Trong những lúc khó khăn, gian nan, thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa
Tối 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình truyền hình trực tiếp "Điểm tựa Việt Nam" do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Thủ tướng chia sẻ với đồng bào, đồng chí về "6 điểm tựa Việt Nam".
Cùng tham dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; các Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
Chương trình "Điểm tựa Việt Nam" nhằm lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của nhân dân ta do hậu quả của bão lũ, động viên tinh thần kiên cường khắc phục khó khăn, sáng tạo và dũng cảm vì mục tiêu chung.
Những chia sẻ xúc động
Đại diện chính quyền và nhân dân những vùng chịu thiên tai, lực lượng vũ trang ngày đêm bám sát địa bàn cứu trợ đồng bào, khách mời chương trình - Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, kể chuyện "không ai có thể kìm được lòng mình" ở thôn Làng Nủ.
Thủ tướng bế cháu Nguyễn Quốc Bảo
"Khi xác định được vị trí của các nạn nhân, người nhà đến nhận dạng. Người nhận ra dạng khóc. Người chưa tìm thấy cũng khóc. Người đã tìm thấy thi thể người nhà quay sang động viên người còn lại", ông nhớ lại.
"Chính tình cảnh của người dân khiến chúng tôi quyết liệt hơn trong công tác tìm kiếm, chạy đua với thời gian, không sợ hiểm nguy và xác định đây là mệnh lệnh trái tim..."Tìm kiếm các nạn nhân chính là tìm kiếm người thân của chúng tôi, đồng bào cứ yên tâm", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ nói.
Câu chuyện của cháu Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 2016) bị mất cả bố và em gái khi 3 người bị nước lũ cuốn trôi trong lúc di chuyển bằng xe máy qua cầu tràn thôn Cầu Treo (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) làm mọi người không kìm được nước mắt.
Đại úy Lục Văn Nguyên, cán bộ Công an xã Yên Thuận, Công an huyện Hàm Yên (người trực tiếp cứu được cháu bé), cũng đã nỗ lực suốt nửa giờ để đi tìm bố và em gái của Bảo, theo lời thỉnh cầu của cậu bé, nhưng không có kết quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên sân khấu động viên, tặng quà và ông cháu Nguyễn Quốc Bảo. Thủ tướng cảm ơn, động viên Đại úy Lục Văn Nguyên.
Công đoàn Đài Truyền hình Việt Nam đã quyết định đỡ đầu cháu Nguyễn Quốc Bảo để cháu có điều kiện ăn học đến năm 18 tuổi.
Những câu chuyện từ thực tế khiến mọi người xúc động
Thông qua những câu chuyện chân thực, xúc động từ thực tiễn ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai những ngày qua, cùng với những tiết mục nghệ thuật đầy cảm xúc, chương trình gửi đi thông điệp về những điểm tựa trong bão lũ, người Việt Nam ở mỗi vị trí của mình đều có thể làm một điểm tựa cho đồng bào, cho đất nước trong những thời khắc khó khăn.
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các cơ quan truyền thông, báo chí, nhất là Đài Truyền hình Việt Nam trong những ngày qua đã nỗ lực, cố gắng, tập trung làm rất tốt nhiệm vụ được giao trong phòng chống, khắc phục hậu quả siêu bão số 3.
"Trong những lúc khó khăn, những lúc gian nan, những lúc thử thách thì ai cũng cần một điểm tựa", Thủ tướng chia sẻ và đánh giá cao sáng kiến của Đài Truyền hình Việt Nam trong tổ chức chương trình với tiêu đề "Điểm tựa Việt Nam".
6 điểm tựa Việt Nam
Thủ tướng chia sẻ với đồng bào, đồng chí về "6 điểm tựa Việt Nam".
Thứ nhất là điểm tựa về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" như Bác Hồ đã nói.
Điểm tựa thứ hai là chúng ta có Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lãnh đạo gần 95 năm qua. Đảng không có mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Chương trình nhằm lan tỏa tình cảm, sự sẻ chia với những mất mát của nhân dân ta do bão lũ
Điểm tựa thứ ba là truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái, "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn", "bầu ơi thương lấy bí cùng…".
Điểm tựa thứ năm là nhân dân. Nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".
Điểm tựa thứ năm là quân đội, công an. "Lúc cần, lúc khó có quân đội, công an"; "Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Những câu chuyện chân thực, xúc động được chia sẻ
Điểm tựa thứ sáu là tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc ta, của mỗi người khi khó khăn, thách thức, càng áp lực lại càng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, vượt qua giới hạn của bản thân, với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể".
Với sáu điểm tựa Việt Nam nói trên, Thủ tướng kêu gọi đồng bào, đồng chí "làm việc bằng hai", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm" để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3 tại 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Chương trình - Ảnh: Nhật Bắc
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận