Vướng mắc về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất
Để tránh vi phạm về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, các bên khi cho vay thường chỉ thỏa thuận miệng bên ngoài về mức lãi suất, do đó trong hợp đồng vay không ghi mức lãi suất. Đến hạn trả nợ, các bên có tranh chấp về lãi suất dẫn đến hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về áp dụng pháp luật để xét xử vụ án.
Tại Điều 468 BLDS năm 2015 quy định: “lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Như vậy, lãi suất vay do các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng được quyền thỏa thuận để ấn định mức lãi suất trong hợp đồng vay; các bên có thể thỏa thuận lãi suất được tính theo đơn vị thời gian là năm, quý, tháng, tuần, ngày… Để thuận tiện cho việc tính toán, trong nhiều trường hợp, các bên phải quy đổi lãi suất ra theo một đơn vị thời gian thống nhất. Trường hợp các bên thỏa thuận lãi theo ngày, tháng, năm thì dựa vào lãi và giá trị tài sản vay, thời gian vay, thì có thể tính ra được lãi suất theo ngày, tháng, năm.
Ví dụ: Lãi = Nợ gốc x lãi suất x thời hạn vay. Từ đó: Lãi suất = Lãi/(nợ gốc x thời hạn vay) x 100%.
Theo đó, luật cho phép các bên thỏa thuận về lãi suất. Tuy nhiên, mức lãi suất này theo khoản 1 Điều 468 của BLDS năm 2015 thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Thay vì khống chế lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước công bố (khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015). Vì vậy, Điều 468 BLDS năm 2015 đã đưa ra một con số khống chế rõ ràng (không quá 20%/năm). Quy định này tạo ra việc áp dụng luật thống nhất cho Tòa án trong công tác xét xử các hợp đồng vay tài sản.
Tuy nhiên, đối với khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”. Có nghĩa là lãi suất vay trong trường hợp này là 10%/năm, tương đương với 0,83%/tháng.
Từ đó, dẫn đến các hợp đồng vay không ghi lãi suất trong hợp đồng mà chỉ thỏa thuận bằng miệng dẫn đến khi tranh chấp thì hiện nay vẫn còn khó khăn, vướng mắc, cần phải có hướng dẫn thi hành.
Ví dụ: Theo đơn khởi kiện bà Nguyễn Thị T cho rằng, ngày 11/3/2018, bà Bùi Thị H có vay tiền của bà Nguyễn Thị T số tiền 200.000.000 đồng; giấy vay tiền hai bên không ghi lãi suất mà hai bên cho rằng lãi suất thỏa thuận miệng là 6%/tháng, với thời hạn ba tháng từ ngày 11/3/2018 đến ngày 11/6/2018 thì bà Bùi Thị H phải trả trả gốc và lãi. Tuy nhiên, từ khi vay tiền cho đến nay bà Bùi Thị H không trả gốc và tiền lãi mặc dù bà Nguyễn Thị T đã đòi nhiều lần.
Bà Bùi Thị H cho rằng, bà H có vay của bà Nguyễn Thị T số tiền 200.000.000 đồng, như bà Nguyễn Thị T trình bày, khi vay không ghi lãi suất trong giấy vay mà chỉ thỏa thuận miệng lãi suất 6%/tháng, bà Bùi Thị H đã trả lãi hàng tháng cho bà Nguyễn Thị T, đến tháng 3 năm 2023 thì bà Bùi Thị H không trả lãi.
Nay bà Nguyễn Thị T khởi kiện yêu cầu bà Bùi Thị H trả số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi suất 20%/năm tương đương với 1,66%/tháng từ ngày vay đến ngày 11/3/2024 là 3.320.000 đồng/tháng x 72 tháng = 239.040.000 đồng.
Bà Bùi Thị H không đồng ý, mà chỉ đồng ý trả lãi suất 10%/năm tương đương với 0,83%/tháng từ ngày 11/3/2023 đến ngày 11/3/2024 là 1.660.000 đồng/tháng x 12 tháng = 19.920.000 đồng.
Qua vụ án nêu trên, hiện nay đang có hai quan điểm không thống nhất, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải chấp nhận đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị T. Với lý do, mặc dù giấy vay tiền các bên không ghi lãi suất nhưng các bên thừa nhận lãi suất thỏa thuận miệng là 6%/tháng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định thì trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Như vậy, các bên đều thừa nhận là lãi suất 6%/tháng, các bên chỉ không thừa nhận về việc bên vay bà Bùi Thị H cho rằng đã trả được 60 tháng, còn phía bà Nguyễn Thị T thì không thừa nhận đã trả lãi. Do vậy, vấn đề về lãi suất các bên đều thừa nhận 6%/tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm quy định: “Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Như vậy, khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Có nghĩa là, trừ trường hợp có thỏa thuận khác cần được hiểu là bà Bùi Thị H và bà Nguyễn T đã thỏa thuận miệng lãi suất là 6%/tháng là thỏa thuận khác. Như vậy, đây là tình tiết không phải chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 92 BLTTDS năm 2015, nên cần phải chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T. Buộc bà Bùi Thị H phải trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi suất 20%/năm từ ngày vay đến ngày 11/3/2024, lãi suất 20%/năm tương đương 1,66%/tháng = 3.320.000 đồng/tháng x 72 tháng = 239.040.000 đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T. Buộc bà Bùi Thị H phải trả nợ gốc 200.000.000 đồng và tiền lãi suất chậm trả từ ngày 11/6/2018, đến ngày 11/3/2024 là 69 tháng x 10%/năm (tương đương với 0,83%/tháng) là 114.540.000 đồng.
Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai với các lý do sau, tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định: “1. Hợp đồng vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì theo yêu cầu của bên cho vay, Tòa án xác định bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc quá hạn theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 trên số tiền chậm trả tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả nợ gốc)…”.
Như vậy, trong trường hợp này mặc dù các bên có thừa nhận lãi suất thỏa thuận miệng là 6%/tháng. Tuy nhiên, phía bên bà Nguyễn Thị T là người cho vay không thừa nhận bà Bùi Thị H là người vay đã trả tiền lãi suất đến tháng 3/2023. Còn phía bên vay bà Bùi Thị H cho rằng, đã trả tiền lãi 6%/tháng từ ngày vay đến tháng 3/2023 cho bà Nguyễn Thị T nhưng bà Bùi Thị H cũng không có chứng cứ nào để chứng minh cho việc đã trả tiền lãi cho bà Nguyễn Thị T mà đây chỉ là lời trình bày của bà Bùi Thị H, nên không thể áp dụng Điều 92 BLTTDS năm 2015 để cho rằng đây là tình tiết các bên đã thừa nhận không phải chứng minh trong vụ án.
Do vậy, mặc dù hợp đồng vay không ghi lãi suất nhưng các bên thừa nhận lãi suất thỏa thuận miệng lãi suất 6%/ tháng. Nhưng các bên không thừa nhận về việc đã trả lãi và có tranh chấp về lãi suất. Do vậy, đây là trường hợp các bên tranh chấp về lãi suất nên khi xét xử cần phải áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 để xét xử đó là, hợp đồng vay tiền giữa bà Bùi Thị H với bà Nguyễn Thị T là hợp đồng vay không có lãi; khi đến hạn bên vay bà Bùi Thị H không trả nợ cho bà Nguyễn Thị T theo giấy vay tiền ngày 11/3/2018; theo yêu cầu của bên cho vay bà Nguyễn Thị T, thì phải xác định bên vay bà Bùi Thị H phải trả tiền lãi trên nợ gốc chậm trả từ khi đến hạn trả nợ cho bà Nguyễn Thị T theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 trên số tiền chậm trả tại thời điểm đến hạn trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả nợ gốc từ ngày 11/6/2018 đối với tiền nợ gốc 200.000.000 đồng, tiền lãi chậm trả là 69 tháng x 10%/năm tương đương 0,83%/tháng là 114.540.000 đồng.
Như vậy, tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP quy định “trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” là chưa rõ ràng dẫn đến khi xét xử các vụ án này còn chưa thống nhất về cách tính lãi suất chậm trả đối với hợp đồng vay không ghi lãi suất.
Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần phải có văn bản hướng dẫn thống nhất, cụ thể trong công tác xét xử đối với trường hợp mà hợp đồng vay không ghi lãi suất trong hợp đồng mà các bên có tranh chấp về lãi suất.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận