Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội ở Việt Nam

(Tiếp theo bài Thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự Việt Nam) Trong phần trước đã nêu các nội dung: Suy đoán vô tội- nguyên tắc cơ bản của TTHS Việt Nam; Thực tiễn thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong TTHS Việt Nam, trong phần cuối của bài viết, tác giả trình bày về Đảm bảo thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội ở Việt Nam với những kiến giải cụ thể.

3.Những vấn đề cần sửa đổi để bảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội

Về mô hình tố tụng: Mô hình tố tụng, như trên đã nói, mô hình tố tụng của Việt Nam hiện này là mô hình tố tụng xét hỏi có  cài đặt những yếu tố tranh tụng. Với việc dồn toàn bộ gánh nặng chứng minh lên Nhà nước, cụ thể là các cơ quan THTT. Tuy nhiên, đặc trưng của mô hình tố tụng Việt Nam hiện nay là sự mờ nhạt, thụ động  của các chủ thể khác. Hạn chế này cho thấy nó không đảm bảo các  nguyên tắc khác của TTHS trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội

Bên cạnh đó, mô hình tố tụng hiện này còn cho thấy nó chưa có sự phân biệt rõ ràng, rành mạch các chức năng của tố tụng là chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử. BLTTHS cũng thiết không theo chức năng này mà theo thẩm quyền của từng cơ quan trong  quá trình tố tụng hình sự được phân chia thành các giai đoạn. Chính vì không có sự rành mạch về chức năng dẫn đến sự chồng lấn trong chức năng, ví dụ Toà án có chức năng buộc tôi như trả hồ sơ để điều tra bổ sung, khởi tố vụ án hình sự. BLTTHS năm 2015 đã cho thấy những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhưng nhìn chung chưa cho thấy sự thay đổi về mô hình tố tụng. Tố tụng của chúng ta vẫn là tố tụng xét hỏi có cài đặt yếu tố tranh tụng bằng việc quy định nguyên tắc tranh tụng và bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường tranh tụng. Tuy nhiên, nhiều quy định, đặc biệt là quy định các quyền tố tụng của các chủ thể có trong mô hình tranh tụng được bổ sung nhưng thực tế cho thấy sự cài đặt này là không nhuần nhuyễn. Những quyền tố tụng, ví dụ quyền bào chữa, tranh tụng chỉ phát huy hiệu quả cao khi và chỉ khi nó được đặt trong mô hình tố tụng tranh tụng  thực chất. Chính vì vậy tố tụng hình sự Việt Nam chứa đựng các yếu tố của tố tụng buộc tội. Quá trình tố tụng là quá trình buộc tội qua các giai đoạn, mức độ khác nhau và các chủ thể khác nhau để buộc tội.

Về chứng cứ, chứng minh: Về nguyên tắc, mọi chứng cứ do người có thẩm quyền thu thập đúng trình tự, thủ tục đều có giá trị pháp lý ngang nhau nên phải được đánh giá, sử dụng như nhau nhưng BLTTHS Việt Nam chưa thể hiện được điều này. Vẫn còn sự bất bình đẳng trong thu thập, đánh giá chứng cứ. BLTTHS quy định luật sư có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, nhưng lại chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của luật sư. Giá trị pháp lý của tài liệu, đồ vật do luật sư thu thập không cao, thậm chí không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận.  BLTTHS 2015 không lượng hóa chứng cứ để chứng minh trong vụ án hình sự, mà chỉ quy định “chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự” nên trong mỗi vụ án cụ thể, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xác định số lượng chứng cứ cần và đủ để giải quyết vụ án hình sự.

Trường hợp chứng cứ do luật sư cung cấp hoàn toàn khách quan và tin cậy, có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình giải quyết vụ án nhưng cơ quan tố tụng lại xem nhẹ vì cho rằng họ đã xác định số lượng chứng cứ cần và đủ để giải quyết vụ án rồi. Hơn nữa, làm thế nào để bảo đảm nguyên tắc không coi một loại chứng cứ nào đó là duy nhất để buộc tội?

BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015 quy định, thẩm quyền đánh giá, sử dụng chứng cứ trong vụ án hình sự hoàn toàn thuộc về người tiến hành tố tụng nhưng Bộ luật này lại không quy định cụ thể về việc đánh giá, sử dụng chứng cứ không phải do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập mà chỉ đưa ra yêu cầu chung là “phải xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả các tình tiết của vụ án”.  Quy định chung chung như vậy khó tránh khỏi sự áp đặt, duy ý chí, chỉ coi trọng chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, dẫn đến phiến diện, oan sai.

Để đảm bảo thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội, có một số vấn đề đặt ra:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam theo hướng mở rộng hơn nữa tranh tụng trong cả quá trình tố tụng. Tiếp cận tố tụng hình sự theo hướng tiếp cận quyền con người thay vì tư duy trấn áp tội phạm; phân định rành mạch các chức năng tố tụng trong đó trả Tòa án về đúng vị trí vai trò của nó là chức năng xét xử. Theo đó, cần phân định rành mạch các chức năng tố tụng và tương ứng với mỗi chắc năng có một cơ quan tư pháp đảm nhiệm. Theo đó, chức năng buộc tội thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, chức năng gỡ tội thuộc về  người bào chữa, người bị buộc tội,  chức năng xét xử thuộc về Toà án; đảm bảo cho các bên gỡ tội được bình đẳng với bên buộc tội, thể hiện ở việc có các quy định nhằm đảm bảo cho bên gỡ tội thực hiện chức năng này đó là hệ thống quyền của họ cũng như cơ chế đảm bảo cho họ thực hiện quyền này

Thứ hai, Hoàn thiện nguyên tắc pháp chế theo hướng không chỉ nhấn mạnh tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng của bản án quyết định mà cần khẳng định hậu quả pháp lý của việc vi phạm pháp chế bằng cách bổ sung nội dung: Mọi hoạt động tố tụng, chứng cứ sẽ không được thừa nhận nếu không được thực hiện hiện một cách hợp pháp . Với nội dung này, chẳng những đạt được mục đích bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự trong nhà nước pháp quyền nói chung mà còn đảm bảo cho tố tụng hình sự xác định được sự thật của vụ án, làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề khác của tố tụng hình sự.

Ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự bằng việc khẳng định hoạt động tố tụng được tiến hành trên cơ sở tranh tụng giữa các bên. Như trên đã nói chúng ta đã thận trọng khi chuyển hẳn sang mô hình tố tụng tranh tụng nhưng trong mô hình tố tụng thẩm vấn hiện nay cần ghi nhận nguyên tắc tranh tụng. Nói cách khác là đưa các yếu tố tranh tụng vào mô hình tố tụng hiện hành. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 mới chỉ dừng ở việc nghi nhận: Bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa theo chúng tôi là còn dè dặt và thận trọng. Trong bối cảnh hiện nay, chưa cho phép chúng ta áp dụng mô hình tranh tụng triệt để bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, trong thời gian tới luật TTHS cần đẩy thêm một bước nữa bằng việc quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hình sự chứ chỉ dừng ở tranh tụng trong khi xét xử như hiện nay. Bởi lẽ, tranh tụng phải được hiểu là một quá trình. Nó bắt đầu ngay từ khi buộc tội (giữ người trong trường hợp khẩn cấp hay khởi tố bị can). Đó là việc bên gỡ tội phải biết chứng cứ lập luận của bên kia và có quyền phản bác. Tranh tụng tại phiên tòa chỉ là bước cuối cùng của tranh tụng. Nói cách khác, muốn đảm bảo tranh tụng, bình đẳng, khách quan giữa các bên thì trong các giai đoạn trước đó các bên, đặc biệt là bên gỡ tội phải được thực hiện các quyền nhằm đảm bảo cho việc tranh tụng tại phiên tòa đạt kết quả cao.

Thứ ba, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về chứng cứ và chứng minh

Nghiên cứu xây dựng Luật về Chứng minh và chứng cứ  trong TTHS. BLTTHS 2015 đã có sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến chế định về chứng cứ và chứng minh như quy định đầy đủ khái niệm chứng cứ, bổ sung thêm các nguồn chứng cứ, quy định chặt chẽ trình thủ tục, chủ thế thu thập đánh giá chứng cứ trong TTHS… Tuy nhiên vẫn cần  thiết phải có luật điều chỉnh riêng về vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự mới khắc phục được những nhược điểm đã và đang gây cản trở trong thực tiễn công tác tố tụng hình sự.

Luật về Chứng và chứng minh không phải là vấn đề mới trong tố tụng hình sự nhiều quốc gia đặc biệt là các quốc gia áp dụng mô hình tranh tụng. Ở Hoa Kỳ đã  ban hành Quy tắc Liên bang về chứng cứ. Trong mô hình tranh tụng, quy tắc về chứng cứ có ảnh hưởng lớn nhất vì nó kiểm soát loại chứng cứ nào có thể được đưa ra trước những người có thẩm quyền quyết định, hay nói cách khác, nó quyết định chứng cứ có được chấp thuận hay không. Ngay cả Thẩm phán cũng không được tự do lựa chọn chứng cứ mà họ thấy thích hợp nhất mà phải tuân theo các quy tắc chứng cứ đã được quy định. Quy tắc chứng cứ được đặt ra nhằm đảm bảo sự công bằng trong tranh tụng qua việc cấm sử dụng những nguồn chứng cứ không đáng tin cậy, sai lệnh hoặc có thể dẫn đến định kiến cho những người có thẩm quyền phán quyết. Nếu coi tố tụng tranh tụng là một cuộc đấu tranh giữa hai bên có tranh chấp, thì nó đòi hỏi các bên tham gia tố tụng, nhất là cơ quan cảnh sát và công tố phải triệt để tuân thủ các quy tắc đã được luật quy định và trao thẩm quyền cho tòa án là cơ quan phải đảm bảo yêu cầu đó trong quá trình xét xử.

Quy tắc về chứng cứ nhằm ngăn chặn việc sử dụng những chứng cứ không đáng tin cậy có thể làm cho Tòa án đưa ra phán quyết trên cơ sở những thông tin sai lệnh. Đồng thời quy tắc về chứng cứ cũng nghiêm cấm sử dụng chứng cứ có thể gây ra những định kiến không công bằng cho một trong các bên tham gia tố tụng.

Với những quy định trong quy tắc về chứng cứ, nguyên tắc tranh tụng đảm bảo sự trung lập và thụ động của tòa án trong quá trình xét xử. Hơn nữa, quy tắc về chứng cứ cũng tạo điều kiện để Luật sư của các bên và Công tố viên, buộc họ phải biết được những chứng cứ nào có thể được chấp nhận tại phiên tòa trong khi xét xử. Nó cũng là cơ sở để xác định thẩm quyền của Thẩm phán chủ tọa phải điều hành phiên tòa theo các diễn biến của nó theo đúng thủ tục. Khác với hệ thống tố tụng thẩm vấn, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không có quyền chọn chứng cứ mà họ cho là thích hợp nhất, mà phải tuân thủ các quy tắc về chứng cứ đã được xác định trước.

Theo Quy tắc về Chứng cứ của Liên bang của Hoa Kỳ, chỉ được coi là chứng cứ nếu tại phiên xét xử được các bên đưa ra, đối chất và được Tòa án chấp nhận. Trong đó, có quy định không sử dụng các chứng cứ gián tiếp, chứng cứ nhằm kích động, bôi xấu bị cáo, đương sự hay người làm chứng, hoặc chứng cứ nhằm đánh vào tình cảm của bồi thẩm đoàn, các chứng cứ được thu thập vi phạm thủ tục tố tụng (khám nhà chưa có lệnh, xét hỏi khi chưa thông báo quyền…). Sở dĩ quy định chặt chẽ như vậy là bởi người thực tế đưa ra phán quyết định tội là bồi thẩm đoàn, những người không có kiến thức pháp luật và cũng không có nghiệp vụ xét xử, trong khi luật sư và công tố viên là những người chuyên nghiệp, luôn tìm cách chi phối bồi thẩm đoàn. Các quy định chặt chẽ về chứng cứ sẽ cung cấp cho bồi thẩm đoàn những chứng cứ “sạch” để có thể căn cứ vào đó đưa ra phán quyết định tội một cách chính xác.

Bên cạnh đó, Quy tắc Liên bang về chứng cứ quy định: Chứng cứ phải tuân thủ trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của luật, nguyên tắc chấp thuận chứng cứ và loại trừ chứng cứ “vượt trên cả mọi nghi ngờ”. Tố tụng hình sự Anh quy định rõ chứng cứ phải tuân thủ Quy tắc về chứng cứ và loại trừ chứng cứ, phải đảm bảo cơ sở xác định hành vi phạm tội của một ngưòi nào đó.  Toà án có thể từ chối chấp thuận một chứng cứ nào đó do Viện công tố đưa ra nếu việc chấp thuận có thể dẫn tới sự không công bằng và bình đẳng trong tố tụng.

Theo Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự Pháp (BLTTHS Pháp) thì việc hướng dẫn và thẩm tra của Tòa sơ thẩm là nhằm mục đích xác định sự thật của vụ án. Thủ tục này có ý nghĩa: thứ nhất, đảm bảo rằng những vụ án có chứng cứ yếu hay không đủ chứng cứ buộc tội thì không cần đưa ra trước Tòa; thứ hai, để điều tra một cách cẩn trọng các chứng cứ nhằm đảm bảo quyết định cuối cùng của Tòa án về có tội có bằng chứng rõ ràng. Việc hướng dẫn thẩm tra được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất do Tòa sơ thẩm tiến hành; giai đoạn thứ hai do ủy ban Thẩm phán của Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện để xem xét lại toàn bộ các quyết định và thủ tục trong vụ án có hợp pháp để đưa ra xét xử hay không.

Luật về Chứng cứ và chứng minh trong TTHS cần phải điều chỉnh các nội dung sau:

-Thực hiện nguyên tắc “mọi chứng cứ đều có giá trị ngang nhau”, bất kể chúng có được đưa vào hồ sơ “một cách chính thức” hay không. Bên gỡ tội được thu thập chứng cứ và xuất trình nó tại phiên tòa.

-Bị can, bị cáo, người bào chữa được quyền tìm kiếm chứng cứ bằng bất cứ phương thức hợp pháp nào; chứng cứ và chứng minh chỉ có giá trị sau khi được trình ra và lập luận tại phiên tòa. Điều đó có nghĩa là phải song song thừa nhận những chứng cứ có trong hồ sơ và ngoài hồ sơ vụ án.

-Xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa cần phải đảm bảo sự bình đẳng của các bên và khả năng của các bên trong việc trình bày quan điểm, chứng cứ của mình.

Với ý nghĩa của chứng cứ mà Luật tố tụng hình sự quy định thì những vật chứng luật sư, bị can, bị cáo, thu thập không vi phạm pháp luật có ý nghĩa cho việc Tòa án xác định sự thật vụ án trong quá trình xét xử cũng phải được coi là chứng cứ. Về mặt khoa học, Luật tố tụng hình sự nêu Viện kiểm sát, luật sư bào chữa, bị can, bị cáo có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ. Về mặt thực tiễn, nhiều trường hợp vật chứng do bị can, bị cáo, luật sư đưa ra đã bác bỏ lí lẽ buộc tội của Viện Kiểm sát giúp bị can bị cáo chứng minh được là họ vô tội hoặc chứng minh tính chất phạm tội của hành vi nhẹ hơn mức độ phạm tội mà Viện kiểm sát đưa ra. Có thể nói, giá trị của đồ vật tài liệu do bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, luật sư bào chữa đưa ra, thực tế cũng đã được ghi nhận như chứng cứ. Do đó, nên quy định thành luật để đảm bảo tính minh bạch trong công bằng pháp lý cho cả phía buộc tội và gỡ tội. Theo đó, chứng cứ do Cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra phải đảm bảo tính hợp pháp, còn chứng cứ do bên gỡ tội đưa ra phải đảm bảo không vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là thừa nhận cả chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ ngoài hồ sơ vụ án có giá trị ngang nhau khi được trình ra và lập luận tại phiên tòa.

Thứ tư, bổ sung các quy định về các biện pháp điều tra

Các biện pháp điều tra là một trong những phương pháp xác định sự thật của vụ án rất quan trọng chủ yếu do các cơ quan điều tra thực hiện ở giai đoạn điều tra và trước khi khởi tố vụ án. Theo Báo cáo Tham khảo BLTTHS của một số nước trên thế giới của VKSNDTC thì hầu hết các nước đều quy định biện pháp giám sát, chặn nghe các cuộc trao đổi qua điện thoại và các phương tiện viễn thông (Nga, Anh, Hoa Kỳ, Pháp, Đức) và biện pháp xâm nhập (sử dụng trinh sát bí mật hoặc cộng tác viên bí mật để theo dõi, thâm nhập điều tra) (Trung Quốc, Anh, Đức, Pháp). Cụ thể: Trung Quốc quy định biện pháp điều tra trinh sát bí mật và các biện pháp giám sát nói chung nhưng không quy định cụ thể các biện pháp điều tra đặc biệt mà dành cho văn bản dưới luật quy định. Nga quy định 03 biện pháp: giám sát; ghi âm các cuộc trao đổi điện thoại[16]; thu thập thông tin từ các cuộc liên lạc giữa những người thuê bao và các thiết bị thuê bao thông qua việc yêu cầu cơ quan, tổ chức dịch vụ thông tin liên lạc cung cấp thông tin (Điều 186.1); Anh quy định 03 biện pháp: Nghe bí mật phương tiện thông tin, thư điện tử[17]; xâm nhập các cuộc đối thoại, sử dụng phương tiện thông tin; giám sát không xâm nhập đối với một đối tượng cụ thể (ví dụ quay phim), quy định chặt chẽ những trường hợp được nghe trộm thông tin liên lạc tại tư gia bằng các thiết bị viễn thông từ bên ngoài. Đó là kết quả của Phán quyết của Toà án Nhân quyền Châu Âu trong vụ án Malone kiện Nhà nước Anh năm 1984.

Liên quan đến việc sử dụng thiết bị nghe bí mật, Đạo luật an ninh 1989 quy định rõ những người nào của lực lượng An ninh được lắp thiết bị nghe bí mật. Không có quy định trong luật cho phép cảnh sát được nghe bí mật nhưng có một văn bản hướng dẫn của Chính phủ cho phép cảnh sát đựoc thực hiện một số hoạt động nghe bí mật. Pháp quy định 5 biện pháp: Theo dõi bí mật; xâm nhập nhà riêng; chặn đường liên lạc viễn thông; cài đặt thiết bị ghi âm và ghi hình tại một số địa điểm hoặc trong một số phương tiện đi lại; truy cập dữ liệu tin học[17]. Đức quy định 7 biện pháp: Kiểm tra giấy tờ; kiểm soát giao thông; xâm nhập nhà riêng; nghe điện thoại hoặc thiết bị viễn thông bí mật; ghi âm bí mật; ghi hình bí mật; sử dụng thiết bị kỹ thuật phục vụ việc giám sát đối tượng[18]. Hoa Kỳ ngoài quy định biện pháp giám sát nghe bí mật các cuộc trao đổi qua điện thoại và các thiết bị điện tử khác thì còn sử dụng biện pháp điều tra đặc biệt của FBI – sử dụng nguồn nhân lực bí mật để điều tra nhạy cảm đối với quan chức hoặc ứng viên chính trị liên quan tới tham nhũng hoặc khủng bố, hoặc một tổ chức tôn giáo hoặc chính trị hoặc một cá nhân xuất chúng trong tổ chức đó, hoặc của một cơ quan truyền thông[19].

Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra và các biện pháp điều tra đặc biệt có cơ sở lý thuyết  về “quyền con người có thể bị hạn chế” đặc biệt là trong lĩnh vực đặc biệt là tố tụng hình sự nói riêng và phòng ngừa tội phạm nói chung. Trong lý luận về quyền con người, người ta đã thừa nhận luận điểm: hầu hết quyền con người mang tính tương đối có nghĩa là nó bị giới hạn. Nguyên tắc giới hạn quyền con người đã được Tuyên ngôn quốc tế về các quyền phổ quát của con người (Universal Declaration of Human Rights 1948) quy định tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”

Có thể nói giới hạn quyền con người được  Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa : “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Như vậy, để hạn chế quyền con người phải dựa trên các điều kiện. Thứ nhất đó chính là quyền bị hạn chế xâm phạm đến quyền khác của của xã hội. Quyền này được Tuyên ngôn quốc tế về các quyền phổ quát của con người liệt kê là: Đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và an sinh xã hội dân chủ. Hiến pháp 2013 của Việt Nam quy định cụ thể hơn đó là: Lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng… Nói cách khác là để bảo vệ lợi ích chung của xã hội là ngăn chặn, xử lý tội phạm đang xâm phạm đến các lợi ích công công và để bảo vệ trật tự công công cộng thì cho phép nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc điều tra đặc biệt mà các biện pháp này đương nhiên sẽ hạn chế quyền của cá nhân người phạm tội. Thứ hai, quyền con người bị hạn chế bởi luật tức là chỉ văn bản quy phạm pháp luật ở mức độ Luật do quốc hội ban hành mới có nội dung hạn chế quyền con người. Như vậy, việc hạn chế quyền con người nói chung trong đó có việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt nói riêng phải được quy định trong BLTTHS. Thứ ba, Đây là điều kiện rất khó định lượng đó chính là mức độ hạn chế phải tương xứng với lợi ích cần bảo vệ (trong lý luận về quyền con người gọi là hạn chế chính đáng- proper purpose/legitimate aim). Tác giả Aharon Barak trong cuốn Sự tương xứngQuyền Hiến định và sự hạn chế của nó (Proportionality- Constitutional Rights and Their Limitations) đã chỉ ra các trường hợp bị hạn chế quyền nếu xâm phạm đến  sự tồn tại của nhà nước dân chủ, an ninh quốc gia, trật tự công cộng, phòng ngừa tội phạm, bảo vệ trẻ em, sức khỏe cộng đồng, sự khoan dung, bảo vệ tình cảm con người, các nguyên tắc của hiến pháp và các lợi ích khác không gắn với phạm trù quyền con người. Mức độ cho phép hạn chế đó chính là lợi ích thu được của việc hạn chế quyền với những thiệt hại do việc hạn chế quyền gây ra đó chính là tính tương xứng giữa hạn chế quyền và quyền cần được bảo vệ.

Xuất phát từ lý thuyết trên, chúng tôi hoàn toàn nhất với việc BLTTHS năm 20105 đã có Chương riêng về các biện pháp điều tra đặc biệt. Tuy nhiên, trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia nói trên cũng như thực tiễn đầu tranh phòng ngừa tội phạm trong tình hình mới cần nghiên cứu bổ sung thâm các biện pháp điều tra đặc biết khác  nên bổ sung một số biện pháp điều tra đặc biệt, cụ thể như sau:

  • Bổ sung biện pháp điều tra Giám sát tư pháp. Biện pháp này cho phép cơ quan điều tra, và điều tra viên tổ chức giám sát các cuộc đàm thoại, các liên lạc, hồ sơ tài chính của người bị tình nghi, bị can, bị cáo kẻ cả người đang có dấu hiệu phạm tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm đến an ninh quốc gia.
  • Bổ sung biện pháp điều tra giăng bẫy: Cho phép cơ quan điều tra và điều tra viên sử dụng biện pháp giăng bẫy để phát hiện tội phạm. Biện pháp này chỉ cho phép áp dụng trong một số tội phạm đặc biệt như ma túy, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và trong một số trường hợp đặc biêt

Tuy nhiên các biện pháp điều tra đặc biệt nói trên tác động đến những quyền rất cơ bản của con người là danh dự nhân phẩm, bí mật thư tín và đời tư… chính vì vậy, cần thiết kế thủ tục đặc biệt khi cho phép cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp này. Chẳng hạn quy định các biện pháp trên chỉ được áp dụng khi có sự cho phép của Tòa án. Đề xuất tiếp theo lên quan đến việc xác định sự thật của vụ án trước khi khởi tố vụ án hay còn gọi là điều tra ban đầu.

Cần quy định về các hoạt động Điều tra ban đầu. Hoạt động tố tụng chính thức khởi động khi có quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, để các cơ quan chức năng ra quyết định có khởi tố vụ án hay không thì nhất thiết cần phải có các hoạt động điều tra ban đầu. Việc chưa luật hóa các hoạt động điều tra ban đầu còn gây nhiều khó khăn cho chính các điều tra viên. Trên thực tế, nhiều vụ việc, chứng cứ do cán bộ điều tra thu thập ban đầu về sau đã không được tòa án đánh giá là chứng cứ hợp pháp để chứng minh tội phạm. Thực tế cho thấy các cơ quan điều tra cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đấu tranh với tội phạm, lại còn phải vất vả tìm cách chuyển hóa các chứng cứ này để được các cơ quan tố tụng công nhận.

Ví dụ:  Điều 152 BLTTHS quy định về việc “xem xét dấu vết trên thân thể” – một hoạt động nhạy cảm được tiến hành đối với người bị tình nghi. Thế nhưng điều luật hoàn toàn không quy định về thủ tục chụp ảnh như có được chụp ảnh khỏa thân hay không, chụp ở nơi vùng kín khi không được sự đồng ý của người bị khám xét giải quyết thế nào? Trước khi xem xét dấu vết, đối tượng không đồng ý thì giải quyết ra sao? Ý kiến, đánh giá của họ như thế nào về dấu vết và kết quả khám xét.

Một khó khăn khác: Trong quá trình điều tra, phá án, việc xây dựng mạng lưới bí mật của cảnh sát, đưa người vào tổ chức tội phạm là nghiệp vụ quan trọng, giúp cơ quan công an phát hiện, ngăn chặn những tội phạm nghiêm trọng từ trong trứng nước. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc tình, cơ sở bí mật không kịp rút ra ngoài nên bị bắt, bị vướng vào vòng tố tụng. Gặp trường hợp này, các cơ quan tố tụng thường không thống nhất được hướng xử lý với họ vì cho rằng đây chỉ là quy định riêng trong ngành công an. Hoạt động điều tra ban đầu là cơ sở để cơ quan chức năng quyết định có khởi tố vụ án, có chính thức khởi động guồng máy tố tụng hay không. Vì tầm quan trọng đó, cần thiết phải bổ sung thêm các quy định trình tự, thủ tục về hoạt động điều tra ban đầu vào luật.

Cùng với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, TTHS Việt Nam đã và đang được cải cách mạnh mẽ. Trong đó, các giá trị tiến bộ của nhân loại trong việc việc bảo vệ quyền con người trong đó có nguyên tắc suy đoán vô tội đã được ghi nhận và thể hiện tương đối đầy đủ và tuân thủ trên trong thực tiễn TTHS. Tuy nhiên, để nguyên tắc này được thực hiện cần có cải cách mạnh mẽ hơn nữa TTHS Việt Nam từ mô hình tố tụng, đến các nguyên tắc cơ bản của nó cung như các quy định cụ thể. Đặc biệt cần có nhưng giải pháp tổ chức thực hiện để nguyên tắc này được thể hiện cụ thể trong thực tiễn TTHS Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát hiện xử lý tội phạm, bảo vệ quyền con người trong TTHS

[17] Điều 706-80; Điều 706-73 và 706-81, 706-82; Điều 706-95, Điều 706-96 đến 706- 101, 100  BLTTHS Pháp.

[18] Điều 110c và các điều 100, 100a, 100b, 100c, 100 e, 100F, 100g, 100h, 100i BLTTHS Đức.

[19] Tham khảo Hướng dẫn Hoạt động Điều tra Trong nước của FBI trang 108-111.

 

TS. ĐINH THẾ HƯNG (Viện Nhà nước và Pháp luật - VHLKHXXVN)