Xét xử phúc thẩm Trương Mỹ Lan và các đồng phạm
Sáng 4/11, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm, xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 bị cáo khác trong vụ án, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên xét xử phúc thẩm (Ảnh: Nguyệt Nhi/PLO)
Phiên xét xử phúc thẩm được mở do có kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác: Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan); Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan); Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước); Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Capella)…
Đồng thời, xem xét đơn kháng cáo của bị hại là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai, Công ty CP T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh…
Phiên xét xử dự kiến kết thúc vào ngày 25/11/2024 với gần 100 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, bị hại, người liên quan.
Trước đó, tháng 4/2024, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; 20 năm tù tội “Đưa hối lộ” và tử hình tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình. 85 đồng phạm còn lại bị phạt mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến tù chung thân. Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm buộc bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay là 677.800 tỷ đồng.
Sau phán quyết trên, bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), bị cáo Trương Huệ Vân (cháu bà Lan), Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang), Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) cùng 43 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngoài ra, bị hại là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB); người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như: Công ty Quốc Cường Gia Lai, ông Nguyễn Sơn Hoa, Công ty T&H Hạ Long, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh... cũng có kháng cáo.
Trong đơn kháng cáo dài 6 trang gửi tới TAND TP.HCM, Trương Mỹ Lan nói về cuộc đời, hành trình xây dựng, tạo lập Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng những đóng góp cho xã hội.
Đồng thời, Trương Mỹ Lan nói về những hy sinh của mình cùng các cổ đông trong việc tái cấu trúc, mong muốn đưa Ngân hàng SCB thoát khỏi khó khăn. Bị cáo Lan cho rằng SCB là ngân hàng thương mại cổ phần, không phải công ty trách nhiệm hữu hạn nên buộc bà ta chịu toàn bộ trách nhiệm là không phù hợp.
Bên cạnh đó, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng phán quyết của tòa sơ thẩm quá nặng và trình bày một số tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, bị cáo Lan xin các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét thấu đáo, có đường lối giải quyết phù hợp để bà nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Bài liên quan
-
Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính
-
Mức án cụ thể của 34 bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2
-
Tuyên án sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan lĩnh án chung thân
-
Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án chung thân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
Bình luận