Trao đổi bài viết: “Đình chỉ hay công nhận sự thỏa thuận”

 

         Sau khi đọc nội dung bài viết “Đình chỉ hay công nhận sự thỏa thuận?” của tác giả Ngọc Trâm đăng ngày 23/12/2017 trên Tạp chí điện tử TANDTC, xin được trao đổi như sau:

        Vấn đề tác giải đặt ra “vụ án ly hôn Tòa án hòa giải vợ chồng thống nhất đoàn tụ nhưng nguyên đơn không đồng ý rút đơn khởi kiện” thường rất ít gặp trong thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình tại Tòa án địa phương. Nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này, tôi xin được trao đổi như sau:

         Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án hoà giải không thành, vụ án không được hòa giải hoặc vụ án không tiến hành hoà giải được, quy định tại Điều 206 và Điều 207 của BLTTDS năm 2015, hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn (khoản 1 Điều 205 của BLTTDS năm 2015). Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành (khoản 5 Điều 211 của BLTTDS năm 2015). Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (khoản 2 Điều 212 của BLTTDS năm 2015).

Như vậy, vấn đề đặt ra là nếu nguyên đơn trình bày mong muốn được đoàn tụ (không muốn ly hôn nữa) nhưng vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện (không đồng ý rút lại đơn khởi kiện) thì Tòa án có lập biên bản hòa giải thành và ra Quyết định công nhận không? Nghiên cứu quy định của BLTTDS năm 2015 thấy rằng, trong “vụ án” hôn nhân và gia đình không có quy định nào đề cập đến vấn đề “biên bản hòa giải đoàn tụ thành” và Tòa án ra “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đoàn tụ”. Tòa án chỉ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của đương sự khi các đương sự thỏa thuận giải quyết được tất cả các vấn đề trong vụ án, bao gồm vấn đề về án phí. Tuy nhiên trong việc dân sự về hôn nhân và gia đình thì có đề cập đến vấn đề “hòa giải vợ, chồng đoàn tụ” và “hòa giải đoàn tụ không thành”. Tại Điều 396, 397 của BLTTDS năm 2015 có quy định như sau:

Điều 396. Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

Vợ, chồng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn phải có đơn yêu cầu. Đơn phải có các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này.

Vợ, chồng cùng yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn yêu cầu. Trong trường hợp này vợ, chồng cùng được xác định là người yêu cầu.

Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận về thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là có căn cứ và hợp pháp.

Điều 397. Hòa giải và công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn

Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, trước khi tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ, khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án.

Thẩm phán phải tiến hành hòa giải để vợ chồng đoàn tụ; giải thích về quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha, mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình, về trách nhiệm cấp dưỡng và các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.

Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;

b) Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;

c) Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.

Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết. Tòa án không phải thông báo về việc thụ lý vụ án, không phải phân công lại Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc giải quyết vụ án được thực hiện theo thủ tục chung do Bộ luật này quy định.”

         Như vậy, có sự khác biệt trong quy định về giải quyết vụ án và việc dân sự về hôn nhân và gia đình. Trong việc dân sự, Tòa án hòa giải để vợ, chồng đoàn tụ. Nếu vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ. Nếu hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS năm 2015. Nếu trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành và các đương sự không thỏa thuận được về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự về công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn và thụ lý vụ án để giải quyết.

         Trở lại vấn đề tôi đặt ra đó là nếu nguyên đơn mong muốn đoàn tụ được về chung sống với vợ hoặc chồng nhưng người này không đồng ý rút lại đơn khởi kiện thì Tòa án có lập biên bản hòa giải thành, trên cơ sở đó Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận này hay không? Quan điểm của tôi đối với vấn đề này là việc Tòa án hòa giải trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn (giả sử vụ án không có yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Nếu nguyên đơn trình bày mong muốn đoàn tụ (tức không có yêu cầu ly hôn nữa) thì về nguyên tắc không còn sự “tranh chấp” nữa, giống như hòa giải vợ, chồng đoàn tụ trong việc dân sự. Cho nên Tòa án không thể lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Tòa án cũng không thể đình chỉ giải quyết vụ án với lý do đương sự trình bày muốn đoàn tụ nhưng không đồng ý rút yêu cầu khởi kiện, vì đây không phải là căn cứ để Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 của BLTTDS năm 2015.

         Trong tình huống mà tác giả Ngọc Trâm nêu, theo tôi Thẩm phán cần giải thích một cách rõ ràng với nguyên đơn rằng nếu nguyên đơn muốn đoàn tụ, tức là không muốn ly hôn nữa thì nguyên đơn phải làm đơn rút lại yêu cầu khởi kiện. Tòa án sẽ ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nguyên đơn được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí và nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luât. Còn nếu nguyên đơn muốn đoàn tụ nhưng không rút lại yêu cầu khởi kiện tức là vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử theo quy định. Trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí theo quy định pháp luật. Nguyên đơn chỉ được khởi kiện lại vụ án sau thời hạn 01 năm kể từ khi Bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu sau khi giải thích nguyên đơn làm đơn rút lại yêu cầu khởi kiện thì Thẩm phán ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS năm 2015. Nếu nguyên đơn không đồng ý làm đơn rút lại yêu cầu khởi kiện thì Tòa án đưa vụ án ra xét và theo quan điểm của tôi là không chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn trên cơ sở nguyên đơn đã trình bày được đoàn tụ.

         Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi trao đổi của đồng nghiệp và quý bạn đọc.

 

DƯƠNG TẤN THANH - Thẩm phán TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh