bất chấp quy định để săn bẫy chim trời và các loài động vật hoang dã.
“Vì thế trong thời gian tới, ngoài tổ chức truy quét, tháo gỡ, thu hồi, tiêu hủy các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép, lực lượng đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, “xóa sổ” các tụ điểm mua bán chim tự nhiên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời tiếp tục công tác tuyên truyền người dân không săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại chim trời và các loài động vật hoang dã, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Tuấn chia sẻ thêm.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận