Tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam

Nhà xuất bản Công an nhân dân vừa xuất bản chuyên khảo "Tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam", của hai Tiến sĩ Luật học Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Chí Công. Các tác giả đã công tác nhiều năm tại TANDTC.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có hệ thống tư pháp riêng biệt dành cho người chưa thành niên, nhằm đảm bảo rằng người chưa thành niên được xét xử công bằng; đồng thời được hỗ trợ phát triển để trở thành thành viên tích cực của xã hội. Một số quốc gia áp dụng hệ thống tư pháp người chưa thành niên dựa trên nguyên tắc “giáo dục thay vì trừng phạt”, trong đó các biện pháp giáo dục và tái hòa nhập được ưu tiên hơn là hình phạt tù giam. Các quốc gia này thường có các cơ sở kiểm soát và giám sát dành riêng cho người chưa thành niên, như trường học đặc biệt hoặc các tổ chức xã hội.

Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, hệ thống tư pháp người chưa thành niên vẫn còn nhiều hạn chế như áp dụng hình phạt nặng nề đối với tội phạm là người chưa thành niên. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển tinh thần và thể chất của người chưa thành niên, đồng thời không giải quyết được nguyên nhân thực sự của vấn đề.

Trong bối cảnh của Việt Nam, hệ thống tư pháp người chưa thành niên đang dần được hoàn thiện nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1 Điều 14). Trong các quyền đó có nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người chưa thành niên. Do đó, yêu cầu về hoàn thiện hệ thống tư pháp dành riêng cho người chưa thành niên là tất yếu và khách quan.

Chuyên khảo Tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới và thực tiễn ở Việt Nam phân tích, làm rõ các vấn đề lý luận, quy định và thực tiễn về tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới, từ đó nêu bật những giá trị tham khảo đối với Việt Nam, làm rõ thực tiễn và định hướng hoàn thiện tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam.

Chương 1 - Nhận diện về tư pháp người chưa thành niên

Trong chương này, các tác giả giải quyết các vấn đề như:  Khái niệm, đặc điểm người chưa thành niên; Khái niệm tư pháp người chưa thành niên;  Một số nguyên tắc cơ bản về tư pháp người chưa thành niên; Các nhân tố tác động đến tư pháp người chưa thành niên; Cơ chế bảo đảm thực hiện tư pháp người chưa thành niên.

Chương 2 - Một số quy định chung về tư pháp người chưa thành niên theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới với các nội dung: Quy định về tư pháp người chưa thành niên theo pháp luật quốc tế; Quy định về tư pháp người chưa thành niên theo pháp luật quốc tế và giới thiệu chung về tư pháp người chưa thành niên của một số quốc gia trên thế giới gồm: Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Nam Phi; Philippines; Papua New Guinea; Cộng hòa Kosovo; Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chương 3 - Các nội dung trọng tâm trong tư pháp người chưa thành niên ở một số quốc gia và giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Trong đó, các nội dung trọng tâm trong tư pháp người chưa thành niên ở một số quốc gia được nghiên cứu như  phạm vi áp dụng hệ thống pháp luật tư pháp người chưa thành niên; Nguyên tắc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật; Xử lý chuyển hướng trước khi xét xử; Các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế; Quy trình điều tra đặc biệt; Thủ tục tố tụng đặc biệt tại Tòa án…

Chương 4 - Bối cảnh xây dựng và các yêu cầu hoàn thiện tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam

Chương 5 - Thực trạng tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam với  kết quả đạt được về thi hành pháp luật tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam và nhưng tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Chương 6 - Giải pháp hoàn thiên hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam với nội dung hoàn thiện hệ thống pháp luật và giải pháp tổ chức thực hiện

Các tác giả đã đề cập đến những vấn đề mang tính chất lý luận, quy định và thực tiễn cô đọng nhất liên quan đến hệ thống tư pháp người chưa thành niên. Đây là nguồn tài liệu có giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn, phục vụ việc vận dụng, định hướng xây dựng pháp luật, nghiên cứu học tập để bảo vệ tốt hơn quyền của người chưa thành niên.

Tác giả Nguyễn Chí Công (1978) là Thẩm phán cao cấp, Phó Chánh án, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Sáng kiến TANDCC Đà Nẵng; Ủy viên Hội đồng Khoa học Tòa án nhân dân; Ủy viên Hội đồng Học viện Tòa án.

Đã xuất bản nhiều công trình như: Luật Tố tụng hình sự trong thực tế Giám đốc thẩm, Tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao (2008); Án lệ và Bình luận, Quyển II (2019); Giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ năm 2018 2019 (2019); Hỏi đáp nghiệp vụ về Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (2020).

Tác giả Nguyễn Thanh Hải (1978) hiện là Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Đào tạo Thẩm tra viên - Thư ký Tòa án, Học viện Tòa án. Thành viên Hội đồng khoa học Học viện Tòa án.

Đã xuất bản một số công trình như: Pháp luật về nhà ở cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam (2016); Bảo vệ quyền lợi khách hàng trong hoạt động sáp nhập, hợp nhất mua lại ngân hàng thương mại (2017); Cẩm nang nghiệp vụ dành cho Thẩm phán, Kiểm sát, Luật sư (2020); Một số vướng mắc trong giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án theo Bộ luật Lao động năm 2019 (2022); Cẩm nang giải quyết các vụ án Dân sự, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hôn nhân và Gia đình (2022).

 

Tạp chí Tòa án nhân dân online xin giới thiệu cuốn sách đến quý độc giả!

Sách có 328 trang, khổ 14.5 x 20.5

Bạn đọc có nhu cầu mua sách, xin liên hệ Ban trị sự 024.39341.735 để được phục vụ.

BẢO THƯ