Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án thực hiện chức năng xét xử của mình chủ yếu và rõ nét nhất được tập trung vào hoạt động xét xử tại phiên tòa. Kết quả của hoạt động xét xử của Tòa án được thể hiện trong nội dung của bản án.
Bản án là kết quả của toàn bộ hoạt động tố tụng, có ý nghĩa pháp lý quan trọng, trong đó chứa đựng các phán quyết thể hiện thái độ, ý chí của Nhà nước trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đa số những bản án chuẩn mực, vẫn còn những bản án còn nhiều hạn chế, không chặt chẽ. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng bản án là đòi hỏi cấp thiết và thường xuyên.
1. Yêu cầu và thực tế chất lượng ban hành bản án
Bản án là kết quả của toàn bộ hoạt động tố tụng, có ý nghĩa pháp lý quan trọng, là văn bản tố tụng đặc biệt do Hội đồng xét xử (HĐXX) nhân danh nước CHXHCN Việt Nam ban hành, trong đó chứa đựng các phán quyết thể hiện thái độ, ý chí của Nhà nước trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Và để chứng minh rằng công lý đã được ghi nhận, được bảo vệ trong hoạt động xét xử của Tòa án thì nội dung của bản án, quyết định phải bảo đảm tính lôgic hình thức, ở đó các lập luận, kết luận phải thể hiện tính nhất quán, không có sự mâu thuẫn; các nhận định phải xuất phát từ những tình tiết và căn cứ pháp lý xác đáng[1]…
Hiện nay, theo quy định tại điều luật quy định về bản án của các luật/bộ luật tố tụng[2] của nước ta đều có quy định rõ ràng, chi tiết về nội dung bản án ở cả mặt nội dung, hình thức phải có.
Có thể viện dẫn một số quy định như: “Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tỉnh tiết của vụ án”[3], “Ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập. Nhận định của Hội đồng xét xử phải phân tích những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội, phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra”[4], “Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng, các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) mà Tòa án áp dụng để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan”[5].
Mặt khác, trong quá trình thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp của Đảng, TANDTC đã luôn đặc biệt quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng các bản án, thể hiện qua việc ban hành nhiều Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về các biểu mẫu trong tố tụng, trong đó có mẫu bản án về hình sự, dân sự, hành chính như: Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự; Nghị quyết số 02/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng hành chính; Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 ban hành một số biểu mẫu trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự, xét lại bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự.
Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu của các tác giả đối với nhiều bản án sơ thẩm và thậm chí cả bản án phúc thẩm đã được công bố trên Cổng thông tin công bố bản án của TANDTC thì thấy vẫn còn những bản án được trình bày tương đối sơ sài, không đầy đủ các nội dung theo quy định tại các điều luật quy định về nội dung và hình thức của bản án trong các luật/bộ luật tố tụng.
Trong một số bản án đã không ghi nhận và/ hoặc không ghi nhận đầy đủ ý kiến của luật sư và đương sự, người tham gia tố tụng khác và không đưa ra được những lập luận, phân tích sâu sắc bảo đảm hợp tình, hợp lý làm cơ sở để HĐXX đưa ra phán quyết. Và cũng vì thế không mang được tính chuẩn mực, không chặt chẽ và không tương xứng với giá trị pháp lý mà bản án cần phải có khi được tuyên nhân danh Nhà nước.
Những bản án được viết sơ sài làm giảm đi tính thuyết phục của các phán quyết được HĐXX nhân danh Nhà nước ban hành, không tạo được niềm tin và sự tâm phục, khẩu phục của các đương sự và quần chúng nhân dân, làm giảm đi tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của xã hội. Trong một chừng mực vào đó, những bản án như vậy còn thể hiện sự yếu kém trong hoạt động nghiệp vụ của HĐXX mà trực tiếp nhất là Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.
Giáo sư Nguyễn Minh Đoan[6] đã có nhận định: “Một số bản án, quyết định được viết quá ngắn gọn, chủ yếu nêu căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế, phần nhận định lập luận chưa nhiều, nên không thể hiện được hết những gì cần giải trình đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Hiện nay, số lượng bản án sơ thẩm, phúc thẩm bị kháng cáo, kháng nghị và có đơn đề nghị xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm mà ngành Tòa án đang thụ lý, giải quyết là rất lớn, có lẽ nguyên nhân cũng một phần ở những bản án không chặt chẽ, thiếu thuyết phục đó.
Một thực tế khác là từ năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 của HĐTP TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ đã có tổng 72 án lệ được lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố để Tòa án các cấp nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xét xử. Trong số 72 án lệ đã được lựa chọn và được Chánh án TANDTC công bố, chỉ có 06/72 án lệ được lựa chọn có nguồn từ các bản án sơ thẩm (05 án sơ thẩm của Tòa án cấp huyện và 01 án sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh) và chỉ có 11/72 án lệ được lựa chọn có nguồn từ bản án phúc thẩm và 55/72 án lệ được lựa chọn có nguồn từ các quyết định Giám đốc thẩm.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
Để mỗi bản án được ban hành “phải là những án văn mẫu mực, thể hiện tập trung, rõ nét nhất về quyền tư pháp của Tòa án; là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của xã hội”[8], các tác giả xin đề xuất số giải pháp sau:
Thứ nhất: TANDTC tăng cường và phát huy hiệu quả hoạt động tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm của TANDTC về nghiệp vụ viết bản án và các tồn tại, hạn chế của các bản án đã ban hành.
Thứ hai: Nghiên cứu, xây dựng chế tài áp dụng thống nhất trong toàn ngành Tòa án để đảo đảm các bản án được ban hành đúng theo mẫu hướng dẫn, ghi nhận đầy đủ yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát viên, luật sư, người tham gia tố tụng khác, có lập luận chặt chẽ, phân tích chính xác, có sức thuyết phục cao, khắc phục tình trạng bản án tuyên không rõ ràng, khó thi hành. Xác định đây là chỉ tiêu nhằm đánh giá mức độ hoàn thành công việc và đánh giá kết quả thi đua hàng năm của cá nhân từng Thẩm phán.
Thứ ba: Đề xuất TANDTC nghiên cứu, xây dựng chỉ tiêu cụ thể để đánh giá đối với các bản án để được coi là đáp ứng tiêu chí “mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực, thể hiện tập trung, rõ nét nhất về quyền tư pháp của Tòa án; là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của xã hội” và triển khai thực hiện qua hoạt động kiểm tra/thẩm tra định kỳ hoặc đột xuất.
Thứ tư: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc sử dụng ứng dụng Trợ lý ảo TAND để hỗ trợ cho bản thân mỗi Thẩm phán trong công tác nghiệp vụ nói chung và hoạt động ban hành bản án nói riêng. Mỗi Thẩm phán cần có tiêu chí về thời gian sử dụng và đóng góp nhất định để cải tiến và hoàn thiện đối với Trợ lý ảo TAND.
Thứ năm: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho công chức, viên chức toàn ngành Tòa án và Hội thẩm nhân dân về ý nghĩa và vai trò của việc nâng cao chất lượng ban hành bản án trong tổ chức và hoạt động xét xử của Tòa án góp phần vào quá trình xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân theo quan điểm của Đảng và Nhà nước.
3. Kết luận
Việc nâng cao chất lượng ban hành bản án có ý nghĩa quan trọng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho các đương sự người “tâm phục, khẩu phục”, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Nhiệm vụ này đòi hỏi từng công chức, viên chức, mỗi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải không ngừng học tập, nghiên cứu chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc để nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng ban hành bản án để góp phần nâng cao vị thế, uy tín đối với nhân dân về hoạt động xét xử của ngành Tòa án nói riêng và uy tín, niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động tư pháp nói chung.
[1] TS. Trần Trí Dũng, Bảo vệ công lý trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân hiện nay, Nxb. Tư pháp, Hà Nôi, 2020, tr.97-98.
[2] Điều 20 BLTTHS năm 2015; Điều 194 và Điều 242 Luật TTHC năm 2015; Điều 266 và Điều 313 BLTTDS năm 2015.
[3] Điều 266 BLTTDS năm 2015.
[4] Điều 260 BLTTHS năm 2015.
[5] Điều 194 Luật TTHC năm 2015.
[6] GS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Tòa án nhân dân với công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, Tạp chí TAND số 14 (kỳ II, tháng 7/2024), tr.5.
[7] Tiểu mục 7 Mục IV Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban chấp hành trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
[8] Nguyên Anh, Hội nghị tập huấn chuyên đề “Nâng cao kỹ năng viết bản án”, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-tin?dDocName=TAND290566, truy cập ngày 11/8/2024.
Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu xét xử lưu động vụ án Trộm cắp tài sản- Ảnh: HL
Bài liên quan
-
Thí điểm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án
-
Tây Ninh: Bản án có hiệu lực đã 2 năm, người dân mòn mỏi chờ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
-
Chủ tịch nước Tô Lâm: Chất lượng của cán bộ tư pháp quyết định cao nhất đối với chất lượng bản án, chất lượng của nền tư pháp
-
Tiếp bài thi hành bản án hành chính ở Ô Môn: UBND Q.Ô Môn “vin” vào văn bản đã được tòa xem xét
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận